THÚ CHƠI BÀI ĐIẾM – NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN SẼ ĐƯỢC TÁI HIỆN TRONG LỄ HỘI LÊ HOÀN NĂM 2024

Đăng lúc: 08/04/2024 (GMT+7)
100%

Mỗi năm vào dịp Lễ hội Lê Hoàn, trò chơi dân gian bài Điếm sẽ được tái hiện và tổ chức hết sức sôi nổi. Trong không khí thiêng liêng tại lễ hội, người dân và du khách thập phương sẽ có dịp thưởng thức và cùng ngân nga những câu ca dao, tục ngữ vần theo cách chơi bài. Bất luận ở lứa tuổi nào cũng có thể tham gia trò chơi Bài điếm và say sưa nghe những câu hát giao bài chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn này.

Nói về tên gọi “Bài điếm” có tự bao giờ, thì nay các cụ cao niên trong xã cũng không nhớ nổi, điều đó cũng cho thấy thú chơi Bài điếm đã có từ rất lâu. Thường thì vào những ngày giáp tết Nguyên đán (từ chiều 29 tết đến khoảng mùng 6 Tết âm lịch), không ai bảo ai, những đôi nam thanh, nữ tú tụ tập lại với nhau thành một hội để chơi bài Điếm. Điều đặc biệt nhất mà không có thú chơi nào có được và cũng không lẫn lộn với bất cứ thú chơi nào khác đó là việc đánh bài bằng thơ ca, được biến tấu thành những khúc hát, vần đối, hay những lời ca giao duyên đằm thắm tình người. Chỉ cần ca lên những âm điệu ấy, người nghe có thể “thẩm thấu” ngay được nội dung và nhớ rất lâu. Với 120 cây của cỗ bài, đã có hàng nghìn câu thơ vang ngân góp phần tích cực trong giáo dục tinh thần cho mọi lứa tuổi.

z5315317175521_1093beb5c7c2e0052e9e84bf6f21da7f.jpg

Cách chơi bài điếm cũng hết sức đơn giản. Bài dùng để chơi là bài Thủ tôm điếm được làm bằng gỗ hoặc gỗ ép. Trong khuôn viên chơi được đặt 5 chiếc bàn (ứng với 5 điếm: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) và ghế để 5 người chơi bài ngồi chơi, trên mỗi bàn kèm theo một chiếc trống để gõ làm hiệu lệnh và một giá để quân bài, mỗi điếm cách nhau bằng một cái mỏ dùng để những quân bài không ăn được (gọi là bài rác). Ngoài 5 người chơi bài điếm, còn có 1 người không thể thiếu đó là người giao bài gọi là Trung Quân đây là nét đặc sắc nhất của Bài điếm. Người giao bài có nhiệm vụ dùng những câu ca dạo, tục ngữ, thơ lục bát, các câu trong truyện Kiều, hoặc những câu do chính người dân tự sáng tác gieo vần… để giao theo từng cây bài khi đánh. Một Hội chơi bài điếm thường có đầy đủ những người những vị trí trên, và được chơi 4 ván bài nhỏ. Khi một cây bài “ăn” được thì được tính bằng một que tre để tính điểm, kết thúc hội bài điếm (sau 4 ván bài) Chung Đình sẽ đếm số que tre để phân định người thắng cuộc.

bài.png

Cái chính của bài điếm là ý nghĩa sâu xa trong từng điệu giao, điệu ca của hai người giao bài điếm. 120 cây bài nhưng mỗi cây đều tương ứng với hàng nghìn lời ca, tiếng hát, những câu ca dao, tục ngữ, những lời được đúc kết từ trong cuộc sống thể hiện nhân sinh quan của con người sau một năm hay nhiều năm mà ra. Ngoài lời giao bài với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, thì mảng đề tài tình yêu đôi lứa, tinh thần hăng say lao động sản xuất trong đời sống thường ngày cũng được vận dụng, thể hiện khá rõ nét tại trò chơi bài Điếm dân gian này.

Tiếng trống, lời ca tiếng hát từ thú chơi bài Điếm như để cầu mong một năm mới an lành, xua đuổi những điều không may mắn, cầu mong nên duyên đôi lứa…của Nhân dân xã Xuân Lập từ bao đời nay.

z5315353414235_4f81aeaaf8b805cd9633afcdcf4ff2d7.jpg

Trong khuôn khổ của Lễ hội Lê Hoàn năm 2024, diễn ra từ ngày 13/4/2024 đến 17/4/2024 (ngày 05/3 - 09/3 năm GiápThìn), tại sân Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, bên cạnh việc tổ chức các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc trong huyện thì thú chơi bài Điếm cũng sẽ được người dân xã Xuân Lập tái hiện sôi nổi để Nhân dân và du khách thập phương cùng thưởng thức, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong mọi tầng lớp Nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trần Thành, Trung tâm VHTT, TT&DL huyện.