Sản phẩm OCOP góp phần nâng cao thu nhập

Đăng lúc: 20/01/2024 (GMT+7)
100%

- Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Thanh Hóa đã có 464 sản phẩm được công nhận OCOP. Những sản phẩm này, không chỉ mang đặc trưng riêng của từng địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

 177d5143942t75619l0.jpg

Sản xuất bộ sản phẩm FUWA3E, tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA BIOTECH, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Nghề sản xuất kẹo lạc truyền thống xã Xuân Yên cũ, nay là xã Phú Xuân (Thọ Xuân) được phát triển mạnh mẽ ở thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Tiếng tăm kẹo lạc Xuân Yên vang xa, bởi chất lượng không thua kém những làng nghề sản xuất kẹo lạc nổi tiếng trong cả nước lúa bấy giờ. Anh Dương Văn Giang là người có công vực dậy, phát triển kẹo lạc nơi đây. Sau thành công ở sản phẩm kẹo lạc, năm 2018 anh tiếp tục cho ra sản phẩm kẹo gạo lứt Đức Giang và sản phẩm đã lọt Top 100 sản phẩm tiêu biểu của miền Bắc năm 2019. Cũng trong năm này, 2 sản phẩm của anh là kẹo lạc và kẹo gạo lứt Đức Giang được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, việc tiêu thụ sản phẩm có nhiều thuận lợi hơn. Hiện, sản phẩm kẹo lạc Đức Giang đã có mặt ở 19 tỉnh, thành trong cả nước, với sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 4 - 5 tạ/ngày (dịp tết), tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, với mức thu nhập dao động 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày.

Những ngày này, người dân xã Hà Lai (Hà Trung) đang tất bật với nghề làm bánh lá truyền thống phục vụ cho thị trường tết. Chị Trịnh Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất bánh lá Đông Hà và là người có thâm niên hơn 20 năm làm bánh cho biết: Để có chiếc bánh ngon, gạo làm bánh phải là gạo Xi 23. Gạo trước khi chế biến được ngâm trong nước lạnh từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, rồi đem xay thành bột, sao cho thật nhuyễn mịn, sau đó được đặt lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi đặc, dẻo, quyện vào đôi đũa cả. Đây là khâu rất quan trọng, chỉ cần có sơ suất nhỏ trong khâu sơ chế bột, có thể khiến chiếc bánh làm ra không còn ngon nữa. Kỹ thuật ngâm gạo và “dáo bột” là bí quyết riêng, làm nên đặc trưng của bánh lá Hà Lai... Cũng theo chị Hà, từ khi bánh lá của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP năm 2021, việc sản xuất, tiêu thụ bánh lá rất thuận lợi. Nếu như trước đây, mỗi ngày cơ sở của chị chỉ sản xuất được 1.000 chiếc, nay lượng bánh đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 (vào dịp lễ, tết), tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 7 lao động. Dịp tết năm nay, cơ sở của chị đang thuê 10 - 12 lao động. Chị Hà cho biết, nghề làm bánh phát triển đã đem thu nhập cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, Thanh Hóa đã phát triển 464 sản phẩm OCOP; trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 56 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Hầu hết các sản phẩm sau khi đạt OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, góp phần đem lại lợi nhuận cho chủ thể từ 15 - 20%, đồng thời tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu vào thị trường Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP từ cói xuất khẩu trực tiếp và bán ở 64 siêu thị tại Hoa Kỳ; ghế tre thư giãn cao cấp xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ; dứa đóng hộp Trường Tùng xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Úc...
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

 
Truy cập
Hôm nay:
2007
Hôm qua:
3996
Tuần này:
6003
Tháng này:
122365
Tất cả:
2121234