Bánh gai Bảy Quyên, khu phố 3, TT Sao Vàng: sản phẩm OCOP 3 sao

Đăng lúc: 14/09/2023 (GMT+7)
100%

Nói đến Thọ Xuân là nói đến mảnh đất của địa linh nhân kiệt, của khí thiêng hội tụ, là nơi sơn thủy hữu tình với nhiều đặc sản nổi tiếng. Ai đã từng một lần đến Thọ Xuân hẳn không thể bỏ qua món bánh gai – một món quà quê dân dã, quen thuộc, một đặc sản nổi tiếng của Thọ Xuân. Cùng với các sản phẩm Ocop khác, Bánh gai Bảy Quyên của gia đình anh Nguyễn Đình Bảy ở khu 3, thị trấn Sao Vàng cũng đã được công nhận là sản phẩm chất lượng "3 sao" cấp tỉnh.

 z4689774729763_284f6a292a8fe64e9d8ee7eaa9554bba.jpg

           Gia đình anh Nguyễn Đình Bảy là gia đình có truyền thống làm bánh gai từ rất lâu, với hương vị bánh gai truyền thống thơm ngon, đặc trưng. Người dân trong vùng quen gọi là bánh gai Bảy Quyên. Lâu dần, cái tên ấy đã thành thương hiệu của sản phẩm.

          Bánh gai Bảy Quyên được làm dạng hình vuông được gói bằng lá chuối, vỏ bánh gai màu đen, hương vị thơm, ngậy, ngọt ngào. Ngày trước, bánh gai chỉ được làm ở các dịp lễ tết, dùng thắp hương gia tiên còn bây giờ bánh gai được làm quanh năm dùng vào tất cả các dịp lễ hội phổ biến như trong các lễ ăn hỏi, lễ cưới cho nhân dân trên địa bàn và các vùng phụ cận. Ngoài ra nó còn là món quà tặng ý nghĩa cho du khách gần xa.

z4689777322461_b85e06f0827ed34fdfd0d4609acc197f.jpg

        Nguyên liệu để làm Bánh gai Bảy Quyên gồm: bột gạo nếp, lá gai, đậu xanh, mật mía, dừa khô, … Tất cả các nguyên liệu trên đều được cơ sở Nguyễn Đình Bảy lựa chọn một cách tỉ mỉ, công phu và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Để làm ra những chiếc bánh gai ngon, đạt tiêu chuẩn người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn. Gạo là loại gạo nếp ngon nhất. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Vỏ bánh làm từ bột nếp hoà với lá gai đã được giã nhuyễn làm lên sắc đen huyền, ánh lên hấp dẫn lạ kỳ. Cách chọn đậu xanh cũng phải sành. Đậu xanh, phải là loại đậu chè, hạt nhỏ. Xục tay vào thúng đỗ phải nghe thấy tiếng xạo xạo của hạt đậu già đã tách. Khi đồ (hấp) lên đậu mới bở, thơm và ngậy đến độ ngay khi mở vung nồi, mùi thơm thơm ngầy ngậy xộc vào cánh mũi phải đợi một chút, quay mặt cho hơi bay vợi đi, khi đó mới nhìn rõ màu vàng ươm, mỡ màng của đậu. Hạt đậu căng tròn, nhón tay xiết lại, nhấc hai đầu ngón tay thấy dinh dính, nhưng xốp và mịn.Sau khi nặn, bánh được gói bằng lá chuối khô, gói nhiều lớp để có thể giữ bánh được lâu và an toàn khi mang đi xa.

z4689781304186_647e471fb90cc2bf19cbc25a6467de49.jpg

          Sự kết hợp giữa các nguyên liệu tạo nên những chiếc bánh gai mềm, dẻo tượng trưng cho sự bền chặt, thủy chung son sắt của đôi lứa yêu nhau. Ruột bánh màu vàng của đậu xanh, vị thơm của dừa toát lên sự sung túc, đủ đầy. Có thể nói điểm tạo ra sự khác biệt và ấn tượng của Bánh gai Bảy Quyên là nhờ bí quyết gia truyền làm vỏ bánh gai, ở công đoạn này đòi hỏi người thợ làm bánh biết pha cân đối lượng bột gạo nếp, lá gai say nhuyễn và mật mía để đảm bảo độ dẻo, không được cứng quá hay dẻo quá nhưng lại mang hương vị đặc trưng riêng của mình.

          Để làm ra chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn người làm ra nó phải rất kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn. Sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận đó đã làm nên một sản phẩm tưởng như rất giản đơn nhưng thực sự lại rất cầu kỳ, gói ghém trong đó rất nhiều năng lượng, tinh túy và tâm tình của cơ sở gửi gắm vào trong những chiếc bánh.

          Mới đây, tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Ocop đợt 1, năm 2023 do UBND huyện Thọ Xuân tổ chức, bánh gai Bảy Quyên là sản phẩm được Hội đồng thẩm định đánh giá cao, đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định và cấp chứng nhận sản phẩm OCOP công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn "3 sao".

Trần Thành, Trung tâm VHTT, TT và DL Thọ Xuân.