Giải ngân vốn đầu tư công: Áp lực ở chặng cuối! (Bài 2): Những rào cản gây “độ trễ”

Đăng lúc: 26/10/2023 (GMT+7)
100%

- Công tác giải ngân vốn đầu tư công đang vướng phải nhiều rào cản khách quan lẫn chủ quan, cả về chính sách, thủ tục lẫn con người thực hiện. Những rào cản ấy đã và đang khiến cho mục tiêu giải ngân khó đạt như kỳ vọng.

 177d3150957t34876l0.jpg

Thi công sửa chữa Cầu Kè trên đường tỉnh 515.

“Cái khó bó cái khôn”

Với phương châm “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa, đã và đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh nên Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững cũng là 1 trong 3 chương trình MTQG có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công khá thấp so với bình quân chung toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 690,151 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2023 là 458,85 tỷ đồng; vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 231,301 tỷ đồng). Tính đến ngày 19/10/2023, đã giải ngân được 166,136 tỷ đồng, bằng 25,16% kế hoạch giao chi tiết; đồng thời, vẫn còn 29,892 tỷ đồng chưa giao chi tiết, trong đó vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 7,675 tỷ đồng và vốn năm 2023 là 22,217 tỷ đồng.

Để giảm nghèo bền vững thì nhân tố quyết định là phải đa dạng hóa sinh kế và phát triển các mô hình giảm nghèo. Do đó, đây cũng là nội dung quan trọng (Dự án 2), nằm trong “hợp phần” gồm nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổng kinh phí Trung ương giao giai đoạn 2021-2023 là 165,673 tỷ đồng; trong đó, năm 2021 là 5,671 tỷ đồng, năm 2022 là 45,467 tỷ đồng và năm 2023 là 114,535 tỷ đồng. Đến nay, kinh phí năm 2021-2023 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ 100% cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện và đã giải ngân được khoảng 45,176 tỷ đồng, (trong đó, ngân sách Nhà nước là 33,266 tỷ đồng, đạt 20,08% vốn Trung ương giao).

Nguồn vốn được dùng để hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, UBND tỉnh phân bổ 16,7 tỷ đồng cho các đơn vị cấp tỉnh để thực hiện. Đến nay, các đơn vị cấp tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện phê duyệt, thực hiện được 11 dự án/8,796 tỷ đồng (đã giao vốn cho 5 dự án/7,096 tỷ đồng); kinh phí còn lại 7,904 tỷ đồng đang giao cho các cơ quan, đơn vị tiếp tục trình phê duyệt dự án. Ngoài ra, nguồn vốn còn dùng hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với tổng kinh phí hỗ trợ 154,674 tỷ đồng (năm 2021 là 11,354 tỷ đồng, năm 2022 là 38,667 tỷ đồng, năm 2023 là 104,653 tỷ đồng); dự kiến thực hiện khoảng 300 - 500 dự án, với quy mô từ 200 - 500 triệu đồng/dự án. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, các địa phương mới phê duyệt, triển khai được 88 dự án (năm 2021 có 23 dự án/5,671 tỷ đồng; năm 2022 có 11 dự án/3,714 tỷ đồng; năm 2023 có 54 dự án/17,593 tỷ đồng). Giá trị giải ngân khoảng 26,978 tỷ đồng, đạt 17,44%.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan Thường trực triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), do việc triển khai thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo còn gặp một số khó khăn, chậm được tháo gỡ, đã dẫn đến chậm hoặc chưa đủ cơ sở để phê duyệt dự án và tổ chức thực hiện. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư của chương trình. Cụ thể với Dự án 2 này là việc chậm sửa đổi, bổ sung nghị định về cơ chế, quản lý điều hành các Chương trình MTQG (phải đến ngày 24/6/2023, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 nhằm tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lý, điều hành chương trình). Chưa hết, việc chậm sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG (đến ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC về việc hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG (bãi bỏ Thông tư số 15/2022/TT-BTC, Thông tư số 46/2022/TT-BTC và Thông tư số 53/2022/TT-BTC), cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thực hiện các dự án. Rồi việc các bộ, ngành chưa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, dạy nghề và việc làm, cũng đã gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với đó, Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định mới được Trung ương sửa đổi, bổ sung. Hay như việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng, với khá nhiều bất cập. Đó là, theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định UBND tỉnh bắt buộc phải ban hành; nhưng theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP lại quy định UBND ban hành (nếu cần) hoặc không ban hành. Do đó, tại Công văn số 11853/UBND-KTTC, ngày 15/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế luân chuyển, quay vòng một phần vốn, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, thêm một khó khăn dẫn đến việc giải ngân vốn chậm là nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện nghèo, huyện miền núi không có doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác bảo đảm điều kiện để liên kết, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa tích cực chỉ đạo, rà soát nhu cầu của người dân; chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật; còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm; chậm phối hợp, tham mưu, chưa tích cực triển khai thực hiện chính sách...

Ngoài Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn một số dự án (với các tiểu dự án) như Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (Dự án 1); Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (Dự án 3); Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Dự án 4)... hiện vẫn còn gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư. Cũng theo lý giải của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thì đến năm 2022, Trung ương mới ban hành khung văn bản, phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, nhưng thời điểm ban hành là năm thứ 2 thực hiện chương trình. Chưa kể, nội dung của chương trình có nhiều điểm mới (cả về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện và nội dung các dự án, tiểu dự án thành phần), trong khi một số hướng dẫn triển khai thực hiện của cấp có thẩm quyền ban hành chưa kịp thời, hoặc còn có những bất cập. Đó là lý do khiến cho việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc hơn so với dự báo...

Còn nhiều bất cập...

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, một trong những hạn chế, khó khăn dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình của cả tỉnh (tính đến 19/10/2023) đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022, đó là có 83 dự án giải ngân vốn dưới 50% kế hoạch. Trong đó có 5 dự án hoàn thành đã có quyết toán được duyệt và 12 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt, 33 dự án chuyển tiếp, 28 dự án khởi công mới, 5 dự án chuẩn bị đầu tư. Tổng số vốn chưa giải ngân lên đến 3.055,129 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa hiện được giao làm chủ đầu tư các dự án vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (một số dự án trọng điểm), như dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; dự án Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa; dự án Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho 5 trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Thanh Hóa; dự án Đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, ngoài dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa có tỷ lệ giải ngân đạt 51,93% (36,348 tỷ đồng), các dự án còn lại đều có tỷ lệ giải ngân thấp (trên, dưới 30%). Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đơn vị này cho rằng: Quá trình triển khai thực hiện phải qua các bước thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; bước thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; dự toán xây dựng công trình; công tác đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, ngày 20/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, thì một số dự án đang triển khai chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì phải triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi thực hiện. Điều này đã làm kéo dài thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, còn một số vướng mắc liên quan đến các thủ tục thanh lý tài sản, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng của các đơn vị liên quan cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Đặc biệt, các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và mới khởi công nên chưa có nhiều khối lượng hoàn thành để giải ngân dự án.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương được biết, một rào cản dẫn đến các dự án chậm triển khai là những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, dứt điểm. Bên cạnh đó là các khó khăn về thủ tục hồ sơ, cơ sở pháp lý. Chẳng hạn, một số dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên có những hạng mục, hoạt động chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án. Hoặc một số dự án do vướng mắc về hình thức lựa chọn nhà thầu; hay việc huy động nguồn vốn vay tín dụng còn một số khó khăn, dẫn đến nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính để thực hiện.

Ngoài ra, còn hàng chục dự án dù đã được phê duyệt dự án đầu tư, được bố trí vốn năm 2023, nhưng đến nay chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp, dẫn đến chủ đầu tư chỉ mới giải ngân số vốn bố trí cho các chi phí chuẩn bị đầu tư. Một số dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khi tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án lại phát sinh một số nội dung không phù hợp, phải tiếp tục trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Hoặc do tiến độ thực hiện chậm, nhiều dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, gia hạn thời gian bố trí vốn, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành...

Trong nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, không thể không nhấn mạnh đến năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư và đơn vị liên quan. Việc chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra và chưa dự báo được các tình huống khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án được xem là hạn chế, bất cập cơ bản trong quá trình thực hiện các dự án. Đồng thời, năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán.

Có lẽ cũng không quá khi nói, năng lực và ý thức trách nhiệm của một số chủ đầu tư, đơn vị là một rào cản dẫn đến “độ trễ” trong giải ngân vốn đầu tư công. Bởi thực tế, cùng một hành lang pháp lý, nhưng có nơi đã “cán đích” sớm, có nơi còn ì ạch vài %, thậm chí cá biệt có vài đơn vị vẫn chưa giải ngân được một đồng vốn nào! Chưa hết, trong khi các chủ đầu tư chưa tập trung xử lý, dẫn đến các dự án chậm tiến độ, thì cũng cần nhấn mạnh đến tinh thần, trách nhiệm, năng lực còn hạn chế của một số nhà thầu trong việc tổ chức thi công, hoàn ứng vốn.

Do đó, mới đây (ngày 20/10/2023) tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa UBND tỉnh với UBND các huyện/thị xã/thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, quỹ thời gian còn lại ngắn, trong khi khối lượng công việc lớn, khó khăn lại nhiều. Do đó, yêu cầu nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của UBND cấp huyện. Định kỳ và đột xuất lãnh đạo các địa phương phải giao ban để nắm bắt tình hình, cũng như thường xuyên bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, bên cạnh việc tích cực đôn đốc cũng cần có biện pháp mạnh đối với các nhà thầu, nếu nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án từ phía nhà thầu. “Phải trên tinh thần quyết liệt, thẳng thắn và trách nhiệm thì công việc mới có thể trôi chảy được” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Theo;(Baothanhhoa.vn)