Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển thịnh vượng (Bài 2): Khơi sức mạnh nội sinh cho phát triển

Đăng lúc: 18/10/2023 (GMT+7)
100%

- Khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh cho phát triển, là khẳng định vai trò nền tảng của văn hóa và tạo đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, khơi dậy tiềm lực mạnh mẽ để xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

 177d3093522t85308l0.jpg

Lễ hội Lam Kinh 2023. Ảnh: Khôi Nguyên

Truyền thống lịch sử, văn hóa là nền tảng

Thanh Hóa là vùng đất có lịch sử phát triển từ rất sớm và là một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam. Từ thời tiền sử, nơi đây đã có người Việt cổ sinh sống, với các dấu vết đã được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Núi Ðọ. Thanh Hóa cũng là vùng đất đại diện cho nền văn hóa thời kỳ đồ đồng (văn hóa đồ đồng lưu vực sông Mã), tiêu biểu với di chỉ Cồn Chân Tiên (Hoa Lộc). Sau thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu và văn hóa Gò Mun, vùng đất Thanh Hóa là một trong những đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ của người Việt, với trống đồng Đông Sơn - di vật nổi tiếng được phát hiện tại làng Đông Sơn (TP Thanh Hóa).

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa khi tìm hiểu về vùng đất xứ Thanh đều thống nhất rằng, Thanh Hóa là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ (Tiền Lê, Hồ, Lê sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn) và là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. PGS.TS Trần Thị An khẳng định: Để nói về các vùng và tiểu vùng văn hóa Việt Nam, khái niệm “địa linh nhân kiệt” có thể dùng cho nhiều nơi, nhưng xứ Thanh thực sự đặc biệt bởi đây là vùng đất phát tích của “tam vương nhị chúa” - những người làm nên những bước ngoặt lịch sử, định hình diện mạo lịch sử dân tộc trong những thời đoạn phục hưng vĩ đại, đồng thời, cũng tạo nên những sóng gió dữ dội trong các thời kỳ tao loạn của lịch sử dân tộc.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa khi tìm hiểu về vùng đất xứ Thanh đều thống nhất rằng, Thanh Hóa là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ (Tiền Lê, Hồ, Lê sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn) và là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh.

Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ chính sử từ thời cổ - trung đại đến thời cận hiện đại. Không chỉ có truyền thống lịch sử lâu dài, gắn liền với quá trình hình thành quốc gia - dân tộc, Thanh Hóa còn từng là “kinh sư chi thượng đô” của đất nước. Đó là Tây Đô - Thành Nhà Hồ; là Lam Kinh - “kinh đô tưởng niệm”, đất dựng cơ nghiệp của vua Lê Thái tổ; là Yên Trường hành tại của nhà Lê hồi đầu Trung hưng. Không chỉ là nơi “khí thiêng chung đúc” sinh ra nhiều bậc quân vương, hiền nhân quân tử, anh hùng hào kiệt; mà xứ Thanh còn có “mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông...” với nhiều cảnh đẹp ở nơi xung yếu.

Theo PGS.TS Vũ Duy Mền: Tỉnh Thanh Hóa có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng ở khu vực miền Bắc Việt Nam. Từ thuở khai nguyên, Thanh Hóa luôn đồng hành cùng lịch sử lâu dài, vẻ vang của dân tộc. Thanh Hóa là nơi còn lưu giữ dấu tích người Núi Đọ mấy chục vạn năm về trước; nơi phát lộ và là trung tâm của văn hóa Đông Sơn, văn hóa đồ đồng rực rỡ, với trống đồng Đông Sơn đặc sắc, không những nổi tiếng ở trong nước mà cả ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới... Các triều đại Lê, Trịnh, Nguyễn đã ghi dấu ấn rất sâu đậm trong tiến trình lịch sử bảo tồn và phát triển quốc gia Đại Việt, Đại Nam ngày một cường thịnh... Thời cận đại, Thanh Hóa tham gia phong trào Cần Vương, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Ba Đình, thể hiện tinh thần chiến đấu chống Pháp quật cường của nghĩa quân. Thời hiện đại, hàng vạn người con ưu tú của Nhân dân Thanh Hóa đã trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhân dân Thanh Hóa cùng với cả nước đã và đang góp phần to lớn, quyết định vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Trải qua quá trình lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, Thanh Hóa với vị trí thuận tiện vào Nam ra Bắc, nối liền miền xuôi với miền ngược, đất đai rộng rãi từ rừng ra đến biển, sản vật phong phú đã trở thành một vùng đất tụ hội, giao lưu văn hóa - kinh tế - xã hội, nơi phát tích của nhiều cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng đất nước gắn liền với lịch sử dân tộc đến nay còn lưu giữ hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử, nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như đúc đồng, chạm khắc đá, đan mây, dệt chiếu. Cư dân đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc hòa quyện với văn hóa vùng lưu vực sông Mã có nét giao thoa văn hóa Bắc bộ và Trung bộ, tạo nên văn hóa xứ Thanh với con người ý chí mạnh mẽ, cần cù, khéo tay, hiếu học và năng động là nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn lực con người quý giá cho xây dựng và bảo vệ quê hương Tổ quốc của Thanh Hóa.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu của sự phát triển, đồng thời là thước đo chất lượng cuộc sống của con người. Do đó, nếu chỉ chú trọng phát triển kinh tế, mà “bỏ quên” vai trò của văn hóa hay không chăm lo phát triển văn hóa, thì vô hình trung đã đánh mất đi nền tảng căn bản và quan trọng cho sự phát triển bền vững. Nắm bắt rõ vai trò quan trọng của văn hóa, những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa. Nhờ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế được nâng lên.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu của sự phát triển, đồng thời là thước đo chất lượng cuộc sống của con người. Do đó, nếu chỉ chú trọng phát triển kinh tế, mà “bỏ quên” vai trò của văn hóa hay không chăm lo phát triển văn hóa, thì vô hình trung đã đánh mất đi nền tảng căn bản và quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường, đã xây dựng và ban hành được một số cơ chế, chính sách quan trọng để phát triển văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đạt kết quả tốt. Công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy giá trị, sức mạnh con người Thanh Hóa đã được quan tâm; hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa được chăm lo xây dựng và quảng bá rộng rãi, gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động văn hóa cơ sở được quan tâm tổ chức với nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ở nhiều vùng, miền được nâng lên rõ rệt. Hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội được quan tâm thực hiện đồng bộ; đã chú trọng hơn xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế...

Con người là cội nguồn sức mạnh...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của Nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”! Thấm nhuần tư tưởng của Người, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang ra sức bảo vệ, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Đồng thời, tích cực vun đắp các giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cũng như xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Thanh Hóa trong bối cảnh hiện nay.
177d3093743t21598l0.jpg

Hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi đã và đang góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân xã Dân Lực (Triệu Sơn).

Với quan điểm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đã nhấn mạnh: Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa, gắn liền với chính trị, kinh tế - xã hội để văn hóa, con người thực sự trở thành sức mạnh nội sinh phục vụ phát triển bền vững của tỉnh. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Thanh Hóa gắn liền với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, có văn hóa hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, hướng đến các giá trị Chân, Thiện, Mĩ, giàu sắc thái văn hóa xứ Thanh trên cơ sở phát huy hiệu quả giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của tỉnh và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; hoàn thiện các chuẩn mực về giá trị văn hóa, con người Thanh Hóa trên cơ sở hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, đồng bộ từ trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống thể chế, thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa để văn hóa, con người Thanh Hóa thực sự là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Phấn đấu đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

... trước hết và quan trọng nhất là phải xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và tiêu chí “Công dân kiểu mẫu” của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trước hết và quan trọng nhất là phải xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và tiêu chí “Công dân kiểu mẫu” của tỉnh. Trong đó, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện các mặt Đức, Trí, Thể, Mĩ và kỹ năng sống. Chẳng hạn, các phẩm chất, đức tính đẹp của người Thanh Hóa gắn với các giá trị cơ bản như lòng yêu nước, tự hào, tự tôn về quê hương, dân tộc; đoàn kết, cương trực, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, khiêm tốn, dũng cảm, bao dung, rộng lượng; sống cần, kiệm, liêm, chính; có lý tưởng và khát vọng cống hiến; có trách nhiệm và lòng trắc ẩn, biết sống vì mọi người; có dũng khí đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, biết tôn vinh, nhân lên cái đẹp, cái tốt trong xã hội... (Đức). Cùng với đó là có tri thức về tự nhiên và xã hội, nhất là kiến thức về lịch sử, văn hóa; có sức khỏe cả về thể chất và tinh thần; có tư duy và năng lực cảm thụ cái đẹp; có khả năng thích ứng tích cực với cuộc sống, tự tin, tự lập, có kỹ năng làm việc tập thể hiệu quả... tương ứng với các tiêu chí về Trí, Thể, Mĩ và kỹ năng sống.

Suy cho cùng, xác định văn hóa, con người là nền tảng, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững, thì trước hết và trên hết là phải chăm lo phát triển văn hóa và xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, mà trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc và tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa quê hương, dân tộc. Có như vậy mới thắp lên trong mỗi người dân xứ Thanh một “trái tim Đankô” - trái tim tràn đầy nhiệt huyết yêu thương, tự hào để sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì tương lai phát triển thịnh vượng của quê hương, đất nước.

Theo;(Baothanhhoa.vn)