Tục nung bánh chưng ở làng Trung Lập

Đăng lúc: 10/04/2023 (GMT+7)
100%

Làng Trung Lập xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân, nơi sinh ra một vị hoàng đế anh minh, dũng lược, tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn còn ngời sáng đến hôm nay và mai sau. Đó chính là anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Đại Hành Hoàng đế. Tại làng Trung Lập, hiện nay vẫn còn giữ được nhiều mỹ tục trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, trong đó có tục nung bánh chưng.

banh chung 1.png 
Nung bánh chưng tại Lễ hội Lê Hoàn 2022
 
Cho đến nay, chưa có ai khẳng định được tục nung bánh chưng ở làng Trung Lập có từ bao giờ và vì sao lại nung mà không nấu. Và ngày tết cúng tiến ở đền thờ vua Lê Đại Hành toàn bằng các loại bánh và hoa quả. Việc cúng tiến trong đền vua bằng hoa quả, bánh các loại tưởng là đơn giairn nhưng lại rất cầu kỳ, công phu bởi mọi thứ như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, gạo tẻ, mật mía đến các loại quả như: Chuối, bưởi, phật thủ, cam, quýt… đều phải do người trong làng, trong giáp làm ra, bên cạnh yếu tố tinh khiết thì người làm cỗ, tiến cỗ cũng được hàng giáp chọn lựa kỹ càng theo một tiêu chí nhất định.
 
banh chung 2.png
Thường thì vào các ngày 25, 26 tháng Chạp hàng năm, tùy theo tháng Chạp năm đó đủ hay thiếu, những người được giáp phân công có mặt tại một nơi đã quy định, gạo nếp hoa mơ vàng ngâm qua, đãi kỹ, đậu xanh đãi sạch vỏ, thịt lợn mông để làm nhân bánh, nhân bánh không bỏ hành( bởi tên hành là Miếu hiệu của vua), lệ làng Trung Lập bánh thờ phải có tiết diện 30cm x 30cm, dày 15cm, hai phần ba ruột bánh là gạo, một phần ba bánh ở giữa là nhân bánh gồm: đậu xanh, thịt lợn, do bánh chưng gói to và dày nên nung vào chum, khi lửa cháy vào nùn thì đổ trấu lên, cứ thế lửa cháy âm ỉ ngày này qua ngày khác nên gọi là nung bánh, chừng ba ngày đêm bánh chín vớt ra, bánh vuông 4 góc, chín đều không sống, sùi góc là được.
Chiều Ba mươi Tết, mỗi giáp một cỗ mặn gồm bánh chưng nung nhân thịt và các loại bánh có nhân mỡ như bánh lá rang bừa, bánh trắng, bánh rán… Một cỗ chay bao gồm bánh chưng nung nhân bỏ đậu và mật, bánh gai, bánh mật, bánh rán bằng dầu lạc, dầu sở, trái trăng hoa quả sang Đền cúng( chu niên tất cáo).Sáng mồng một Tết, những giáp được phân công đem cỗ chay, cỗ mặn và hoa quả (không được thiếu phật thủ) sang Đền tiến vua. Sau khi tế lễ xong, bánh và hoa quả được chia đều cho mọi người trong giáp gọi là lộc vua.
banh chung 3.png
 
 
Ngày nay, ngoài tục nung bánh chưng, làng Trung Lập vẫn còn giữ được nhiều mỹ tục trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần như: tục làm bánh răng bừa gắn với tích Vua Lê Hoàn cày ruộng tịch điền, tục ăn tết lại…. Với những phong tục, tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa quý giá đã được người dân lưu giữ ngàn đời nay, làng Trung Lập xã Xuân Lập đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt.
Tại lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tổ chức Tuần lễ Văn hóa- Du lịch- Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023  sẽ tổ chức trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa; hội thi làm cỗ chay tiến vua hứa hẹn sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương, góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Thọ Xuân "địa linh nhân kiệt".
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân