Nền Sinh Thánh

Đăng lúc: 07/04/2023 (GMT+7)
100%

Xứ Thanh được xem là đất “quý hương”, đất “thang mộc”, nơi dựng nghiệp của nhiều bậc “thánh nhân”, những người đã làm nên lịch sử hào hùng, oanh liệt cho nước nhà. Có một địa danh nổi tiếng, đã đi vào sử sách với vai trò là một trong những “nền sinh Thánh” của nước Nam, đó là xã Xuân Lập - nơi sinh ra Lê Đại Hành hoàng đế. Ngày nay nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích của một “nền sinh Thánh”.

 alng trung lap.png
Làng Trung Lập xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân
Làng Trung Lập là  một làng quê yên bình như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam. Từ làng quê này, hơn 1.000 năm trước đây, khí thiêng sông núi đã hội tụ, sản sinh ra một vị hoàng đế anh minh, dũng lược. Tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn còn sáng chói đến hôm nay và mai sau. Đó chính là Anh hùng Dân tộc Lê Hoàn - Lê Đại Hành Hoàng đế. Làng Trung Lập là một vùng đất cổ, thuở mới khai sinh có tên là Kẻ Sập, sách Khả Lập, đến thời Đinh đổi là làng Trung Lập và giữ tên này tới tận ngày nay. Làng Trung Lập ở trên một gò đất cao như thân rồng, nằm giữa 2 con sông, phía Bắc là dòng Trùy Giang (còn gọi là sông Cầu Chày), phía Nam là Lương Giang (thường gọi là sông Chu). Trên quê hương Xuân Lập hiện còn những dấu tích về người Anh hùng Dân tộc Lê Hoàn thời thơ ấu cùng với những truyền thuyết dân gian.
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến một ngôi miếu nhỏ chỉ rộng chừng 30 mét vuông nằm ở cuối làng Trung Lập, bên cạnh gia đình bà Mai Thị Tỷ. Ngôi miếu được người dân Xuân Lập tôn thờ nhiều đời nay, gọi là “Nền sinh Thánh”. Tương truyền, đây là nơi bà Đặng Thị sinh ra Lê Hoàn.
nen sinh thanh.png
"Nền sinh thánh" tại làng Trung Lập xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân

Theo sách “Vua Lê Đại Hành và quê hương làng Trung Lập” do nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Kỳ và Hoàng Hùng biên soạn: Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức mồng 10 tháng 8 năm 941) trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Cách khu vực “nền sinh Thánh” không xa là Lăng Quốc Mẫu (mẹ của Vua Lê Đại Hành). 
Tương truyền, sau khi vua Lê Đại Hành mất, để ghi nhớ công ơn, dân làng Trung Lập đã xây dựng một ngôi miếu nhỏ bằng tre trên mảnh đất xưa kia của gia đình nhà vua ở để phụng thờ. Phía trước miếu, nhân dân đào một ao lớn để làm minh đường. Đến đời Hồng Đức, vua Lê Thánh tông đã cho xây dựng đền thờ quy mô như ngày nay. Đền thờ vua Lê Đại Hành gồm 3 tòa liên kết với nhau thành chữ công. Đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật cổ độc đáo bậc nhất còn lại trên đất Thọ Xuân.
bia da.png
Hai văn bia tại đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân

Trong đền thờ Lê Hoàn có hai tấm bia quý. Một tấm bia khắc vào năm Hoàng Định thứ 2 (1602) và một tấm bia khắc vào năm Vĩnh Tộ 8 (1626). Hai tấm bia có niên đại thế kỷ 17, đều nói rằng Lê Đại Hành sinh ra ở làng Trung Lập. Qua những di tích, văn bia và truyền thuyết, có thể khẳng định xã Trung Lập là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn, nơi có lăng mộ của cha mẹ và nơi ông đã sinh ra.
Văn bia nhắc tới truyền thuyết bà Đặng Thị mộng hoa sen sinh ra Lê Hoàn và biện giải việc Lê Hoàn lên ngôi là hợp lẽ. Tiếp đến văn bia viết ngắn gọn, xúc tích về những công tích to lớn của vị anh hùng cứu nước Lê Hoàn: Nắm quyền uy Thập đạo tướng quân, lên ngôi báu do lòng người suy tôn, trong nước dân yên vui. Vua Tống phải phong Lê Đại Hành là Nam Bình Vương. Lê Hoàn là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 980 đến 1005, thọ 64 tuổi.
Từ “nền sinh Thánh”, trong suốt chiều dài lịch sử, ở giai đoạn nào mảnh đất Thọ Xuân địa linh nhân kiệt cũng xuất hiện những anh tài, hào kiệt giúp dân, cứu nước và góp phần xây dựng giang sơn xã tắc. “Nền sinh Thánh” không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể quý giá và đặc sắc, mà còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, như: Thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực... gắn với các nhân vật được thờ phụng, qua đó giúp cho nhân dân nhận thức được tầm vóc kỳ vĩ của những người anh hùng. Chính họ đã làm nên và tô đẹp cho truyền thống yêu quê hương đất nước của người dân đất Việt. Bên cạnh đó, với những phong tục, tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa quý giá đã được người dân lưu giữ ngàn đời nay, làng Trung Lập xã Xuân Lập đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt và càng chứng minh thêm làng Trung Lập chính là nơi phát tích của nhà Tiền Lê.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân