Bình Định Vương Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Đăng lúc: 19/09/2024 (GMT+7)
100%

Đã hơn 600 năm trôi qua, kể từ “ngọn lửa khởi nghĩa” do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã đập tan ách nô lệ lầm than, khôi phục nền độc lập dân tộc và bắt đầu một kỷ nguyên mới phát triển trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến; hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài của khởi nghĩa Lam Sơn vẫn tỏa sáng cùng lịch sử dân tộc. Đó là ánh sáng từ sự kết hợp “chí ở thương sinh”, nghị lực phi thường, tư tưởng nhân đạo cao cả và nghệ thuật quân sự tài tình.

  ll.jpg
Lương Giang trời mở chân nhân. Vua Lê Thái tổ ứng tuần mới ra”. Đó là hai câu thơ trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca đã ngợi ca về vùng đất Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) – nơi sinh ra vị lãnh tụ thiên tài của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo chính sử, Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385, tại hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lớn lên trong giai đoạn đất nước đầy biến động, đặc biệt là chứng kiến đủ tội ác của giặc Minh đã hình thành trong ông tấm lòng thương dân, cảm thông với nỗi khổ đau của dân; nuôi dưỡng lòng yêu nước, nuôi chí lớn thay đổi cục diện cứu nước, cứu dân. Khi hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ từ mọi miền đất nước nổ ra được rất nhiều người hưởng ứng, nhưng Lê Lợi vẫn quyết tâm ở ẩn. Không phải Lê Lợi chưa nghe rõ tiếng dân tộc đang kêu cứu mà lúc này ông xét thấy thời thế chưa chín muồi, nên càng giữ mình, ở ẩn không để lộ danh tiếng. Trong một thời gian dài ông không tham gia bất cứ hoạt động nào trong khi phong trào cứu nước đang sục sôi khắp nơi. Thay vào đó, ông nghiên cứu sách lược, đúc rút kinh nghiệm lịch sử, xác định phương hướng cho cuộc chiến trường kỳ xây dựng căn cứ địa vững chắc làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến trường kỳ; hình thành lực lượng nòng cốt cho cuộc kháng chiến.
ll1.jpg
 
Phát động khởi nghĩa nhằm mục đích giải phóng dân tộc, đó là việc làm của tinh thần chính nghĩa cao cả.  Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng vào năm Mậu Tuất 1418. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, bằng nghệ thuật quân sự “lấy yếu chống mạnh”, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều và “đánh vào lòng người”, nghĩa quân càng đánh càng mạnh. Đến cuối năm 1427, bằng nhiều chiến thắng quyết định tại Chi Lăng, Xương Giang, Cầu Trạm..., nghĩa quân đã buộc giặc Minh phải ký Hội thề Đông Quan, rút 30 vạn tàn quân về nước. Thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa là một trong những mốc son rực rỡ trong lịch sử dân tộc, được đánh dấu bằng sự kiện vua Lê Thái Tổ đăng quang, định đô ở Thăng Long, khôi phục Quốc hiệu Đại Việt và thành lập vương triều Hậu Lê, tồn tại suốt hơn 360 năm. Thắng lợi này cũng đồng thời mở ra thời kỳ trung hưng đất nước, bằng những thành quả phát triển to lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, quân sự, ngoại giao…và đạt đến độ cực thịnh dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đánh dấu son rực rỡ trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đồng thời, cho thấy rõ tài trí lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược và tấm lòng nhân đạo của Bình Định Vương Lê Lợi. Mặc dù hơn 6 thế kỷ đã trôi qua, nhưng chủ nghĩa nhân đạo và những quan điểm, sách lược đúng đắn của Lê Lợi vẫn còn nguyên giá trị.

ll2.jpg
 
Lễ hội Lam Kinh năm 2024 kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi sẽ diễn ra trong 03 ngày 23, 24, 25/9/2024, tức ngày 21, 22, 23 tháng 8 năm Giáp Thìn; Lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vị vua nhà Lê, các tướng sĩ và Nhân dân đã đóng góp công lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thông qua lễ hội, cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá nét đẹp của vùng đất và giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời kỳ hội nhập; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Lam Kinh, phát triển kinh tế - văn hoá xã hội của địa phương.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân