Một số kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 25/07/2023 (GMT+7)
100%

- Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh.

 205d2131955t3430l7-image001.jpg
Qua đó nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy lý luận, năng lực tổng kết và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đẩy lùi suy thoái, đạo đức lối sống, không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các cấp ủy đảng đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc đổi mới nội dung, phương thức, hiệu quả của công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được chú trọng và đạt nhiều kết quả.
205d2132006t6169l4-image002.jpg

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tham dự lễ khai giảng bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Các ban, sở, ngành, trường đại học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai nghiên cứu nhiều đề tài, đề án; tổ chức các hội thảo khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn cao, góp phần khẳng định giá trị bền vững, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ hơn con đường đi lên CNXH của nước ta. Cụ thể như: Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới”, “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”…; Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn giai đọan 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; Hội thảo “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”; “70 năm Bác Hồ viết tác phẩm Dân vận - ý nghĩa lý luận và thực tiễn”; “Giải pháp phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Xây dựng các giá trị chuẩn mực từ việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay”...

Công tác nghiên cứu lý luận được cấp ủy các cấp quan tâm. Việc nghiên cứu đã tập trung nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh và những điều kiện lịch sử cụ thể của tỉnh, góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu của thời đại và đất nước. Kết quả nghiên cứu lý luận là những luận cứ khoa học phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của tỉnh; góp phần xây dựng và phát huy những chuẩn mực giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức trong toàn Đảng bộ, làm cơ sở cho việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, giải đáp những vấn đề giữa lý luận và thực tiễn đặt ra trong cuộc sống.

Hàng năm, ở cấp tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo mở từ 2 đến 3 lớp cho trên 1.000 lượt cán bộ chủ chốt của tỉnh về các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức mới. Giảng viên là các chuyên gia cao cấp trên các lĩnh vực ở Trung ương. Các Đảng bộ trực thuộc tỉnh cũng chủ động mời các giảng viên là những chuyên gia cao cấp của Trung ương về giới thiệu các chuyên đề cho cán bộ chủ chốt, như: Thạch Thành, Nông Cống, Thọ Xuân, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Lang Chánh, Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh... nhằm nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn, định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Căn cứ tình hình thực tế, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị lựa chọn nội dung và tổ chức tổng kết, nghiên cứu những mô hình mới, cách làm hay khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để chuẩn bị cho việc ban hành mới các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, đơn vị.

Công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được triển khai bằng nhiều hình thức như: Học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động giảng dạy, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân trong hệ thống trường học phổ thông; các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; trong hoạt động của Trường Chính trị tỉnh; hệ thống Trung tâm chính trị cấp huyện, trong hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục của hệ thống tuyên giáo các cấp, các đoàn thể chính trị... Trên cơ sở chương trình, giáo trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, theo chức năng, nhiệm vụ, từng hệ thống tổ chức đã hướng dẫn, tổ chức tập huấn, tạo điều kiện giảng dạy thống nhất, đạt chất lượng tốt.
205d2132024t2460l6-image003.jpg

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn tỉnh chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong sự nghiệp cách mạng, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh.

Công tác tuyên truyền được triển khai hiệu quả đến cán bộ, đảng viên, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch cá nhân về học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác trong thực tiễn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong nghiên cứu, học tập lý luận chính trị. Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng mô hình mới, gắn lý luận với thực tiễn. Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ được quan tâm đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, như: Tổ chức các buổi tọa đàm, các câu lạc bộ, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận trên mạng Internet; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, Fanpage, Group, Facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
205d2132042t34577l0.jpg

Vòng thi cấp tỉnh Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” - năm 2023

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả tốt; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền lý luận chính trị, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được chú trọng, đổi mới, sáng tạo. Công tác nắm bắt, đánh giá tình hình tư tưởng, dư luận xã hội được triển khai sâu rộng; công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội được tăng cường với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; kịp thời tuyên truyền, định hướng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Từ thực tiễn trong việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên gắn với thực tiễn cơ sở, địa phương, đơn vị.

Hai là, trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, cần phải kết hợp đồng bộ với quá trình tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, đồng thời gắn với các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị. Thể chế hóa nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW vào chương trình hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, khuyến khích tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp Nhân dân.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng. Phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Coi trọng việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ có trình độ cao làm công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở các cấp, thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)