Lê Đại Hành và quê hương làng Trung Lập

Đăng lúc: 15/04/2024 (GMT+7)
100%

Làng Trung Lập, xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân - một làng quê yên bình như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam. Từ nơi này, hơn 1 nghìn năm trước, khí thiêng sông núi đã hội tụ sản sinh ra một vị hoàng đế anh minh, dũng lược, tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn còn ngời sáng đến hôm nay và mai sau. Đó chính là anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Đại Hành hoàng đế.

Làng TL.jpg 
(Toàn cảnh làng Trung Lập, xã Xuân Lập)

Làng Trung Lập là 1 vùng đất cổ, thủa mới khai sinh có tên là Kẻ Sập sách Khả Lập, đến thời Đinh đổi tên thành làng Trung Lập và giữ tên này đến tận ngày nay. Bài vè Trung Lập thắng chí ca còn lưu truyền tại địa phương đã phần nào vẽ nên bức tranh sống động về làng quê này buổi sơ khai. Độ chừng 10 mẫu thâm cô, họ Lê, họ Đỗ, họ Chu ba nhà. Sách là Khả Lập đặt ra, nhân dân còn ít độ vài mươi đinh.
lh2.png
Theo sách “Lê Đại Hành và quê hương làng Trung Lập” do nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Kỳ và Hoàng Hùng biên soạn. Lê Hoàn sinh ngày 15/7 năm Tân Sửu tức ngày 10 tháng 8 năm 941 trong một gia đình nông dân nghèo. Cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Ngày nay tại đây vẫn còn một ngôi miếu nhỏ được người dân thờ phụng, gọi là Nền sinh thánh. Tương truyền là nơi bà Đặng Thị Sen sinh ra Lê Hoàn. Hoàng đế Lê Đại Hành đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Tống ở phương Bắc, dẹp giặc Chiêm Thành ở phương Nam, giữ nền độc lập cho dân tộc. Ông có nhiều công lao trong công việc ngoại giao, xây dựng và kiến tạo quốc gia Đại Cồ Việt. Trong những năm tại vị, ông đã cho xây dựng nhiều công trình kiến thiết. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tổ chức lễ cày tịch điền để khuyến khích nhân dân sản xuất. Cho thi công nhiều tuyến kênh đê, mở mang đường xá. Ông là người đầu tiên tổ chức đào sông. Con sông đào do ông chỉ đạo thi công hiện nay vẫn còn ở Thanh Hóa, thường được gọi là kênh nhà Lê.
Lê Đại Hành hoàng đế mất năm 1005, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi. Tương truyền sau khi vua mất, để ghi nhớ công ơn, nhân dân làng Trung Lập đã xây dựng một ngôi đền trên mảnh đất xưa kia gia đình nhà vua ở để phụng thờ. Phía trước đền, nhân dân đào một hồ lớn. Đến đời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng đền thờ với quy mô như ngày nay. Đền thờ vua Lê Đại Hành gồm 3 tòa liên kết với nhau thành chữ Công. Đây là một tỏng những công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật cổ độc đáo bậc nhất còn lại trên đất Thọ Xuân.
Là một làng sinh ra vua gọi là đất “quý hương” nên tập quán của người làng Trung Lập cũng khác với nhiều làng quê trong vùng. Ngày nay, làng Trung Lập vẫn giữ được nhiều mỹ tục trong đời sống văn hóa như: Tục làm bánh lá răng bừa gắn với tích vua cày ruộng tịch điền, tục nung bánh chưng, tục ăn tết lại. Làng Trung Lập không có đền thờ thành hoàng, chỉ thờ vua, lễ hội vào ngày húy kỵ của vua vào ngày 8/3 âm lịch hàng năm là lễ hội lớn nhất của làng. Xưa kia vào những năm chẵn lễ hội có các quan của triều đình về làm chủ tế nên dân làng gọi là quốc tế. Lễ hội mở trong 3 ngày từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 3 âm lịch. Ngày mùng 7 tế cáo kỵ, ngày mùng 8 là chính kỵ và ngày mùng 9 tế tạ lễ. Với những phong tục tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa quý giá đã được người dân lưu giữ ngàn đời nay. Làng Trung Lập đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt, điều đó cũng minh chứng, đây là nơi phát tích của nhà Tiền Lê.
lh3.png
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng công nhận điểm du lịch đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân. Năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của bà con địa phương mà còn là niềm vui chung của nhân dân xứ Thanh. Về thăm di tích chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của đền thờ và thành kính tri ân vị hoàng đế nhà Tiền Lê với công trạng và tài năng xuất chúng đã lập nên những thiên sử oai hùng cho dân tộc.

T 14.png

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, kỷ niệm 1019 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và Tuần lễ Văn hóa- Du lịch- Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2024 được tổ chức với quy mô cấp huyện từ 13/4 đến 17/4/2024 (tức từ ngày 05/3 - 09/3 nắm Giáp Thìn). Trong khuôn khổ, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, các nghi thức trang nghiêm của phần Lễ theo truyền thống sẽ được thực hiện như: Rước kiệu, dâng hương, đọc chúc văn tế lễ và phần chính lễ. Phần hội được diễn ra với Chương trình nghệ thuật " Lê Đại Hành Hoàng Đế - Chiến công ghi mãi ngàn năm " và chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; Dự kiến có gần 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương và không gian trưng bày, giới thiệu điểm đến, giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện; tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Thọ Xuân (trình diễn trò Xuân Phả, múa Pồn Pông, Cồng chiêng, Bài điếm, đánh Mảng, nhảy sạp...; thi cắm trại binh; Tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng; đốt lửa trại; tổ chức trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa; hội thi làm cỗ chay tiến vua; tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng như bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố... Thông qua đó, nhằm tôn vinh công đức và sự nghiệp của anh hình dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước; Thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hoá của cha ông để lại; Tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hoá tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn và những tiềm năng văn hoá du lịch của huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế; Giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hoá, sản vật địa phương gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh; Tạo khí thế sôi nổi, động viên tinh thần Nhân dân và thu hút khách thập phương về với Di tích, về với vùng đất địa linh nhân kiệt./.
Lê Hải, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân