Khi không còn danh hiệu “Học sinh tiên tiến”

Đăng lúc: 29/05/2023 (GMT+7)
100%

- Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20-7-2021, quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, có hiệu lực từ ngày 5-9-2021. Thông tư này thay thế cho Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT trước đây. Theo đó, sẽ không còn khen tặng danh hiệu “Học sinh tiên tiến” mà chỉ còn “Học sinh xuất sắc” và “Học sinh giỏi”. Thông tư 22 được thực hiện theo lộ trình. Năm học 2022-2023, áp dụng với học sinh lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo Trần Thị Thúy Nga, dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Triệu Sơn 5 (Triệu Sơn)
177d4161343t5797l9-21.jpg 

Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 10C4, gồm 46 học sinh. Kết thúc năm học 2022-2023, lớp có 14 học sinh đạt học lực Tốt, 30 học sinh Khá, 2 học sinh Đạt. Trong đó có 3 học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc; 11 học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi. Nếu theo Thông tư 58, thì lớp sẽ có 44 học sinh được khen thưởng. Nhưng theo Thông tư 22, số học sinh được khen thưởng là 14.

Vì năm đầu tiên thực hiện Thông tư 22 đối với khối THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (hiện học sinh khối 11 và 12 vẫn được đánh giá, xếp loại theo thông tư cũ) nên học sinh khối 10 có phần “thiệt thòi” hơn một chút.

Những học sinh có học lực khá, kể cả phụ huynh sau khi biết thông tin, thực tế cũng có buồn vì sau một năm cố gắng các em không được xét danh hiệu gì. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều đó cũng hợp lý để các em có mục tiêu phấn đấu cao hơn, nỗ lực hơn nữa ở những năm học tiếp theo. Chúng ta đánh giá học sinh khách quan, công bằng, chính xác và chú trọng vào sự tiến bộ của các em, do vậy, danh hiệu không phải là mục tiêu cuối cùng. Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta “cào bằng” trong đánh giá.

Ở lớp tôi, ngay từ đầu năm, đã xây dựng quỹ khuyến học riêng của lớp để khen thưởng trong suốt năm học. Vì vậy, với những học sinh đạt học lực khá, lớp sẽ nghiên cứu và xây dựng hình thức khen thưởng, động viên riêng, phù hợp với mức độ cố gắng nỗ lực của từng bạn.

Thầy giáo Phạm Xuân Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn)
177d4161359t5904l1-22.jpg

Theo thông tư mới, học sinh được đánh giá học lực tốt sẽ phải đạt điểm 8 ít nhất 6 môn trên tổng số 8 môn có đánh giá điểm số, không phân biệt môn nào, các môn còn lại không dưới 6,5 điểm. Đồng nghĩa với việc, coi các môn học như nhau. Không phải cứ giỏi Toán, Ngữ Văn là học sinh giỏi.

Lên THPT, tính phân hóa, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Điều này thể hiện đúng tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông mới là giáo dục hướng tới cá nhân hóa để học sinh có thể phát huy hết năng lực của bản thân ở mọi lĩnh vực và được đánh giá công bằng như nhau.

 

Thầy giáo Lê Văn Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Tú (Cẩm Thủy)
177d4161325t5325l2-20.jpg

Năm học 2022-2023, Trường THCS Cẩm Tú có 408 học sinh. Kết quả đánh giá cuối năm học, ở khối 6 và 7 Chương trình Giáo dục phổ thông mới, áp dụng Thông tư 22 chỉ có 20% học sinh được khen thưởng. Còn khối lớp 8 và 9 đang theo học chương trình cũ (đánh giá xếp loại theo Thông tư 58) thì tỷ lệ học sinh được khen thưởng chiếm 57,8%.

Thông tư 22 ban hành có rất nhiều ưu điểm trong kiểm tra đánh giá và nhất là xếp loại đối với học sinh, đảm bảo tính chính xác, toàn diện, công bằng và khách quan, trung thực; coi trọng sự tiến bộ và hướng tới động viên, khuyến khích học sinh.

 

Xét theo quy định của Thông tư 22, đối với học sinh học lực khá ở khối 6 và 7 sẽ không được khen thưởng nhưng nhà trường vẫn động viên, khích lệ học sinh bằng học sinh tiên tiến của khối 8 và 9, chỉ khác là không có giấy khen.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)