Lê Đại Hành hoàng đế và tục cày tịch điền

Đăng lúc: 15/04/2024 (GMT+7)
100%

Theo sử sách: Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức mồng 10 tháng 8 năm 941) trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua trị vì đất nước, Lê Đại Hành đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam.

lh5.png
Tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành cày tịch điền tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2023

Sau khi lên ngôi hoàng đế, phá tan giặc Tống ở phương Bắc, chinh phạt Chiêm Thành ở phía Nam, Lê Đại Hành bắt tay xây dựng đất nước. Việc đầu tiên là phát triển nông nghiệp, ông đã giành ra một phần lớn quốc khố để nạo vét kênh mương, phục vụ việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, mở một số đoạn đường bộ, phát triển giao thông. Để khuyến khích nông nghiệp nhà vua đã đi cày tại Núi Đọi và Bản Hải.
Nhớ đến tích nhà vua đi cày, hàng năm từ hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 4 âm lịch, làng Trung Lập xã Xuân Lập lại tổ chức cày ruộng tịch điền, chọn một ngày tốt( cát nhật). Từ sáng sớm tinh mơ, người trong làng đã ra đám ruộng bằng phẳng. Một lão nông do làng bầu chọn, tuổi từ 60 trở lên, khỏe mạnh, vợ chồng song thọ, con cái phương trưởng, không có tang cớ. Một con trâu mộng hoặc bò mộng, trên trán trâu hoặc bò, chít một chiếc khăn đỏ. Lão nông mặc bộ quần áo đỏ, lăng thắt khăn xanh, chân quấn xà cạp màu đỏ, sau khi cùng chủ tế vão lễ trong nghè, lại ra ruộng để tế cáo trời đất. Khi ba hồi trống lớn vang lên tiếp theo là chiêng, mõ, lão nông mắc trâu vào cày giữa tiếng hò reo của dân làng, khi đã cày xong hai luống theo quy định, lão nông tháo cày, thả trâu. Chiêng trống nổi lên, người trong làng đi dự lễ có mang theo cày bừa liền đánh trâu, bò của mình đến ruộng của mình cày bừa cho hết buổi. Nhà nào có trâu bò mà không tham dự lễ cày ruộng tịch điền thì mùa màng năm đó sẽ xấu hoặc mất mùa riêng. Tục cày ruộng tịch điền, còn là lễ hội xuống đồng làm mùa do xưa kia do đất rộng, người thưa nên làng Trung Lập chỉ cấy lúa một vụ vào vụ mười.
Là một làng sinh ra vua, gọi là đất “quý hương” nên tín ngưỡng, tập quán của làng Trung Lập cũng khác với nhiều vùng quê trong khu vực. Ngày nay làng vẫn còn giữ được nhiều mỹ tục trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần như: tục làm bánh răng bừa gắn với tích Vua Lê Hoàn cày ruộng tịch điền, tục nung bánh chưng, tục ăn tết lại…. Tại lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024, kỷ niệm 1019 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và tổ chức Tuần lễ Văn hóa- Du lịch- Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2024  sẽ tổ chức trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa; hội thi làm cỗ chay tiến vua hứa hẹn sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương, góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Thọ Xuân" địa linh nhân kiệt".
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân