Những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Đăng lúc: 17/08/2024 (GMT+7)
100%

- Trên quê hương Thanh Hóa, nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng ghi dấu thời kỳ lịch sử về giai đoạn đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào của thế hệ trẻ.

 177d4091607t86887l0.jpg

Khu di tích chiến khu du kích Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành).

Ngược dòng thời gian...

Lật giở những trang sử hào hùng của quê hương Thanh Hóa giai đoạn 1930-1945, tháng 6/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa ra đời tại làng Hàm Hạ (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn); tháng 7/1930, Chi bộ Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Yên Trường (Thọ Xuân) được thành lập. Ngày 29/7/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập tại làng Yên Trường (Thọ Xuân). Từ đây, giai cấp công nhân có đội tiên phong của mình trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thanh Hóa. Ngày 19/9/1941, tại chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), đội du kích Ngọc Trạo - lực lượng vũ trang đầu tiên của Nhân dân Thanh Hóa ra đời, đánh dấu bước ngoặt chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 24/7/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân diễn ra ở Hoằng Hóa đã thắng lợi trọn vẹn, thúc đẩy các địa phương trong tỉnh đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước.

Cách đây 79 năm, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8/1945, đoàn Cứu quốc quân đầu trần chân đất, bắp chân quấn xà cạp, vai đeo mã tấu, mác, đội ngũ chỉnh tề... từ Thiệu Hóa qua Rừng Thông theo đường dốc Ga tiến về quảng trường, bến xe ô tô (khu ngã 5 trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa hiện nay). Tự vệ và Nhân dân các huyện Quảng Xương, thị trấn Sầm Sơn kéo lên, Nông Cống cùng ra. Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa kéo sang... Người thành phố về tập trung đứng chật cả quảng trường... Ngày 23/8/1945 là ngày hội lớn của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày hoàn toàn chấm dứt ách nô lệ ngoại bang, ngày khẳng định quyền làm chủ đất nước của Nhân dân Thanh Hóa - một bộ phận đất đai thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa được kế thừa phát triển trong thời kỳ có Đảng lãnh đạo. Từ những bài học kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân góp phần làm nên các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Về những nơi in dấu khởi nghĩa giành chính quyền

Trên quê hương Thanh Hóa anh hùng, nhiều di tích lịch sử cách mạng ghi đậm dấu ấn của từng thời kỳ lịch sử cách mạng. Mỗi di tích gắn với mỗi làng, xã trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay. Tiêu biểu về lịch sử Thanh Hóa ở giai đoạn trước năm 1945 có thể nhắc đến cụm di tích Hàm Hạ (khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, Đông Sơn); khu di tích cách mạng Yên Trường (xã Thọ Lập, Thọ Xuân); cụm di tích cách mạng xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa); di tích đình Ngô Xá (thị trấn Hậu Hiền, Thiệu Hóa); chiến khu du kích Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo, Thạch Thành); di tích lịch sử văn hóa và cách mạng đình Liên Châu, đình Hoàng Chung (xã Hoằng Châu, Hoằng Hóa); khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (xã Xuân Lộc, Hậu Lộc)...
177d4091648t41113l0.jpg

Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng đình Liên Châu - nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác văn hóa, ông Lê Ngọc Giới, công chức văn hóa xã hội xã Hoằng Châu tự hào giới thiệu và dẫn chúng tôi về thăm đình Liên Châu (thôn Giang Hải) - di tích lịch sử văn hóa và cách mạng cấp quốc gia. Ngôi đình bình yên với không gian thoáng đãng, trước đình có ao sen thơm ngát, bên sân đình có 2 cây muỗm cổ thụ hơn 200 năm tuổi. Đình Liên Châu, xã Hoằng Châu là nơi thờ Thành hoàng Tiến sĩ Đào Thành - người có nhiều công trạng dưới thời Lê và đây cũng là một cơ sở cách mạng, nơi chuẩn bị và đấu tranh kháng Nhật năm 1945. Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Hoằng Hóa (ngày 24/7/1945), tại ngôi đình đã diễn ra cuộc mít tinh lớn của toàn thể tự vệ tổng Bái Trạch, kêu gọi toàn dân chống khủng bố, đàn áp của Nhật và chính quyền tay sai. Ngày 15/8/1945, tại đình Liên Châu, Ủy ban Dân tộc giải phóng huyện Hoằng Hóa lập tòa án dân sự, xét xử những tên Việt gian, chỉ điểm cho giặc, cùng những tên lưu manh trong và ngoài xã. Qua những sự kiện lịch sử, cụm đình đền Liên Châu không chỉ là trung tâm văn hóa sinh hoạt, mà còn là trung tâm đấu tranh cách mạng, dẫn đầu trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, với những giá trị lịch sử đình Liên Châu luôn được bảo tồn, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm đến sinh hoạt văn hóa tâm linh vô cùng quan trọng của bà con Nhân dân xã Hoằng Châu nói riêng, huyện Hoằng Hóa nói chung.

Đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa), cho biết: Trên địa bàn xã còn di tích lịch sử văn hóa và cách mạng đình Hoàng Chung. Đình thờ thành hoàng làng có tên là Lê Văn Phú, người có công đắp đập, ngăn sông, giữ nước, đăng đó, tôm cá, hoa lợi cho dân làng... Nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh ác liệt, chống Nhật và lính bảo an khủng bố, mở đầu sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hoằng Hóa thắng lợi vào ngày 24/7/1945.

Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hoằng Châu đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương, chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Tháng 4/2024, xã Hoằng Châu vinh dự tổ chức lễ công bố đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo;Baovhds