Phần mở đầu

Đăng lúc: 15/12/2022 (GMT+7)
100%

 CHỈ ĐẠO NGHIÊN CỨU BIÊN SOẠN

- Cử nhân Luật: Nguyễn Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy.

- Đồng chí: Lê Huân, Phó Bí thư Huyện ủy.

- Cử nhân Luật: Lê Công Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

- Cử nhân Chính trị: Hà Đức Tuấn, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.

- Đồng chí: Mai Văn Tâm, UVBTV, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy.

- Cử nhân Luật: Nguyễn Xuân Thức, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện

- Cử nhân sử học: Đỗ Đức Kiến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.

CHỦ BIÊN

- Cử nhân sử học: Phan Huy Chúc, Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

THAM GIA BIÊN SOẠN

- Cử nhân sử học: Phan Huy Chúc, Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

- Cử nhân Chính trị: Trương Ngọc Phan, Nguyên TUV, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa.

- Cử nhân Sử học: Đoàn Văn Hạnh, Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Cử nhân Sử học: Đào Thị Châu, Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Cử nhân Sử học: Phạm Thị Quy, Chuyên viên Ban Nghiên cứu lịch sử, Sở Văn hóa - TT Thanh Hóa.

- Cử nhân Sử học: Cao Xuân Thưởng, Chuyên viên Ban Nghiên cứu lịch sử, Sở Văn hóa - TT Thanh Hóa.

- Cử nhân Sử học: Phạm Thị Ưng, Chuyên viên Ban Nghiên cứu lịch sử, Sở Văn hóa - TT Thanh Hóa.

LỜI NÓI ĐẦU

Thọ Xuân - vùng đất “Địa linh nhân kiệt” có vị thế chiến lược trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước - quê hương của các Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi - những người sáng lập lên các triều đại phong kiến tiền Lê và hậu Lê. Giữa thế kỷ thứ XIX thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân Thọ Xuân cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước liên tục đánh đuổi giặc Pháp, nhưng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội chỉ giành được thắng lợi vẻ vang khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bộ tham mưu, đội tiên phong của giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam.

Những năm 1930 - 1975, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, nhân dân Thọ Xuân đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH cùng cả nước đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến đánh đuổi những tên đế quốc lớn mạnh và hung hãn nhất thế giới, xây dựng, bảo vệ chế độ mới ưu việt.

 Chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tổ chức nghiên cứu biên soạn cuốn lịch sử "Đảng bộ huyện Thọ Xuân 1930 - 1975” nhằm phát huy truyền thống cách mạng đưa sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu. Quá trình nghiên cứu biên soạn Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện trong các thời kỳ cung cấp nhiều tư liệu quý, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trực tiếp là Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng chỉ đạo, hợp tác, giúp đỡ... nhưng điều kiện và thời gian có hạn chắc chắn cuốn sách còn nhiều thiếu sót, xin trân trọng tiếp thu ý kiến xây dựng của các đồng chí và các bạn.

 

                                         T.M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN

        Nguyễn Anh Tuấn

Tỉnh ủy viên , Bí thư Huyện ủy

 

 

Phần mở đầu

THỌ XUÂN QUÊ HƯƠNG GIÀU TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG

I. VÀI NÉT VỀ TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

Huyện Thọ Xuân nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, giáp Thiệu Hóa ở phía Đông, Thường Xuân ở phía Tây, Triệu Sơn ở phía Nam và phía Bắc giáp Ngọc Lặc, Yên Định. Từ thành phố Thanh Hóa đi theo Quốc lộ 47 về phía Tây dài 36km là huyện lỵ Thọ Xuân - trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả huyện nằm ngay bên bờ hữu ngạn sông Chu - một con sông lớn thứ hai ở Thanh Hóa, có nhiều huyền thoại đẹp về lịch sử, văn hóa...

Diện tích tự nhiên toàn huyện là 29.672ha. Trong đó đất nông nghiệp 15.097,11ha; đất lâm nghiệp 2.718,82ha; đất chuyên dùng 4.403,61ha; đất ở 1.195ha (). Dân số 231.783 người; trong đó nam 112.556 người (chiếm 48,56%), nữ 119.227 người (chiếm 51,44%) gồm 2 dân tộc Kinh, Mường (trong đó có gần 2 vạn giáo dân) cùng chung sống ().

 Hiện nay, huyện Thọ Xuân gồm 3 thị trấn, 38 xã nằm dọc đôi bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Chu.

Do nối tiếp giữa vùng đồi núi phía Tây Thanh Hóa và thuộc vùng châu thổ sông Chu - sông Mã nên Thọ Xuân có hai dạng địa hình - một vùng bán sơn địa (trung du) và một vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu. Dải đồi núi trung lưu sông Chu chiếm phần phía Nam các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc và toàn bộ huyện Thường Xuân cao sừng sững, ngọn Pù Chó (Thường Xuân cao 1.563m) kéo tới Thọ Xuân đã hạ thấp dần (nơi cao chỉ còn 400m). Đó là núi Trâu, núi Mục gắn liền với truyền thuyết ông Nuông Khổng Lồ thuở khai thiên, lập địa được nhân dân Thọ Xuân từ xưa đã gói trọn cốt truyện vào câu phương ngôn “núi Trẩu con gà, núi Mục con xôi” để nói lên sự khai sơn, phá thạch của tổ tiên. Đặc biệt, hệ thống núi Lam Sơn với các núi Mục, núi Dầu, núi Rồng... mỗi tên núi đều kèm theo truyền thuyết gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn, tạo nên vẻ kỳ thú cho khu di tích Lam Kinh - nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa do Anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo đã quét sạch giặc Minh vào giữa thế kỷ XV.

Tại phía Tây - Nam huyện, nối tiếp đồi đất nhấp nhô. Nông trường Sao Vàng đã khai phá vùng đất này trồng cà phê và nay cùng với nhân dân các xã trong khu vực trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Lam Sơn. Cũng tại vùng đất có vị thế chiến lược trọng yếu này, chính phủ đã xây dựng sân bay Sao Vàng.

Phía Tây và Bắc huyện vùng đồi được phân làm hai phần rõ rệt: phần dưới gồm sét, cát, cuội hạt nhỏ có nguồn gốc sông biển hỗn hợp... Phần trên là trầm tích lục địa nguồn gốc Aluvi gồm chủ yếu là cuội, sỏi, cát, cát mịn... có khả năng trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây lương thực.

Với đặc điểm cấu trúc địa hình nói trên, Thọ Xuân là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du miền núi... nên có độ cao trung bình thấp hơn vùng trung du từ 50-100m và cao hơn đồng bằng từ 4-6m. Vùng trung du chiếm diện tích 53% đất đai, độ dốc nhỏ, thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ và chăn nuôi đại gia súc. Vùng đồng bằng phần lớn là đất phù sa cổ và một phần diện tích các triền bãi được sông bồi đắp hàng năm. Do đó, đất có độ phì cao thuận lợi cho việc thâm canh cây lương thực và trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như bông, lạc, dâu tằm...

Sách cũ cho biết, xưa kia rừng ở Thọ Xuân bạt ngàn, nhiều loại cây và thú rừng quý, hiếm. Nguyễn Trãi ghi trong Dư địa chí “...Thọ Xuân có da hổ, báo, tê, voi. Đồ cống là ngà, sừng…" (1). Tương truyền, Lê Văn Linh - một công thần trong khởi nghĩa Lam Sơn, quê làng Hải Lịch (nay là xã Thọ Hải) từng làm bài văn đuổi hổ nổi tiếng. Trước Cách mạng Tháng Tám, hổ dữ vẫn còn xuất hiện khu vực Mả Hùm, Sao Vàng, Phúc Bồi... (2).

Ngày nay thay thế rừng tự nhiên, nhân dân trồng các loại cây ăn quả, hoa màu, sắn, ngô và trồng rừng nhân tạo. Đặc biệt là những cánh rừng thuộc Khu di tích Lam Kinh với nhiều loài cây quý đang tiếp tục được mở rộng.

Thọ Xuân có sông Chu lớn thứ hai Thanh Hóa (sau sông Mã) chạy từ đầu tới cuối huyện. Sông Cầu Chày (Chày Giang) chảy men theo địa giới phía Tây Bắc huyện, giáp ranh với huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Sông nhà Lê - một con sông đào quanh co nối với sông Chu để ra sông Mã. Đoạn nối sông Cầu Chày với sông Chu từ xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa) sang xã Xuân Vinh (Thọ Xuân) là con sông đào cổ nhất do Lê Hoàn cho đào vào năm 982, thời hậu Lê và thời Nguyễn tiếp tục duy tu. Đập Bái Thượng và hệ thống nông giang (sông máng) được đào vào năm 1920. Đây là hệ thống nông giang tưới tiêu cho các xã hữu ngạn sông Chu, cũng là đường giao thông thủy. Sách xưa cho biết, sông Chu còn có tên chữ là Lương Giang. Những tên sông Lam, sông Lỗ, sông Phủ... là tên riêng của mỗi khúc sông Chu. Sông Chu tên cổ gọi là sông Sũ (do người Pháp vẽ bản đồ, phiên âm lại là sông Chu). Sông Chu phát nguyên từ Sầm Nưa (Lào) “có ba nguồn, một nguồn là sông Âm (huyện Lang Chánh), một nguồn là sông Đạt (Thường Xuân), một nguồn là sông Cao (Quan Hóa) cùng chảy đến...” (1). Đoạn sông Chu nằm trên địa bàn Thọ Xuân, người Pháp xây dựng đập Bái Thượng và hệ thống thủy nông sông Chu tưới cho đồng ruộng thuộc các huyện nằm bên hữu ngạn sông Chu, trong đó có Thọ Xuân. Mùa lũ sông Chu bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 11 với hai tháng có dòng chảy lớn nhất là tháng 9 và 10. Lũ lụt tuy dữ dội, nhưng sông Chu bồi đắp phù sa góp phần tạo cho Thọ Xuân một vùng đồng bằng rộng lớn, màu mỡ trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh Thanh. Những tháng mùa cạn, dòng sông Chu hiền hòa, trong vắt, bãi cát mịn màng.

Thọ Xuân thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông lạnh, ít mưa, có sương giá, sương muối. Lại là vùng tiếp giáp với miền rừng núi phía Tây Thanh Hóa nên mùa hè nóng, mưa nhiều, có gió tây (gió Lào) khô nóng, có ngày lên tới 41°C. Tổng số giờ nắng 1.780,9 giờ/năm. Lượng mưa trung bình là 1.700mm/năm. Độ ẩm trung bình 86%.

Giao thông Thọ Xuân xưa kia chủ yếu là đường thủy trên sông Chu, sông Cầu Chày, sông Nhà Lê... vốn là cửa ngõ của miền xuôi với miền ngược xứ Thanh nên đường thủy Thọ Xuân đã nối liền miền ngược, miền xuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh. Từ sông Chu (tại Thọ Xuân) có thể ngược dòng lên tận Thường Xuân, Lang Chánh. Từ Thọ Xuân xuôi dòng sông Chu qua ngã ba Đầu về sông Mã sẽ đến huyện đồng bằng, vùng biển.

Hệ thống giao thông bộ gồm có: đường tỉnh lộ thành phố Thanh Hóa - Thọ Xuân - Bái Thượng - Thường Xuân được xây dựng vào năm 1912. Đường 47 thành phố Thanh Hóa - Bái Thượng - Thường Xuân. Đường 15A: Thọ Xuân - Như Xuân vào Nghệ An. Đường Bắc Nam (đang đi qua Thọ Xuân được đặt là đoạn 506). Cùng với hệ thống đường liên huyện: Thọ Xuân - Cầu Vàng (Yên Định), Thọ Xuân - Thiệu Hóa, Thọ Xuân - Ngọc Lặc... Hiện nay hệ thống đường liên thôn, liên xã đang được mở rộng.

Trên đất Thọ Xuân đã phát hiện được mỏ PHOTPHATES ở Gô Tô (xã Xuân Châu), than bùn ở các xã Thọ Lâm, Thọ Tân, Xuân Sơn... sỏi, cát dọc sông Chu; nguồn đất sét sản xuất gạch, ngói và các núi đá vôi phục vụ xây dựng... tương đối phong phú. Thiên nhiên ban tặng sự màu mỡ của đất, tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế - văn hóa. Song, thiên nhiên cũng gây không ít khó khăn: khí hậu khắc nghiệt: lụt bão, hạn hán... Chính thử thách đó đã hun đúc nên phẩm chất kiên cường, thông minh, sáng tạo của người Thọ Xuân.

Điều kiện tự nhiên đã cho phép Thọ Xuân phát triển một nghề nông nghiệp phong phú sản vật, đa dạng ngành nghề, cùng với một số nghề thủ công truyền thống.

Thời dựng nước, Thọ Xuân thuộc vùng đất bộ Cửu Chân trong đất nước của các vua Hùng.

Đến đầu Công Nguyên, Thọ Xuân là miền đất thuộc huyện Vô Biên. Thời kỳ này cư dân trên đất Thọ Xuân so với vùng sông Mã còn thưa thớt nhưng đã xuất hiện những đơn vị cư trú tiền thân của làng xã - đó là những kẻ, những chiềng, những chợ. Kẻ Căng (xã Thọ Nguyên), kẻ Neo (Bắc Lương), kẻ Sập (Xuân Lập), kẻ Mía (Thọ Diên), kẻ Mía Mưng (Xuân Tân), kẻ Đầm (Xuân Thiên), kẻ Thạc (Xuân Lai), kẻ Chóng (Thọ Minh), kẻ Cây (Nam Cai, Tây Hồ), kẻ Dệ (Xuân Lai)...

Nghiên cứu các tụ điểm dân cư, chúng ta dễ dàng nhận thấy: cư dân Thọ Xuân đã tích cực khai thác vùng đồng bằng sông Chu để sản xuất nông nghiệp.

Thời thuộc Hán (111 trước Công Nguyên đến năm 210), Thọ Xuân thuộc Tư Phố. Thời gian này, Thọ Xuân (Tư Phố) đã đón nhận những nhóm cư dân ở vùng phát tích của Hai Bà Trưng bị quân Nam Hán khủng bố di cư vào. Đó là một phần cư dân thủy cơ Bái Thượng gồm nhiều làng mang tên kẻ Quân, kẻ Vu, kẻ Bộc, kẻ Ghi... có nguồn gốc từ vùng Tây Vu.

Thời thuộc Tùy - Đường (581 - 905), miền đất Thọ Xuân thuộc huyện Di Phong, rồi thuộc huyện Trường Lâm.

Sách Đại Nam nhất thống trí (1) cho biết, từ thời Trần về trước (Thọ Xuân nay) có tên gọi là huyện Cổ Lôi thuộc trấn Thanh Đô.

Đến thời Trần, sau công trình “Hà Phòng” của Nhà nước, những con đê sông Mã, sông Chu được đắp và hàng năm bồi trúc kiên cố nên công cuộc trị thủy và giao thông đã ổn định. Phải chăng, đây là thời kỳ cư dân Thọ Xuân đã đông đúc như phương ngôn cổ còn truyền lại "mười hai xứ láng, mười tám xứ Neo". "Mười hai xứ láng" nay thuộc xã Xuân Hòa và Xuân Trường. Riêng Xuân Trường gồm 6 láng (6 làng) là: Láng Trang, Láng Thượng Vôi, Láng Sở, Láng Trung, Láng Đông và Láng Hạ.

Thời thuộc Minh, Thọ Xuân mang tên huyện Cổ Lôi thuộc phủ Thanh Hóa. Nhà Minh lại nhập huyện Cổ Lôi với Lương Giang (Ngọc Lặc nay).

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), vua Lê Lợi xóa bỏ các đơn vị hành chính thời Minh, chia cả nước thành 5 đạo, Thọ Xuân thuộc đạo Hải Tây.

Đời Lê (Quang Thuận thứ 7 (1466), Thọ Xuân có tên là Lôi Dương, trực thuộc phủ Thiệu Thiên (sau đổi là phủ Thiệu Hóa vào năm 1815 đời Gia Long).

Phủ Thọ Xuân xuất hiện khi vua Minh Mệnh chia trấn Thành Đô thành nhiều châu phủ trong đó có phủ Thọ Xuân vào năm 1821.

Từ năm 1826, huyện Lôi Dương, Thụy Nguyên tách khỏi phủ Thiệu Hóa để nhập vào phủ Thọ Xuân. Cũng thời Minh Mệnh đổi Lôi Dương thành phủ Thọ Xuân (tên Lôi Dương không còn).

Ly sở phủ Thọ Xuân trước năm 1895 (thời Thành Thái) đóng ở Thịnh Mỹ (1)… Sau năm 1895 dời ly sở đến Xuân Phố (2) (làng Xuân Phả, xã Xuân Trường nay).

Đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Thọ Xuân gồm 10 tổng, 180 thôn, làng; 24 xóm bản. Các tổng là Bái Đô, Mục Sơn, Diên Hào, Kiên Thạch, Tam Lộng, Nam Dương, Bất Nạo, Phú Hà, Quảng Yên (), Thượng Cốc (Cốc Thượng).

Đơn vị hành chính từ phủ đến làng, xã có bộ máy hành chính cai trị bao gồm tri phủ (ở phủ), chánh phó tổng (ở tổng), làng xã do bộ máy lý hương cai quản.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ Thọ Xuân đổi thành huyện Thọ Xuân. Năm 1946, cắt 4 xã Thọ Trường, Xuân Vinh, Xuân Tân, Xuân Minh và làng Trung Lập thuộc Thiệu Hóa đưa về Thọ Xuân. Do đó, đến năm 1946, Thọ Xuân có 22 xã lớn, 196 thôn, làng và 24 xóm bản.

Năm 1954, Thọ Xuân lại tách các xã lớn lập thành 54 xã và 190 thôn, 24 xóm.

Năm 1964, theo quyết định của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 13 xã phía Nam huyện Thọ Xuân được nhập cùng 20 xã của huyện Nông Cống để thành lập huyện Triệu Sơn. Đó là các xã Thọ Ngọc, Thọ Cường, Thọ Tiến, Thọ Dân, Thọ Tân, Thọ Thế, Thọ Phú, Thọ Vực, Thọ Bình, Thọ Sơn, Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Thọ. Đồng thời cắt 4 xã phía Tây Thọ Xuân nhập về Thường Xuân là xã Xuân Dương, Thọ Thanh, Xuân Cẩm, Xuân Cao.

Hiện nay, huyện Thọ Xuân gồm 38 xã, 3 thị trấn (thị trấn huyện lỵ thành lập ngày 9-2-1965, thị trấn Nông trường Sao Vàng thành lập ngày 8-3-1967, thị trấn Lam Sơn thành lập ngày 7-2-1991). Thọ Xuân có một nền kinh tế nông nghiệp phong phú sản vật, đa dạng ngành nghề. Trong đó nghề trồng lúa nước là phổ biến và xuyên suốt những ngàn năm lịch sử. Những cánh đồng và các truyện truyền ngôn, phương ngôn… đã thể hiện điều đó. Đó là cánh đồng Ba Chạ (Đông Phương Hồng - Thọ Hải); là “mười hai xứ lạng” rộng lớn (nay thuộc Xuân Trường, Xuân Hòa), “mười tám xứ Neo” vựa lúa trù phú đã được dân gian ca ngợi về cái ngút ngàn của lúa “đến cánh đồng Neo thì nheo mắt lại”. Nghề chăn nuôi cùng phát triển mạnh - đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò. Trâu, bò số lượng nhiều nên đã trở thành hàng hóa, chợ trâu, bò đã xuất hiện tại phủ Thọ Xuân ngày thêm sầm uất. Vốn là vùng sông nước, ao hồ nên Thọ Xuân sớm phát triển nghề đánh bắt thủy sản nước ngọt. Các làng (phường thủy cơ) thuyền chài chuyên đánh bắt thủy sản dọc sông Chu như làng Thủy Long (xã Thọ Xương), làng Chài (xã Thọ Nguyên), phường chài Yên Hà (Thọ Diên) v.v...

Lại là vùng đất cửa ngõ của núi từng miền Tây, có giao thông đường thủy thuận lợi (sông Chu, Cầu Chày, sông đào Nhà Lê thông với sông Mã...) nên sớm xuất hiện nghề sơn tràng ở các xã Xuân Lam, Xuân Thiên, Thọ Diên... ở Thọ Xuân thương nghiệp phát triển sớm với các chợ nổi tiếng trên bến dưới thuyền như: chợ Bái Thượng, chợ Thịnh Mỹ, chợ Đầm, chợ Sánh - Lược, chợ Láng - Nam Phố, chợ Neo, chợ Phủ (chợ trâu, bò)... đã cuốn hút các đoàn thuyền buôn trong và ngoài tỉnh.

Các nghề thủ công truyền thống cũng phát triển sớm và mạnh. Đó là các nghề: đan bồ, cót ở làng Căng (kẻ Căng - nay là xã Thọ Nguyên), nghề đan tranh xăng ở làng Quần Đót (nay thuộc xã Xuân Giang). Nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải tại các làng dọc sông Chu thuộc xã Thọ Hải, Xuân Hòa...

Là vùng đất có nhiều dân cư ở nhiều miền đất nước tìm đến lập nghiệp nên Thọ Xuân cũng là nơi giao lưu, hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của dân tộc nhưng văn hóa bản địa vẫn là nền tảng cơ bản.

Thế kỷ thứ X: Nổi lên các nhân vật Lê Quan Sát ở kẻ Mía (Xuân Tân) bố nuôi Lê Hoàn ở kẻ Sập (Xuân Lập) để sau này hình thành cụm di tích văn hóa lịch sử thờ cúng Lê Hoàn, Lê Quan Sát vào ngày 8-3 (âm lịch) hàng năm.

