THỌ XUÂN - QUẾ SƠN 55 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Đăng lúc: 17/11/2023 (GMT+7)
100%

Thanh Hóa – Quảng Nam từ xa xưa đã có một mối kết giao lịch sử đặc biệt, khi những người con xứ Thanh tiến về phương nam mở cõi, mang những dấu ấn văn hóa xứ Thanh đến với xứ Thuận Quảng. Trong chiến tranh chống Mỹ, hai miền đất giàu di sản và truyền thống cách mạng Thanh Hóa – Quảng Nam đã kết nghĩa, nguyện một lòng kề vai sát cánh bên nhau, cùng nhân dân cả nước chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Ở hai miền Nam - Bắc, người xứ Quảng - người xứ Thanh không chỉ là dân một nước, mà đã là con một nhà. Dưới mái nhà chung ấy, huyện Thọ Xuân, quê hương của hai vị hoàng đế Lê Hoàn, Lê Lợi, đã kết nghĩa với huyện Quế Sơn, miền đất sinh ra nhiều bậc hiền tài danh sỹ thuộc hàng “Ngũ phụng, Tứ hổ” của khoa bảng đất Việt. Những người con của đế đô Lam Kinh đã cùng những người anh em sông Thu Bồn thơ mộng sát cánh bên nhau trong những năm tháng đạn bom, rồi lại cùng sẻ chia những gian khó thời hậu chiến. Mối thâm tình lịch sử ấy theo năm tháng ngày càng keo sơn gắn bó, “nghìn thu không mờ”. Sau 55 năm, kể từ ngày hai huyện Thọ Xuân và Quế Sơn kết nghĩa, mối thâm tình lịch sử ấy ngày càng keo sơn, gắn bó, cho đến hôm nay tiếp tục được duy trì và phát triển lên tầm cao mới.

 QS.png
Cách đây 55 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh phong trào đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược,  ngày 12/3/1960, lễ kết nghĩa giữa 2 tỉnh Thanh Hoá và Quảng Nam được tổ chức trọng thể. 
Sau đó, ngày 20/11/1968, lễ kết nghĩa giữa huyện Thọ Xuân và huyện Quế Sơn được tổ chức tại làng Mỹ Lý Hạ, xã Bắc Lương, nơi sơ tán của cơ quan Huyện ủy Thọ Xuân. Tại lễ kết nghĩa, hai bên cùng nguyện ước gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng chiến đấu chống Mỹ Ngụy và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn, cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân hai huyện thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng.
Sự kiện hai huyện Thọ Xuân - Quế Sơn kết nghĩa đã tạo động lực vô cùng to lớn, thúc đẩy các phong trào cách mạng của Thọ Xuân lên cao hơn bao giờ hết. Tinh thần “Quế Sơn gọi, Thọ Xuân sẵn sàng”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã trở thành lẽ sống, phương châm hành động của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa, nhân dân Thọ Xuân ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai để chi viện cho đồng bào miền Nam và Quế Sơn”. 
qs2.png
Với khẩu hiệu hành động mạnh mẽ ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân luôn sát cánh, sẻ chia khó khăn, gian khổ, cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Quế Sơn anh dũng chống kẻ thù xâm lược. Đã có hàng vạn người con Thọ Xuân hăng hái lên đường vào miền Nam, trong đó có vùng đất Quế Sơn, Quảng Nam, để phối hợp cùng quân dân địa phương kết nghĩa chiến đấu chống Mỹ Ngụy. Trên mảnh đất Quế Sơn đầy máu lửa, trong những năm 1968 đến năm 1975 có hàng trăm chiến sĩ của các đơn vị là con em Thọ Xuân đã đồng cam cộng khổ, chiến đấu anh dũng cùng với quân và dân Quế Sơn, lập nên những chiến công vang dội. Giờ đây những tên đất, tên làng, những địa danh di tích của vùng đất Quế Sơn đã trở thành những ký ức sâu đậm, thấm đẫm tình cảm thiêng liêng của những người lính hai miền Nam- Bắc, hai quê hương kết nghĩa từng gắn bó với nhau một thời hoa lửa.
Sau lễ kết nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện Thọ Xuân và Quế Sơn đã dành cho nhau những tình cảm chân thành thông qua những việc làm thiết thực. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh hết sức khó khăn, đất nước còn chưa thống nhất, nhưng tình cảm của cán bộ nhân dân Thọ Xuân dành cho đoàn công tác của huyện Quế Sơn đã để lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Trong chuyến công tác này, theo đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, huyện Thọ Xuân tiếp tục hỗ trợ các loại giống lúa ngắn ngày có năng suất cao nhằm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế vùng tự do để phục vụ kháng chiến và ổn định đời sống nhân dân.
Đáp lại tình cảm của Đảng bộ và nhân dân huyện Thọ Xuân, quân và dân huyện Quế Sơn đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Nhiều người dân, nhất là các mẹ, các chị đã che chở bảo vệ, chăm sóc cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác, chiến đấu trên chiến trường Quế Sơn.
qs1.png
Sự chi viện, giúp sức của cán bộ nhân dân Thọ Xuân đã khích lệ tinh thần chiến đấu để quân và dân huyện Quế Sơn lập nhiều thành tích và chiến công hiển hách, với những chiến thắng vang dội như: chiến thắng Cấm Dơi, chiến thắng Nông Sơn… Đây cũng là cú hích, tạo đà cho quân dân Quế Sơn chiến đấu ngoan cường làm nên chiến thắng oanh liệt, giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 26/3/1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975. Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã khép lại cuộc chiến anh dũng và đau thương của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, quân dân hai địa phương Thọ Xuân - Quế Sơn.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân hai huyện Thọ Xuân và Quế Sơn lại tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt, tiếp tục giúp nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội.
Thọ Xuan tặng Quế Sơn bức tranh sơn mài bia Vĩnh lăng.png
Thấu hiểu được những khó khăn của huyện Quế Sơn sau những năm chiến tranh, huyện Thọ Xuân tiếp tục giúp đỡ, chi viện cán bộ chuyên môn trên các lĩnh vực công nông nghiệp, giáo dục, y tế, cán bộ kỹ thuật ở ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giống cây trồng vật nuôi, văn hóa phẩm… giúp quê hương kết nghĩa xây dựng các cơ sở kinh tế, từng bước xóa bỏ tàn dư văn hóa phản động đồi trụy của chế độ Mỹ Ngụy, xây dựng nền văn hóa cách mạng. Đáp lại tình cảm chân thành, sâu nặng của Thọ Xuân, huyện Quế Sơn đã trao tặng cho huyện Thọ Xuân nhiều món quà ý nghĩa bày tỏ tình đoàn kết keo sơn giữa hai huyện.
Huyện Quế Sơn thăm Thọ Xuân năm 2013.png
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp được dựng xây từ những ngày gian khó, nhiều năm qua, lãnh đạo hai huyện thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm, những sự kiện trọng đại của hai địa phương là dịp để lãnh đạo hai bên gặp gỡ giao lưu, bày tỏ sự quan tâm thiết thực và chia sẻ niềm vui, hòa với niềm vui chung của quê hương, đất nước.
Huyện Thọ Xuân tặng Quế Sơn bức tranh đá khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập.png
Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa, hàng năm nhân ngày thương binh liệt sĩ và các ngày lễ lớn, lãnh đạo hai huyện thường xuyên thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng; xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách trị giá hàng tỷ đồng.
Năm 1986, thực hiện Quyết định số 289/QĐ-HĐBT ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, các xã Quế Thọ, Quế Tân, Quế Bình và Quế Lưu của huyện Quế Sơn được tách ra cùng một số xã của hai huyện Thăng Bình, Phước Sơn để thành lập huyện Hiệp Đức và đến năm 2008 thực hiện Nghị định số 42/2008/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Quế Sơn tiếp tục tách 5 xã vùng Tây của huyện gồm: xã Quế Lộc, Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước và Quế Lâm để thành lập huyện Nông Sơn. Cũng từ đó, Thọ Xuân có thêm hai huyện kết nghĩa sau huyện Quế Sơn là huyện  Hiệp Đức và huyện Nông Sơn
Thăm đồng bào bị thiên tai huyện Quế Sơn.png
Đều nằm trong dải đất miền Trung của đất nước, các huyện Thọ Xuân, Quế Sơn, Hiệp Đức và Nông Sơn có nhiều điểm tương đồng cả về đất và người, không những phải hứng chịu nhiều bom đạn khốc liệt của kẻ thù mà còn phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt triền miên. Trong những năm qua, địa phương nào có thiên tai xảy ra, thì  lãnh đạo địa phương kết nghĩa đều tổ chức thăm hỏi, ủng hộ, động viên nhau vượt qua thử thách. Hai bên thường xuyên kết nối thông tin, chia sẻ động viên bằng cả vật chất lẫn tinh thần để cùng nhau khắc phục khó khăn.
Tặng nhà tình ngĩa tại Thọ Xuân.png
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, tình nghĩa giữa hai địa phương luôn được nhiều thế hệ lãnh đạo phát huy, gìn giữ. Dù trong những năm tháng công tác, hay khi trở về với cuộc sống đời thường, tình cảm đó vẫn luôn được các đồng chí trân trọng và khắc ghi. Bằng những nghĩa cử cao đẹp ấy, hai huyện đã kịp thời cổ vũ, động viên nhau vượt qua mọi thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo nên những bước tiến vững chắc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
qs19.png
Đối với Thọ Xuân, trải qua hơn 35 năm đổi mới và bước sang thời kỳ CNH- HĐH, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã giành được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tốc độ tăng giá trị sản xuất luôn ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng ngày càng được tăng cường. Phong trào xây dựng Nông thôn mới, NTM nâng cao đang làm cho diện mạo Thọ Xuân thay đổi từng ngày, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện.
a1.jpg
Đặc biệt Nghị quyết số 10 ngày 10/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tần nhìn đến năm 2045 đã thổi luồng gió mát lành, mở ra đường hướng mới để huyện Thọ Xuân phát triển. Đây thực sự là tiền đề quan trọng, là động lực to lớn, tạo niềm phấn khởi, tự tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thọ Xuân thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành huyện NTM nâng cao trước năm 2024, đến năm 2025 là một trong 3 huyện dẫn đầu các phong trào của tỉnh và trước năm 2030 trở thành thị xã Thọ Xuân xứng đáng với niềm tin yêu của đồng chí, đồng bào quê hương kết nghĩa Quế Sơn.
Cong tình thanh niên.png
Tại Quế Sơn, Đảng bộ và nhân dân trong huyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tranh thủ thời cơ, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện quyết liệt và hiệu quả các mục tiêu kế hoạch đề ra. Vì vậy, kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá. Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai chu đáo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, huyện luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh liệt sỹ, người có công; thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tặng quà lưu niệm tại Hiệp Đức.png
Tại huyện Hiệp Đức được chia tách từ huyện Quế Sơn cách đây 37 năm. Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, toàn huyện có 10 xã và 1 thị trấn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Đảng bộ, chính quyền huyện Hiệp Đức đã nỗ lực vượt khó đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn huyện có 8 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động. Chương trình XD NTM được tập trung chỉ đạo, toàn huyện có 5/10 xã đạt chuẩn NTM. Hệ thống giao thông kết nối đến các thôn trên địa bàn huyện. Hệ thống trường lớp học được quan tâm đầu tư. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng cao. Công tác xoá đói giảm nghèo được chú trọng. Chế độ chính sách đối với người có công được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng.
trồng cây lưu niệm tại huyện Nông Sơn.png
Tại huyện Nông Sơn được chia tách từ huyện Quế Sơn vào tháng 4/2008. Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, toàn huyện có 6 xã, 29 thôn; dân số 28 nghìn người. Diện tích tự nhiên hơn 47 nghìn ha, trong đó hơn 39 nghìn ha rừng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Đảng bộ, chính quyền huyện Nông Sơn đã nỗ lực vượt khó đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình XD NTM được tập trung chỉ đạo, toàn huyện có 4/6 xã đạt chuẩn NTM. Hệ thống giao thông  kết nối đến các thôn trên địa bàn huyện. Hệ thống trường lớp học được quan tâm đầu tư. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng cao. Công tác xoá đói giảm nghèo được chú trọng. Chế độ chính sách đối với người có công được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng.
qs18.png
Chiến tranh đã khép lại hơn 45 năm. Nghĩa tình Thọ Xuân - Quế Sơn cũng đã trải qua nửa thế kỷ đắp xây bền vững. Tình nghĩa ấy được thử thách, luyện rèn qua những ngày “chiến trường chia lửa, hầm tối chia cơm”, qua thiên tai địch họa, như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Tình nghĩa đó thực sự là tài sản vô giá luôn được thế hệ trẻ của hai huyện tiếp tục giữ gìn, vun đắp.
Thọ Xuân và Quế Sơn viếng nhà thờ đồng chí Đỗ Quang.png
Dù trong khói lửa chiến tranh hay trong bộn bề công việc trên con đường xây dựng quê hương, đất nước hôm nay, tình kết nghĩa Thọ Xuân – Quế Sơn luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai địa phương giữ gìn, vun đắp, mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ cán bộ và nhân dân hai địa phương. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tình nghĩa thủy chung son sắt Thọ Xuân – Quế Sơn sẽ còn mãi theo thời gian, là nền tảng cho một tương lai tươi sáng./.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân