Bà chúa Trầm - người phụ nữ gắn liền với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn
Vương triều Lê tồn tại 361 năm, từ tay không mà vùng dậy, gian khổ 10 năm, có lúc chỉ còn vài trăm quân mà vẫn bền gan chiến đấu cho đến khi toàn thắng là bởi “Lê Lợi đánh giặc chỉ có dân” (lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với Tỉnh ủy và Nhân dân Thanh Hóa, tháng 4-1977). Trong đó, không thể không kể tới công lao của những người phụ nữ góp phần vào sự nghiệp chiến đấu và gây dựng cơ đồ nhà hậu Lê.
Những câu chuyện về vai trò và vị trí của phụ nữ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đều biểu lộ tinh thần yêu nước, tích cực tham gia chiến đấu với nghĩa quân; chăm sóc, bảo vệ chủ soái. Đó là những bà già ở đền Tép, ở Vân Am, ở Hoằng Hóa, ở ngã ba Si, ở cánh đồng Thạc... giúp Lê Lợi và binh sĩ một bữa cơm khi đói lòng, che chở cho Lê Lợi thoát nạn truy lùng của địch, hoặc làm dấu hiệu chỉ cho nghĩa quân đến nơi an toàn. Hơn hết phải kể đến những người phụ nữ gần kề với Vua Lê Lợi từ thuở gian khó đến khi đứng “trên cả thiên hạ”. Đó là Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người vợ tào khang, là “chúa của cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”. Câu chuyện bà sẵn lòng làm việc hiến tế, nhảy xuống sông trầm mình để bảo toàn tính mạng cho quân sĩ đang bị thủy thần gây sóng gió, đòi phải cung tiến người đẹp. Đó là người vợ đầu tiên của Lê Lợi, thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, nội tướng cai quản mọi việc từ khi còn ở trang Lam Sơn đến lúc vào trong cung. Suốt 10 năm theo chồng chinh chiến, biết bao công sức của bà đã góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đến thắng lợi. Dù sau này với những biến thiên của số phận, bà không được phong là hoàng hậu, nhưng bà vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân, cuộc đời và công lao của bà “xứng đáng được xếp vào hàng Bình Ngô khai quốc công thần triều Lê - bậc quốc mẫu” (theo PGS. Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Lê Lợi con người và sự nghiệp, NXB Thanh Hóa, 2008).
Bắt đầu dựng cờ khởi nghĩa từ năm 1418, đến khi giành lại độc lập, tự chủ cho nước Đại Việt và dựng lên triều hậu Lê năm 1428, sách “Lam Sơn thực lục” ghi rõ Vua Lê không định vị cho các bà vợ, ai là vợ cả, vợ lẽ. Tuy vậy, với những công lao của những người phụ nữ thời Lam Sơn dựng nghĩa rất nhiều người trở thành nhân vật trong thần tích. Theo PGS. Vũ Ngọc Khánh: Có bao nhiêu phần thật và bao nhiêu phần tưởng tượng trong những huyền thoại này, chắc không cần phải cân nhắc. Chỉ có điều đáng lưu ý: Số chuyện dân gian có nhân vật chính là phụ nữ tham gia nghĩa quân Lam Sơn, hỗ trợ cho Lê Lợi, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong kho tàng chung, đồng thời vượt hẳn lên so với những mẫu chuyện tương tự ở trường hợp nhiều lãnh tụ, anh hùng khác.
Rất nhiều phụ nữ đã góp sức cho nghĩa quân Lam Sơn trong giai đoạn 10 năm gian khổ chống giặc Minh: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi huyện quân không một đội” (Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi) ít được chính sử hoặc các tư liệu lịch sử chép lại, trong đó có bà chúa Trầm (Chầm), người làng Chầm, xã Phùng Giáo, tổng Vân Am (nay thuộc xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc).
Tương truyền, do bị giặc vây hãm, nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn đã phải rút lên vùng núi phía Tây. Một trong những lần đóng quân ở đây, Bình Định vương Lê Lợi đã gặp bà Trầm là một cô gái hiền lành, phúc hậu. Tại đây, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã được mẹ con bà Trầm giúp đỡ rất nhiều về lương thảo, nơi ăn chốn ở che mắt quân giặc.
Cảm phục trước tấm lòng vì nước, vì dân, vì chủ soái Lê Lợi, ông đã lấy bà làm thiếp, đồng thời chiêu nạp được rất nhiều người ở địa phương tham gia nghĩa quân. Sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, định đô tại Đông Kinh (kinh thành Thăng Long), phong bà làm hoàng phi và đưa bà ra ở kinh thành, cùng các cung phi khác.
Một lần về thăm quê và làm giỗ cho mẹ, bà đã dùng thuyền rồng lớn, ngược sông Âm về quê. Thuyền chở bà cùng cả đoàn dọc sông Âm, đến đoạn Hón Vắng không may bị bão đánh chìm và bà đã mất tại đây.
