Kỷ niệm một chuyến đi: Nghĩa tình sâu nặng

Đăng lúc: 15/11/2023 (GMT+7)
100%

" Em ơi, có vào thăm Quế Sơn/ Cho anh nhắn gửi đôi lời/ Dòng Thu Bồn trong xanh còn đó/ Đồi Cấm Dơi vang mãi trong tim mình…" Lời bài hát "Thọ Xuân - Quế Sơn mãi muôn đời" cứ mãi ngân vang trên xe của Đoàn công tác chúng tôi.

 Vượt qua chặng đường hơn sáu trăm cây số đến với huyện kết nghĩa Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, đoàn công tác chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục trước những đổi thay vượt bậc của mảnh đất này. Đến với Quế Sơn, chúng tôi lại càng “thấm” nghĩa tình sâu nặng 55 năm qua, giữa Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân hai huyện Quế Sơn - Thọ Xuân.
a14.jpg

Thọ Xuân- Thanh Hóa và Quế Sơn - Quảng Nam là hai huyện cùng nằm trên dải đất miền Trung đầy nắng và gió, dù núi cách sông ngăn, nhưng lại có những nét tương đồng về địa lý, lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Hai huyện đã từng gắn bó mật thiết với nhau trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong hòa bình xây dựng và phát triển. Tình cảm đó đã được Đảng bộ và Nhân dân hai huyện vun đắp dựng xây  trở thành mối quan hệ đặc biệt, nghĩa tình thủy chung, son sắt trong suốt chặng đường 55 năm qua. Và theo năm tháng, truyền thống ấy ngày càng được nuôi dưỡng, đắp xây,  thắm nồng và sâu nặng.

Ký ức về một thời đấu tranh và mối tình keo sơn gắn bó giữa hai huyện luôn là tâm điểm của câu chuyện hàn huyên tâm sự giữa những người con quê hương Thọ Xuân - Quế Sơn hôm nay. Đặc biệt, trong ký ức của đồng chí Nguyễn Văn Kinh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, đồng chí Hà Phước Trinh, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quế Sơn qua các thời kỳ, những câu chuyện về mối tình kết nghĩa keo sơn Quế Sơn - Thọ Xuân trong 55 qua mãi ngời sáng, đã làm anh em chúng tôi thực sự xúc động.

Ngược dòng thời gian, chúng tôi được biết: Thanh Hóa - Quảng Nam từ xa xưa đã có một mối kết giao lịch sử đặc biệt. Để rồi theo mạch nguồn ấy, cháu con của hai miền đất giàu di sản này lại kết giao tình huynh đệ, kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Ở hai miền Nam - Bắc, người xứ Quảng - người xứ Thanh không chỉ là dân một nước, mà đã là con một nhà. Dưới mái nhà chung ấy, huyện Thọ Xuân, quê hương của hai vị hoàng đế Lê Hoàn, Lê Lợi, đã kết nghĩa với huyện Quế Sơn, miền đất sinh ra nhiều bậc hiền tài danh sỹ thuộc hàng "Ngũ phụng, Tứ hổ" của khoa bảng đất Việt. Lễ kết nghĩa giữa hai huyện Quế Sơn - Thọ Xuân diễn ra vào ngày 20 tháng 11 năm 1968 tại làng Mỹ Lý Hạ, xã Bắc Lương, nơi Cơ quan Huyện ủy Thọ Xuân sơ tán. Tại buổi lễ, hai huyện đã tiến hành ký biên bản kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai tỉnh, cùng nguyện ước gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng chống kẻ thù chung, thống nhất nước nhà; đồng thời, phát động phong trào thi đua: Quế Sơn không sợ gian khổ hy sinh, ra sức chiến đấu giết giặc lập công, Thọ Xuân vừa sản xuất vừa chiến đấu, động viên Nhân dân hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đặc biệt là cho Quế Sơn kết nghĩa theo tinh thần "Quế Sơn gọi, Thọ Xuân sẵn sàng". Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện tình đoàn kết Bắc - Nam một nhà, là sợi dây nối liền tình đồng chí, tình anh em, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa Đảng bộ, quân và dân hai huyện Thọ Xuân - Quế Sơn. Những người con của Lam Kinh đã cùng những người anh em sông Thu Bồn sát cánh bên nhau trong những năm tháng đạn bom, cùng sẻ chia những gian khó thời hậu chiến. Mối thâm tình lịch sử ấy theo năm tháng đã tồn tại, đang phát triển và mãi bền chặt.

Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, Thọ Xuân luôn dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào miền Nam nói chung và Nhân dân Quế Sơn – Quảng Nam nói riêng; không ngừng tăng cường chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. "Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa", Nhân dân Thọ Xuân ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai, tăng gia sản xuất với những cánh đồng 5 tấn/ha để lấy lương thực chi viện cho chiến trường; đồng thời đã 10 lần tuyển quân vào Nam, trong đó nhiều người đã được sát cánh cùng quân và dân Quế Sơn chiến đấu chống giặc. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người con ưu tú của Thọ Xuân đã được bà con Nhân dân Quế Sơn hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng; nhiều đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trên quê hương Quế Sơn kết nghĩa. Với 41 người con trung kiên của Thọ Xuân vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Quế Sơn anh hùng, hàng trăm con em khi trở về cuộc sống đời thường, thân thể không còn nguyên vẹn cùng với biết bao sự hy sinh thầm lặng khác. Điều đó không những đã nói lên ý chí, nghĩa tình đặc biệt giữa người con Thọ Xuân với Quế Sơn mà còn xuất phát từ sâu thẳm trái tim của những người con đất Việt cùng dòng máu Lạc Hồng và cùng một kẻ thù chung.

