Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Đăng lúc: 11/12/2023 (GMT+7)
100%

- Ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp được xem là xu hướng tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

 177d6151055t57310l0.jpg

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới ứng dụng phương pháp tưới tự động tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân).

Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, tự động hóa, quy trình chăn nuôi khép kín, con giống được lai tạo, tuyển chọn chất lượng... là những ứng dụng KHKT trong chăn nuôi đang được doanh nghiệp, HTX, các hộ chăn nuôi đẩy mạnh áp dụng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân), ông Trịnh Ngọc Tới, chủ trang trại nuôi gà quy mô lớn với diện tích hơn 10 ha cho biết: Tại các khu chuồng đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát, quạt gió, hệ thống cho ăn, uống tự động, máy phát điện, máy trộn thức ăn với men vi sinh; các khu chăn nuôi gà con, gà thương phẩm được phân chia để thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Việc đầu tư ứng dụng KHKT cùng các loại máy móc hiện đại đã góp phần giảm chi phí sản xuất, chất lượng con nuôi cũng được nâng cao. Tuy nhiên, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, cộng thêm chi phí đầu tư máy móc, ứng dụng KHKT nên hiệu quả chăn nuôi không cao, bởi vậy tôi phải tạm dừng hoạt động một số máy móc để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Trong chăn nuôi, các địa phương đã tích cực khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ứng dụng KHKT trong nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen... Bên cạnh đó, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải... Tuy nhiên, việc đầu tư vào chăn nuôi lại không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định Nguyễn Xuân Tùng cho biết: Bên cạnh những trang trại quy mô lớn thì hầu hết là chăn nuôi nông hộ, hệ thống chuồng trại đều tận dụng diện tích trong vườn của gia đình; máy móc, công nghệ cần vốn lớn nên người chăn nuôi còn e dè.

Hiện nay, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của giá thức ăn gia súc tăng cao, trong khi giá bán của các sản phẩm chăn nuôi không ổn định, nhất là chưa có sự phân định rõ ràng về giá trị giữa sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo phương thức truyền thống với sản xuất áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó là dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, khó lường...

Bên cạnh chăn nuôi, trong lĩnh vực trồng trọt được các địa phương hướng dẫn người dân sử dụng giống lúa có chất lượng cao, như: TBR279, Bắc Thịnh, TBR45, Nhị Ưu 986, J02... thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, sử dụng mạ khay, cấy và thu hoạch bằng máy... Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất; ủ phân hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sản xuất rau quả trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM, cải tạo cây ăn quả...

Hiện nay, việc ứng dụng KHKT được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Có thể nói, khi đầu tư áp dụng KHKT vào sản xuất một cách bài bản sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, ít bị tác động bởi thời tiết, dịch bệnh, làm “đòn bẩy” để phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh nhiều, tập quán canh tác còn hạn chế. Bên cạnh đó, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại nên việc ứng dụng KHKT chưa như kỳ vọng.

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT đạt hiệu quả kinh tế cao; các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP... đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Theo;(Baothanhhoa.vn)