Anh Lê Trung Thành, trưởng làng Chầm, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc) cho chúng tôi biết: Để tưởng nhớ đến công lao của bà đối với dân, với nước, Vua Lê Thái tổ đã cho Nhân dân dựng đền thờ tại nơi bà mất, gọi là đền thờ Bà chúa Trầm, tôn bà là vị thần bảo vệ che chở cho dân làng. Ở làng Chầm hiện có 2 điểm thờ phụng bà. Một là đền thờ bà chúa Trầm, nơi bà sinh ra. Và ở phía bờ bên kia sông Âm, nơi bà mất cũng có một điểm thờ bà. Ngoài ra thi hài bà được an táng trên ngọn đồi cao, gọi là đồi Lăng.
Trải qua các triều đại, bà đã được ban nhiều sắc phong, nhưng do chiến tranh loạn lạc, các sắc phong đó đã không còn. Hiện nay UBND xã Phùng Giáo còn lưu giữ duy nhất bản sắc phong niên hiệu Bảo Đại (năm 1934), phong bà là: “Cung phi tiên bà”, mỹ tự “Trinh Uyển tôn thần” (vị thần có tấm lòng trung trinh) và giao cho Nhân dân “Chòm Chầm (làng Chầm), xã Phùng Giáo, tổng Vân Am, châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thờ phụng vị cung phi tiên bà Tôn Thần, là vị thần đã bảo vệ đất nước, che chở cho Nhân dân rất là linh thiêng”.
Khảo tả di tích khẳng định đền thờ Bà chúa Trầm được xây dựng vào thế kỷ XVI - XVII. Đến những năm 1958-1960, trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan, người dân đã phá dỡ ngôi đền cổ, đem chân tảng làm những công trình phúc lợi. Vết tích ngôi đền cũ sau này chỉ còn lại một số chân tảng bằng đá, cùng với một số đồ thờ.
Để tưởng nhớ công lao của bà, năm 1997 Nhân dân địa phương cùng dòng họ Lê đã đứng ra quyên góp tiền để dựng lại ngôi đền mới trên nền đất cũ và thờ phụng bà. Không chỉ bà Trầm có tấm lòng vì nước, vì dân, hết lòng giúp đỡ quân sĩ, làng Chầm cũng là địa phương tham gia, góp công sức cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi. Từ xa xưa đến nay, người dân làng Chầm sống chủ yếu bằng nghề lúa nước và trồng rừng. Ông Lê Trung Thành cho biết thêm: Làng Chầm hiện có 128 hộ với 519 nhân khẩu, đời sống bà con ngày càng khá hơn. Tính đến hết năm 2022 thu nhập bình quân của người làng Chầm là gần 40 triệu đồng/năm.
Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, Nhân dân làng Chầm còn chú trọng giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là nhắc nhớ thế hệ trẻ không quên những công lao dựng làng, dựng nước của các bậc tiền nhân. Theo chia sẻ của người dân, đền thờ Bà chúa Trầm nổi tiếng linh thiêng, người thành tâm cầu gì được nấy. Vì thế, hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch, dòng họ Lê và bà con Nhân dân vẫn tề tựu về đây làm giỗ bà.
Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Phùng Giáo, cho biết: Trên địa bàn xã có 2 di tích cấp tỉnh là đền thờ Bà chúa Trầm và đền thờ Lê Lâm. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với sự kết nối các địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, như: Bãi tập của nghĩa quân Lam Sơn, hang Bàn Bù, hang Sáng... đây sẽ là những địa chỉ văn hóa du lịch được mọi người đến tìm hiểu và tham quan.
Đến nay, sau gần 600 năm kể từ khi Lê Lợi lên ngôi vua, nhiều câu hỏi về cuộc đời và số phận của những người phụ nữ gắn liền với nghĩa quân Lam Sơn có thể vẫn chưa được trả lời thỏa đáng, song công lao của họ đã được chính Lê Lợi và các hậu thế ghi nhận và tôn vinh.
(Baothanhhoa.vn)
- Về Yên Trường vui hội làng truyền thống
- Bà chúa Trầm - người phụ nữ gắn liền với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn
- Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 1): Vẻ đẹp và giá trị của quần thể di tích quốc gia đặc biệt
- XÂY DỰNG, BẢO VỆ HẬU PHƯƠNG, CHI VIỆN TIỀN TUYẾN GIÀNH THẮNG LỢI QUYẾT ĐỊNH (1947-1954)
- Phần mở đầu
- ĐẤU TRANH THÀNH LẬP VÀ KHÔI PHỤC ĐẢNG TIẾN TỚI CAO TRÀO DÂN SINH, DÂN CHỦ (1930-1939)
- PHÁT TRIỂN CƠ SỞ ĐẢNG, PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO PHẢN ĐẾ CỨU QUỐC, TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN (1940-1945)
- CHỐNG THÙ TRONG GIẶC NGOÀI, GIẶC ĐÓI, GIẶC DỐT, BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (8-1945 - 12-1946)
- 1.
Quỹ Tín dụng nhân dân Thọ Hải: Hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid 19
- 2.
Huyện Thọ Xuân đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 3.
Huyện Thọ Xuân: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.
- 4.
Bánh gai tứ trụ
- 5.
Huyện Thọ Xuân: Khơi nguồn tài nguyên văn hóa cho du lịch phát triển