Huyện Thọ Xuân: sản xuất nông nghiệp an toàn nâng cao thu nhập

Đăng lúc: 19/04/2024 (GMT+7)
100%

Những năm gần đây, mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp có những bước chuyển mình, nhưng trên thực tế vẫn còn không ít nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống. Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, GlobalGAP, organic... ngày càng tăng, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy để sản xuất an toàn đồng thời phải hợp tác, liên kết sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

xh.png
Nắm bắt xu thế khách hàng ưa chuộng sử dụng nông sản được sản xuất theo hướng an toàn, năm 2019, chị Lê Thị Tuyết, thôn 2, xã Xuân Hòa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hơn 3.000 m2 nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng Hậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị sử dụng bột đậu tương và phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ trong chăm sóc cây ăn quả, dùng bẫy thủ công và các loại dược liệu để phòng trừ sâu bệnh cho cây thay thế thuốc trừ sâu hóa học... Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng cây ăn quả. Cuối năm 2021, sản phẩm dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình chị đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ hiệu quả bước đầu, chị Tuyết đang làm thủ tục nhận thầu thêm 4 ha đất của xã để mở rộng quy mô trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn này.
Được sự khuyến khích và hỗ trợ của UBND xã Bắc Lương, ông Nguyễn Văn Tình, ở thôn Mỹ Thượng 3 đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để cải tạo đất vườn của gia đình trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Tình, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tuy quy trình chăm sóc khắt khe, vốn đầu tư khá lớn nhưng chất lượng quả vượt trội và giá bán cao hơn. Theo đó, toàn bộ quá trình chăm sóc được ghi chép nhật ký từ khâu tạo đất, chọn giống, ghép cành... Để cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, ông Tình thường xuyên dùng chế phẩm sinh học như ngâm gừng, tỏi, ớt phun cho cây trồng để phòng trừ sâu bệnh. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả đều, vỏ bóng đẹp, năng suất và chất lượng quả ngon hơn so với diện tích trồng theo phương pháp truyền thống; giá bán ra cao hơn so với bưởi trồng theo phương pháp cũ. Hiện nay, trang trại trồng bưởi của ông có năng suất trung bình từ 7 đến 8 tấn/năm, được thương lái tìm đến tận vườn ký hợp đồng thu mua. Được biết, toàn xã Bắc Lương có khoảng 60 ha trồng cây ăn quả; trong đó, có 40 ha trồng bưởi Diễn, 14 ha trồng tại vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được dán logo, dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để dễ dàng phân biệt với loại bưởi thông thường, giá trị sản phẩm được nâng lên từ 20 đến 25%.
Có thể nói, những cánh đồng, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang ngày càng nhân rộng trên địa bàn huyện. Đồng hành cùng các nông hộ trong quá trình sản xuất nông nghiệp an toàn, thời gian qua các cấp hội nông dân trong huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thông qua nhiều giải pháp tích cực. Tiêu biểu như hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc; tạo điều kiện về vốn vay; cung cấp cây, con giống chất lượng; xây dựng bao bì sản phẩm; tìm kiếm, kết nối đầu ra nông sản cho hội viên, nông dân... Cùng với tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, các cấp hội cũng chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho nông dân; vận động thành lập tổ hợp tác, HTX chuyên ngành sản xuất thực phẩm an toàn.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân