Những dấu tích vương triều

Đăng lúc: 22/11/2022 (GMT+7)
100%

- Những vương triều phong kiến Việt Nam đã khép lại sau tấm màn thời gian nhưng dấu tích để lại cho thế hệ sau hiểu biết hơn về lịch sử, quá khứ hào hùng của quê hương, đất nước. Trên mảnh đất xứ Thanh - nơi phát tích của 4 triều đại, những dấu tích vương triều không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là bài học quý giá, răn dạy các thế hệ cháu con biết sống và cống hiến xứng đáng với nỗ lực, đóng góp của cha ông.

 245d6145333t51947l0.jpg

Du khách tham quan tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).

Trong lịch sử dân tộc, xứ Thanh là mảnh đất ghi dấu ấn đặc biệt, vùng “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều vương triều, “cái nôi” sinh thành, nuôi dưỡng nhiều vị vua tài đức, bậc tôi hiền. “Thanh Hóa là sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt”, “muốn hiểu thấu đáo lịch sử Đại Việt, phải hiểu lịch sử Thanh Hóa”... Nhận định của một số học giả người Pháp như càng minh chứng rõ ràng, khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế cùng những đóng góp của xứ Thanh trong lịch sử dân tộc. Tự xưa đến nay, khi nhìn vào vị thế ấy, nhiều người vẫn thường tự hỏi: Là bởi “vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng”, “đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước” hay chính những con người kiệt xuất nơi đây đã làm rạng danh quê hương mình? Trên mảnh đất xứ Thanh này, đất và người đã hòa quyện, tắm mát trong mạch nguồn tinh hoa, làm nên những điều lớn lao, phi thường mà không phải nơi nào cũng có được.

Mảnh đất Gia Miêu ngoại trang (xã Hà Long, Hà Trung) đón chúng tôi trong một ngày cuối thu rải nắng. Gia Miêu ngoại trang không chỉ có xanh mướt một màu cây lá, đắm chìm trong cảnh sắc thanh bình, hệ thống di tích tiêu biểu, hương vị xôi nếp cái hoa vàng thơm ngon. Lịch sử ghi nhận về vùng đất “quý hương”, nơi Nguyễn Hoàng mang gươm đi mở cõi, dâng tràn khát vọng. Gia Miêu ngoại trang chính là nơi phát tích vương triều Nguyễn, trị vì nước ta trong khoảng 143 năm (1802-1945) với 9 đời chúa và 13 đời vua.

Gia Miêu, theo cách hiểu đơn giản nhất, nghĩa là ngày càng tốt đẹp hơn. Có lẽ, bởi số phận, cội nguồn danh giá mà trải qua biết bao thăng trầm thời gian, biến động lịch sử, Gia Miêu vẫn giữ nguyên tên làng cho đến hôm nay. Cũng hiếm có ngôi làng nào có được cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với hệ thống di tích lịch sử - tâm linh tiêu biểu như mảnh đất Gia Miêu ấy. Đó là những ngôi đình, chùa, miếu, phủ thờ các vị công thần đất nước hay phủ Rồng, phủ Nước thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, trong đó, đình Gia Miêu, lăng miếu Triệu Tường là hai di tích độc đáo gắn liền với vương triều Nguyễn.

Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước từ Gia Định ra đến thành Thăng Long, năm 1803, vua Gia Long cho xây dựng khu lăng miếu Triệu Tường tại Gia Miêu ngoại trang thờ tổ tiên họ Nguyễn. Các đời vua Nguyễn tôn tạo lăng miếu thêm quy mô, bề thế. Miếu chính và miếu trước đều 3 gian 2 chái, hướng Nam. Gian chính giữa miếu chính đặt khám thờ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim (người có công đầu khôi phục nhà Lê Trung hưng, thân sinh Nguyễn Hoàng). Gian bên tả thờ Thái tổ gia Dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng, vị chúa mở đầu khai sáng phương Nam. Miếu trước nằm về phía Đông của miếu chính là nơi thờ Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu (thân phụ Nguyễn Kim) và Nguyễn Hán (con trai của Nguyễn Hoàng). Lễ tế hằng năm đều theo điển lễ như các miếu ở kinh đô Huế. Sách “Niên giám Đông Dương” năm 1901 viết: “Làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng lũy, làm đúng như một tòa thành nhỏ, đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường”.

Cùng thời với việc xây dựng khu lăng miếu Triệu Tường, vua Gia Long cho xây dựng đình Gia Miêu, công trình kiến trúc gỗ tiêu biểu, quy mô của xứ Thanh. Phía sau đình là dãy núi Thiên Tôn và núi Giăng Lăng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với những cây cổ thụ tỏa bóng xanh mát. Đình gồm 5 gian 2 chái, vì kèo kết cấu “chồng rường kẻ bẩy”, bờ nóc rồng chầu mặt nguyệt, bốn mái đao lượn vòng khiến cho tổng quan kiến trúc vừa uy nghi, tôn nghiêm vừa gần gũi, mềm mại. Đình Gia Miêu là công trình kiến trúc - điêu khắc sinh động khi nhìn vào hệ thống các họa tiết chạm khắc kỳ công, nổi bật, tài hoa. Họa tiết điêu khắc chủ yếu là linh vật, nổi bật là tứ linh và một số con vật gần gũi với đời sống của con người được linh thiêng hóa, phổ biến nhất là hình tượng con rồng. Đình Gia Miêu được xem là biểu tượng cho truyền thống lịch sử - văn hóa, nêu cao tinh thần cố kết cộng đồng của đất và người nơi đây.

Từ Gia Miêu ngoại trang, những dấu tích vương triều đưa bước chân người lữ khách tiến vào vùng đất thiêng Lam Kinh (Thọ Xuân), nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng, cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn, nơi phát tích của bậc đế vương đã có công bình Ngô giữ nước. Đến với vùng đất Lam Kinh, đến bên dòng sông Chu - “nơi lá cờ khởi nghĩa đã làm tung bao lớp sóng”, Lam Kinh giờ đây không còn thấy “những đàn trâu bò dài dằng dặc ra vào cổng làng những buổi sáng tinh sương và những lúc hoàng hôn”, không còn nghe “tiếng sừng trâu đây đó thổi vang”... Cánh rừng năm nao người hào trưởng Lê Lợi đêm đêm họp các mưu sĩ để luận binh cơ, lo toan việc nước, nơi mà “mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ như mang một kỷ niệm, một dấu tích linh thiêng cũng đã không còn như xưa. Nhưng ngày hôm nay đây và tương lai rộng dài sau nữa, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn... vẫn bền bỉ sức sống, thì thầm cùng thế hệ sau chuyện lịch sử vương triều.

Sau 10 năm “nếm mật nằm gai” lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập thịnh trị cho đất nước. Năm 1430, sau khi lên ngôi, vua Lê Thái tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh) để phân biệt với Đông Kinh - Thăng Long. Cũng như các triều đại Lý, Trần để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở Lam Kinh để thờ cúng tổ tiên, nơi cử hành những nghi lễ khi vua lễ bái yết sơn lăng. Lam Kinh trở thành vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê Sơ.

Diện mạo của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh được “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú khắc họa chi tiết: Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm, Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Chiêu Lăng của Lê Thái tông và lăng các vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chảy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở Giảng Đình, điện Vạn Thọ (Đông Kinh) đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở Kinh sư theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên tả, hữu, cái nọ cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp.

Cùng thăng trầm thời gian, biến ảo lịch sử, đặc biệt là khi triều Nguyễn chuyển việc thờ cúng các vua Lê từ Lam Kinh về Thái miếu nhà Hậu Lê (TP Thanh Hóa), kiến trúc của Lam Kinh không được bảo tồn nguyên vẹn. Nhìn dáng vóc Lam Kinh ngày hôm nay, mấy ai biết được rằng, từng có một thời, những ngôi mộ của tiền nhân còn lẩn mình trong cỏ đất. Bài ký “Lam Sơn” của Vị Dung đăng tải trên Tri Tân tạp chí, số 66, ra ngày 6-10-1942 ghi lại: “Chúng tôi tìm thấy lăng vợ vua Lê. Giữa khoảng rộng, từng bậc, từng bậc cao lên, hai bên có ngựa, voi, đình thần bằng đá đứng chầu. Ở bậc cao nhất là lăng. Chữ “lăng” đây không nên gợi cho trí ta những hình ảnh rực rỡ, tôn nghiêm, hùng tráng... Lăng đây chỉ là một mộ lớn, xung quanh xây gạch, ở trên đắp đất”. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có được diện mạo như đã có hôm nay.

Những dấu tích vương triều còn hiện diện trên mảnh đất xứ Thanh là “kho tàng” lịch sử - văn hóa độc đáo, tư liệu khoa học, khảo cổ quý báu. Lịch sử là những điều thuộc về quá khứ nhưng “quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại” của đất và người xứ Thanh ấy vẫn như cây cổ thụ muôn đời tỏa bóng, che mát đường ta vươn tới tương lai, góp phần dệt nên khát vọng thịnh vượng.

Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 2019); “Địa chí huyện Hà Trung” (Nxb Khoa học xã hội); “Tinh hoa du ký trên Tri Tân tạp chí (1941-1945)” (Nguyễn Hữu Sơn - Trần Bá Dung (sưu tầm và tuyển chọn), Nxb Thanh Niên, 2021).
Hoàng Linh
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)