Hôm nay, tại Đền Cấm Dơi, trước tượng đài Cấm Dơi hiên ngang, bất khuất, chúng tôi, những người con của huyện Thọ Xuân trong chuyến công tác tại huyện Quế Sơn thắp nén hương lòng để tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng hi sinh, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, để đất nước được bốn mùa nở hoa kết trái. Các anh ơi, ngàn thu yên giấc trong lòng đất Mẹ Quế Sơn…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên xây dựng CNXH, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của chiến tranh để lại nhưng thể theo nguyện vọng và đề nghị của huyện Quế Sơn, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã tăng cường cho Quế Sơn hàng chục người con của Thọ Xuân và con em Quảng Nam đang công tác ở Thọ Xuân, ở Nông trường Sao Vàng vào giúp Quảng Nam, giúp Quế Sơn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Sau ngày thống nhất, dẫu còn biết bao khó khăn thiếu thốn do hậu quả của chiến tranh để lại, nhưng Thọ Xuân vẫn luôn hướng về Quế Sơn bằng tình cảm nồng ấm. Năm 2013, hai huyện đã tổ chức Kỉ niệm 45 năm kết nghĩa. Bao nhiêu kỉ niệm lại ùa về trong kí ức của các bác nguyên là lãnh đạo hai huyện lúc bấy giờ. Người Quế Sơn ra Thọ Xuân, người Thọ Xuân vào Quế Sơn thật là thân mật, ấm áp nghĩa tình, cứ như là người con lâu ngày về với gia đình vậy. Những năm qua, hai huyện luôn tổ chức các đoàn thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau bằng những việc làm thiết thực như tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; tặng quà cho người có công, gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ; chia sẻ với đồng bào bị thiên tai bão lũ, hộ nghèo neo đơn có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng kỷ vật…v,v. Những hành động nghĩa tình ấy đã kịp thời động viên, cổ vũ cho nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tại cuộc gặp nhân kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thọ Xuân - Quế Sơn, lãnh đạo hai địa phương đã khẳng định, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai huyện vẫn luôn đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật, tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi, tiếp tục vun đắp tình nghĩa Thọ Xuân - Quế Sơn mãi mãi bền chặt, không ngừng nở hoa kết trái.

a15.jpg
( Quế Sơn hôm nay đang trên đà phát triển)


Mặc dù thời gian ở lại trên đất Quế Sơn không nhiều, chúng tô cũng đã được lãnh đạo huyện Quế Sơn đưa đi thăm một số địa danh, di tích lịch sử, khu công nghiệp trên địa bàn như đền Cấm Dơi, Nghĩa trang liệt sĩ huyện, cầu Hương An, Cụm công nghiệp thị trấn Hương An.... Đặc biệt, chúng tôi được về thăm một số gia đình chính sách, thăm một số Cựu chiến binh, thăm một số gia đình bà con năm xưa đã từng giúp đỡ, nuôi giấu bộ đội là con em Thọ Xuân chiến đấu ở Quế Sơn. Trong các câu chuyện của ngày hôm nay, chúng tôi vô cùng vui mừng trước sự phát triển nhiều mặt của huyện Quế Sơn về kinh tế - xã hội. Ngoài cây lúa, cây sắn, Quế Sơn còn là vùng đất sản xuất cây công nghiệp, chế biến gỗ, giấy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện luôn ổn định và phát triển hàng năm. Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng, nâng cấp, đường xá đi lại thuận tiện, đời sống Nhân dân từng bước không ngừng được nâng cao... Những thành quả đó đã tạo tiền đề để Quế Sơn vững bước tiến vào tương lai.

Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng mối tình trong sáng, thủy chung Thọ Xuân - Quế Sơn như hai dòng sông “chung đầu hợp cuối”, lắng đọng bồi đắp tình người, tình quê hương, và sẽ mãi mãi là niềm tự hào khắc sâu trong lòng mỗi người. Đó là tài sản vô giá, là cây đời mãi mãi xanh tươi cho các thế hệ con cháu mai sau tiếp nối, noi theo. Kỷ niệm 55 năm Thọ Xuân - Quế Sơn kết nghĩa không chỉ là dịp để cán bộ, Nhân dân hai địa phương cùng nhau ôn lại tình cảm keo sơn gắn bó, tri ân sự hy sinh mất mát của quân và dân hai huyện, mà cũng là dịp để tiếp tục khẳng định mối tình son sắt thủy chung, để từ đó tiếp tục cùng nhau hợp tác, giúp đỡ, thúc đẩy kinh tế - xã hội mỗi địa phương ngày càng phát triển.

Chia tay Quế Sơn, tạm biệt người anh em, người đồng chí, tay trong tay mà nước mắt lưng tròng, tim thổn thức mà nghẹn lòng chẳng nói được điều chi. Lòng thầm cảm ơn các thế hệ cha anh đi trước đã xây dựng mối thâm tình giữa hai miền đất kết nghĩa Quế Sơn - Thọ Xuân, sự gặp gỡ từ 55 năm trước phải chăng là cơ duyên để Nhân dân hai huyện tìm về cội nguồn lịch sử, lắng nghe lời nước non một thuở thăng trầm, thuở ông cha từ sông Mã, sông Chu mở cõi về phương Nam. Hôm nay, đất nước hòa bình, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai huyện càng thấm thía cái kỳ diệu của mối tình kết nghĩa. Lên xe, chúng tôi vẫn còn nghe thoang thoảng đâu đây giọng hát của người con Quế Sơn mượt mà, êm ái: " Anh ơi, có về thăm Thọ Xuân/ Cho em gửi chút ân tình/ Dòng sông Chu xanh đôi bời tắm mát/ Điện Lam Kinh di tích vua oai hùng…."

          Trung Tuyến, Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thọ Xuân