 Sau khởi nghĩa Lam Sơn, diện mạo văn hóa Thọ Xuân càng thêm khởi sắc. Cụm di tích lịch sử mang phong cách Đại Việt đã ra đời. Đó là Khu di tích Lam Kinh cùng với hệ thống truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Lợi cùng với những cuộc biểu diễn văn nghệ vào thời Lê Thái Tổ mừng nhà vua về Lam Kinh. Đó là điệu Rí Ren, trò Xuân Phả. Biểu diễn như một hoạt cảnh có hóa trang, đeo mặt nạ, xếp sắp đội hình theo kịch bản có giá trị nhiều mặt về nghệ thuật diễn xướng, đóng góp cho văn hóa cổ truyền dân tộc.

Khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thọ Xuân đã đóng góp cho xứ Thanh và đất nước một kho truyện dân gian quý giá. Mở đầu bằng huyền thoại trao gươm, kết thúc bằng huyền thoại trả gươm. Văn học dân gian thời khởi nghĩa Lam Sơn đã khắc họa hình tượng người Anh hùng Lê Lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc một cách đậm nét.

Cùng với văn học dân gian, nhiều tác phẩm văn học lớn ra đời. Đó là tác phẩm “Lam Sơn thực lục” của Lê Lợi thể theo hồi ký. Tiếp theo là những tác phẩm của Lê Thánh Tông - nhà vua - nhà thơ - nhà văn với nhiều tập thơ chữ Hán, chữ nôm kỳ tài: Quỳnh Uyển cửu ca, Minh Lương cẩm tú, Hồng Đức quốc âm thi tập, Thánh Tông di thảo... Đặc biệt là bài “Lam Sơn lương thủy phú” dài gần 400 câu và bộ Luật Hồng Đức. Lê Hoàng Dục (Thọ Hải), Lê Quyển (hương Lam Sơn) cũng để lại một số bài thơ dài gần 400 câu. Lê Hoàng Dục (Thọ Hải), Lê Quyển (hương Lam Sơn) cũng để lại một số bài thơ trong Toàn Việt thi lục.

Thời Lê sơ ngoài kiến trúc Lam Kinh đồ sộ, số lượng đền, nghè, lăng mộ để thờ các vị công thần nhà Lê. Đó là các đền thờ Lê Văn An (Thọ Lâm), lăng Trần Lựu, Lê Sao (Xuân Thiên), Lê Văn Linh (Thọ Hải), đền thờ tướng quân Nguyễn Nhữ Lãm (Thọ Diên)... Đặc biệt là bia hộp ở lăng mộ quận công phu nhân Lê Thị (là vợ Đỗ Khuyển - khai quốc công thần thời Lê). Bia hộp này gồm 2 tảng đá, được khắc chữ ở bề mặt phẳng (là nội dung văn bia) và được úp hai mặt khắc chữ đó kết vào nhau như một cái hộp. Kiến trúc đã khắc họa nét đẹp văn hóa truyền thống Thọ Xuân.

Thời Lê Trung Hưng, kinh đô Vạn Lại; An Trường (1) đã để lại dấu tích một xu thế văn hóa tìm về cội nguồn dân tộc. Đó là nghệ thuật khắc trên gỗ, đá, đồng, đất nung...

Đền thờ Lê Hoàn (tại Xuân Lập) do Thanh Đô vương Trịnh Tráng ra chỉ lệnh mở rộng tu bổ vào năm 1626 gồm 13 gian, kiến trúc kiểu chữ công là công trình kiến trúc thế kỷ XVII còn tương đối hoàn chỉnh với hình tượng “rồng ổ” là biểu tượng đặc sắc của tính dân gian trong nghệ thuật trang trí.

Năm 1587, giáo sỹ Tây Ban Nha ORDONEF CEVALLOS đến Thanh Hóa truyền đạo đã vết kiến vua Lê Trang Tông ở Yên Trường. Công chúa Mai Hoa chị gái vua Lê Thế Tông đã theo đạo và mang tên thánh là FLORA MARIA1 . Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phật giáo, nho giáo, xuất hiện thêm Thiên chúa giáo và một loạt nhà thờ được xây dựng theo kiểu kiến trúc phương Tây ở Phúc Địa, Xuân Trường, Quần Ngọc (Thọ Lâm), Quảng Ích (Xuân Thiên), Hữu Lễ (Thọ Xương), Bích Phượng, Ngọc Lạp (Xuân Sơn)...

Là địa phương có nền văn hóa phát triển lâu dài và liên tục, là mảnh đất sinh thành nhiều bậc đế vương, nhiều danh nhân chính trị , quân sự kiệt xuất cũng là miền đất học và có truyền thống học hành thi cử. Thời phong kiến, toàn huyện có 12 người thi đậu đại khoa và được rải đều ở nhiều xã trong huyện nên tạo ra những điểm sáng trong học hành thi cử. Đó là Lê Bá Giác, Lê Trọng Bích (khu vực Lam Sơn), Đỗ Đinh Thụy, Trịnh Văn Liên (Phú Yên), Lê Quang Hoa, Ngô Đình Chi (Thọ Diên), Lê Hùng Xứng (Thọ Nguyên), Phan Kiến Toàn (Thọ Trường), Lê Đức Hiệp (Xuân Giang), Đỗ Huy Kỳ (Xuân Minh), Nguyễn Đức Hoành (Xuân Tân). Đỗ Viết Hồ (Xuân Trường).

Vào thời Lê sơ xứ Thanh có 46 người đỗ đại khoa thì Thọ Xuân có 3 vị. Tuy không đỗ đạt nhưng số lượng danh sỹ khá đông, nhiều người học rộng, tài cao như Lê Lợi, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Lê Hoằng Dục (2)... Chính Lê Lợi - vị Anh hùng dân tộc đã nêu cao việc “thực học”, “chuộng học” để có trí thức phục hưng dân tộc: “cách chuộng học, kén tài đầy đủ thực là thời kỳ mở đầu cho nền thịnh trị muôn đời”. Thân Nhâm Trung (3), Lê Văn Linh (Thọ Hải), là nhà nho nổi tiếng, hiểu biết rộng. Ông từng viết bài văn “đuổi hổ” nổi tiếng. Sau chiến thắng giặc Minh, ông được vua Lê Thái Tổ tín nhiệm giao cùng Nguyễn Trãi xây dựng việc học. Học trò gọi Lê Văn Linh là thầy Mai Trãi và Nguyễn Trãi là Ức Trai.

Thời Lê Trung Hưng, khoa thi đầu tiên được mở là chế khoa (thi hội) ở hành cung Yên Trường (năm 1554 - đời vua Lê Trung Tông), Thời Lê - Trịnh, Thọ Xuân có 6 vị tiến sỹ.

Dưới thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), trường Thọ Xuân được xây dựng bên cạnh phủ lỵ. Tuy thi cử phiền hà nhưng học trò Thọ Xuân đã có 15 người đỗ đạt ở các kỳ thi, trong đó có một vị đậu đại khoa.

II- THỌ XUÂN - VỚI TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC ĐẤU TRANH CHỐNG NGOẠI XÂM KIÊN CƯỜNG , BẤT KHUẤT

Ngay từ thời bắc thuộc, tuy không trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lãnh đạo, nhưng đất Thọ Xuân đã sẵn sàng đón nhận những người con của vùng đất Tây Vu vào lánh nạn, tránh sự khủng bố của kẻ thù. Chứng tích là một vệt làng mang tên kẻ Quân, kẻ Vu, kẻ Bộc, kẻ Ghi cư trú tại Bái Thượng.

Bà Triệu (năm 248), lập căn cứ tại núi Nưa nằm phía Nam huyện Thọ Xuân tiến hành khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Ngô. Cuộc chiến đấu đã lan rộng khắp Giao Chỉ, Cửu Đức, Nhật Nam. Sử cũ ghi, những người tham gia khởi nghĩa là những “dân Man”. Hẳn trong số “dân Man” đó, không ít những người con vô danh của Thọ Xuân đã đứng dưới cờ nghĩa của Bà Triệu đánh đuổi bọn cướp nước như câu ca dao còn truyền tụng phản ánh không khí đầu quân giết giặc:

“Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân”

 Khởi nghĩa Lý Bí với sự hình thành của Nhà nước Vạn Xuân (518-554) đã có sự đóng góp của nhiều người con Thọ Xuân. Tiêu biểu là Điềm Ngọc Lộ (người Lam Sơn) với nhiều công tích ghi trong sử sách.

Thế kỷ X. Người con ưu tú của làng quê kẻ Sập (Sách Khả Lập, rồi Trung Lập, nay thuộc xã Xuân Lập) Lê Hoàn đã cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn “12 sứ quân”, dẹp giặc Chiêm Thành, đánh tan quân Tống và trở thành một vị vua anh minh của nước Đại Cồ Việt. Ông không những là nhà quân sự tài năng mà còn là nhà kinh tế, ngoại giao xuất chúng… giữ vững nền độc lập tự chủ của đất nước thế kỷ X.

Thế kỷ XIII - thời Trần, Thọ Xuân cùng với cả xứ Thanh là căn cứ hậu phương vững chắc để cả nước hướng tới, tổ chức những cuộc phản công quyết liệt đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.

Thế kỷ XV, khi toàn bộ miền Bắc Đại Việt đã bị giặc Minh chiếm đóng (1407-1427), thì tại núi rừng miền tây Thọ Xuân, Lê Lợi đã dựa vào vùng quê Lam Sơn và lòng dân giương cao ngọn cờ khởi nghĩa. Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (tức 10-9-1385) tại quê mẹ ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (sau là Thủy Chú, nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân).

Theo Lam Sơn thực lục (1) và Bia Vĩnh Lăng (2), tổ ba đời của Lê Lợi là Lê Hối vốn làm nghề dạy học đến ở Lam Sơn (Xuân Lam) tổ chức khai hoang “ba năm thành sự nghiệp, con cháu ngày một đông, nô lệ một nhiều” (bia Vĩnh Lăng). Trải qua đời cha là Lê Khoáng, Lê Lợi “thừa nghiệp của ông cha” (bia Vĩnh Lăng) trở thành một hào trưởng lớn vùng Lam Sơn.

Lam Sơn nằm về tả ngạn sông Chu, cách thành phố Thanh Hóa về phía Tây khoảng 50km. Từ thành phố Thanh Hóa có thể theo sông Mã rồi ngược sông Chu lên tận Lam Sơn; hoặc có thể theo đường bộ lên Thọ Xuân, qua cầu Mục Sơn là bước vào Lam Sơn.

Sông Chu chảy qua Lam Sơn, lòng khá rộng, mùa mưa nước to có khi tới hàng trăm mét. Từ Lam Sơn có thể ngược dòng sông Chu lên tận Thường Xuân, Lang Chánh. Cũng từ Lam Sơn sông Chu xuôi dòng sẽ đến các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn nối với dòng sông Mã về với vùng biển.

Như vậy, nghĩa quân đóng ở Lam Sơn có thể xuống miền đồng bằng, hoặc di chuyển lên miền thượng lưu sông Mã, khi cần thiết có thể rút lên miền Tây dựa vào thế rừng núi để bảo toàn lực lượng.

Chọn Lam Sơn làm căn cứ, chứng tỏ nhãn quan quân sự của Lam Sơn động chủ Lê Lợi rất tinh tường.

Năm 1416, tại Hội thề Lũng Nhai, Bộ Chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được hình thành. Lê Lợi đứng đầu cùng 18 bạn thân tín nhất. Đến cuối năm 1417 lực lượng nghĩa quân đã có đến vài nghìn người. Xuân Lam có Nguyễn Lý (Lê Lý), Lê Khảo, Lê Thế Vĩ, Lê Binh, Lê Sao, Lê Bị, Lê Nhi... ở Đa Mỹ (Thịnh Mỹ, còn gọi là làng Mía Thọ Diên) có Nguyễn Nhữ Lãm và Lê Khuyển (Đỗ Đại). Sau này 2 lần nghĩa quân bị bao vây ở núi Chí Linh, Nguyễn Nhữ Lãm cùng Lê Thận (người Mục Sơn) đã tổ chức nghĩa quân tiếp tế lương thực theo đường sông Chu với sự giúp đỡ của dân chài phường Đa Mỹ (Thọ Diên) (1)... ở làng Đầm (Xuân Thiên) có hai cha con Trần Lựu và Trần Lãm. Ở Hải Lịch (Thọ Hải) có Lê Văn Linh và Lê Xuân Thọ. Trong Bộ Chỉ huy, Lê Văn Linh là một văn thần. Ở Mục Sơn (Lam Sơn, Thọ Lâm) có Lê Văn An, Lê Biếm, Nguyễn Thận, Lê Thiệt, Lê Lãnh, Lê Đại. Ở Vạn Lại (Xuân Châu) có Lê Hối, Lê Bôn, Lê Hà Viên. Hầu như làng nào ở Thọ Xuân thuở đó cũng có người gia nhập nghĩa quân... Cao hơn, cuộc khởi nghĩa đã thu hút rộng rãi nhân tài, vật lực của cả tỉnh, cả nước. Đó là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích...

Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành cuộc chiến tranh giải phóng được toàn dân ủng hộ đã giành được thắng lợi, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách nô lệ tàn bạo của giặc Minh vào năm 1428.

Trong chiến công vĩ đại đó nhân dân Thọ Xuân góp phần to lớn. Số công thần cứu nước trong khởi nghĩa Lam Sơn quê Thọ Xuân phải kể tới hàng chục như: Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Lê Sát... và hàng ngàn người dân “manh lệ” Thọ Xuân thuở đó đã xung phong vào đạo quân cứu nước.

Sau Ngô Quyền - “tổ trung hưng thứ nhất” (1), Lê Lợi xứng đáng với danh hiệu “tổ trung hưng thứ hai” (2) trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc.

Thọ Xuân cũng từng là nơi có hoạt động quân sự thời Lê - Mạc thế kỷ XVI, cũng là mảnh đất trung tâm chính trị - quân sự thời Lê - Trịnh - Nguyễn thế kỷ XVII.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đã phải đương đầu với sự chống trả quyết liệt của dân tộc ta. Đặc biệt là phong trào “Cần vương” chống Pháp.

Tuy không phải là vùng đất xây dựng căn cứ chính của nghĩa quân “Cần Vương” như ở Ba Đình (Nga Sơn), Mã Cao (Yên Định), Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc)... nhưng mọi cuộc chiến đấu chống thù diễn ra trên đất Thọ Xuân, hoặc vùng kề cận luôn được nhân dân ủng hộ. Đó là trận đánh đồn Pháp ở Bái Thượng đêm mồng 8-11-1885 do Hà Văn Mao dẫn đầu 1.000 nghĩa quân. Nhân dân Thọ Xuân đã tham gia nghĩa quân và tích cực phục vụ chiến đấu. Giữa năm 1886, thực hiện quyết định của hội nghị các sĩ phu yêu nước Thanh Hóa ở Bồng Trung (Vĩnh Lộc), một bộ phận nghĩa quân ở Thuần Hậu (Thọ Xuân) đã tham gia chiến đấu ở căn cứ Ba Đình, tiêu biểu là quản chương Đỗ Huy Phương cùng con là Đỗ Huy Ven, Đỗ Thị Vức.

Căn cứ Mã Cao nằm cạnh sông Cầu Chày thuộc khu vực Đa Ngọc (xã Yên Giang, Yên Định) tiếp giáp với 4 huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa, Thọ Xuân... Trong đó có nhiều cứ điểm nằm trên đất Thọ Xuân như: Thung Voi (nay thuộc xã Xuân Tín), Thung Khoai (nay thuộc xã Quảng Phú). Khu vực tổng Thử Cốc đã trở thành hậu phương của căn cứ Mã Cao.

Sau khi căn cứ Ba Đình bị thất thủ (21-1-1887) thực dân Pháp tập trung đánh phá căn cứ Mã Cao. Để bảo vệ cho toàn bộ lực lượng nghĩa quân an toàn rút khỏi Mã Cao, quân và dân Thọ Xuân tại hai cứ điểm Thung Voi, Thung Khoai đã dũng cảm chiến đấu, cầm cự với giặc và bất ngờ rút lui mau lẹ.

Chiếm được Mã Cao, quân Pháp xây dựng nhiều đồn binh ở đây, trong đó có đồn Yên Lược (Thọ Minh), Phúc Địa. Kẻ thù khủng bố dã man nhằm khuất phục nhân dân, nhưng chúng đã lầm, kết hợp với nghĩa quân Hùng Lĩnh (do lãnh tụ Tống Duy Tân lãnh đạo), nhân dân Thọ Xuân đã tổ chức đánh Vạn Lại vào ngày 30-11-1889. Thừa thắng, đêm ngày 02-12-1889, nghĩa quân đánh đồn Yên Lược gây cho giặc nhiều thiệt hại, rồi nhanh chóng rút về Vạn Lại, tản vào rừng tránh giặc. Quân thù điên cuồng khủng bố, nhân dân quanh vùng Yên Lược - Vạn Lại đã cung cấp lương thực, nuôi dấu nghĩa quân. Tiêu biểu là gia đình ông Trịnh Ngọc Lễ, Mai Thị Điểm (làng Thử Cốc)...

Không chịu khuất phục, nhân dân Thọ Xuân cùng nghĩa quân Hùng Lĩnh đã xây dựng công sự tại Yên Lãng (xã Xuân Yên nay) dọc theo tả ngạn sông Chu để chống giặc. Song, cuộc chiến đấu kiên cường của nghĩa quân Hùng Lĩnh đã chấm dứt vào năm 1892, phong trào Cần Vương chuyển lên khu vực miền núi. Nhiều người Thọ Xuân đã xung vào đội nghĩa quân của thủ lĩnh Cầm Bá Thước ở Thường Xuân. Trong đó có nhân dân làng Mía (Thọ Diên), quê vợ Cầm Bá Thước.

Phong trào “Cần Vương” chống Pháp trong cả nước, cũng như ở Thanh Hóa bị quân thù đàn áp đẫm máu và thất bại. Nhưng phong trào này bị dập tắt, phong trào khác lại vùng dậy, nhân dân Thanh Hóa, nhân dân Thọ Xuân lại tiếp tục hưởng ứng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư tưởng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học lãnh đạo...

III- CHÍNH SÁCH ÁP BỨC BÓC LỘT CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ SỰ PHÂN HÓA GIAI CẤP Ở THỌ XUÂN

Sau khi cướp được nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách đô hộ và khai thác bóc lột thuộc địa hết sức thâm độc và tàn bạo.

Về chính trị: Chúng thực hiện chính sách chia để trị, chia nước ta thành 3 Kỳ, đặt chế độ cai trị khác nhau ở mỗi Kỳ. Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ, nằm trong chế độ bảo hộ nhưng thực chất mọi quyền hành đều nằm trong tay người Pháp. Bên cạnh bộ máy cai trị của người Pháp do Công sứ người Pháp đứng đầu, bộ máy cai trị của triều đình nhà Nguyễn vẫn được duy trì từ tỉnh đến làng, xã. Ở Thọ Xuân, đứng đầu bộ máy cai trị là Tri phủ và bọn nha lại binh lính ở phủ, xuống đến Chánh tổng, Phó tổng ở các tổng và lý, hương ở các làng, xã. Cùng với đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh yêu nước, giai cấp thống trị đã tước bỏ mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, gây chia rẽ dân tộc, giai cấp, làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc để dễ bề cai trị.

Về kinh tế: Với chính sách tước đoạt tài nguyên, bóc lột nhân công rẻ mạt, thực dân Pháp đã đặt ra hàng trăm thứ thuế và luôn tìm cách tăng mức thuế để tước đoạt tiền của nhân dân Thọ Xuân. Vô lý nhất là thuế thân, mỗi suất thuế thân phải nộp từ 3 đến 3,2 đồng Đông Dương, tương đương với 3 tạ thóc...

Cùng với bóc lột phu phen, thuế khóa, công trái, lạc quyên thực dân Pháp đã cấu kết với quan lại phong kiến tước đoạt của nông dân Thọ Xuân hàng ngàn ha ruộng đất để lập đồn điền trại ấp như: Đồn điền Vạn Lại, ấp Điền Trạch, đồn điền Mã Hùm, Phúc Địa...

Về văn hóa: Thực dân Pháp thực thi chính sách ngu để trị, cả huyện chỉ xây dựng 1 trường tiểu học, mỗi năm dạy vài trăm học sinh từ lớp nhất đến lớp năm. Cả huyện không có một nhà thương, dân ốm đau thường cúng bái và uống thuốc bắc. Ở các khu vực thị trấn, thị tứ, các tiệm rượu cồn, thuốc phiện mọc lên nhan nhản; tệ nạn mê tín dị đoan phổ biến khắp huyện. Tệ nạn chè chén, cúng tế, lễ chạp đè nặng lên vai người lao động. Thuần phong mỹ tục bị xóa bỏ, nền văn hiến lâu đời bị thay thế bằng nền văn hóa phản động, đồng trụy, làm cho dân trí ngu muội, sức khỏe suy thoái...

Chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp đã làm cho xã hội phong kiến trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến, các giai cấp trong xã hội bị phân hóa sâu sắc. Giai cấp công nhân, giai cấp tiểu tư sản hình thành, phát triển và bị áp bức bóc lột cùng cực; giai cấp nông dân bị bần cùng hóa cao độ vì sưu cao thuế nặng, bị tước đoạt ruộng đất, tài sản, phải lìa bỏ quê hương ra thành phố, vào hầm mỏ, đồn điền làm thuê gia nhập quân đội vô sản, nhiều gia đình phải bán vợ, đợ con, tha phương cầu thực; giai cấp địa chủ phong kiến cũng bị phân hóa: Một bộ phận đại địa chủ dựa vào thế lực nước ngoài tìm cách chèn ép, tước đoạt ruộng đất, tài sản làm cho nhiều địa chủ nhỏ khánh kiệt gia tài, rơi vào tầng lớp lao động... Sự phân hóa xã hội đã dẫn đến mâu thuẫn dân tộc và giai cấp ngày càng gay gắt, quyết liệt và đòi hỏi phải được giải quyết. Đó chính là yêu cầu tất yếu khách quan của cách mạng dân tộc và cách mạng XH trên địa bàn Thọ Xuân.