Lời Bác năm xưa: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”

Đăng lúc: 27/03/2023 (GMT+7)
100%

Hình ảnh bước chân Người nhanh nhẹn, thoăn thoắt đi thăm trận địa, kéo lưới cùng ngư dân, tát nước cùng nông dân… tất cả điều đó để lại cho chúng ta ý niệm đẹp đẽ, sống động và sâu sắc về một trí tuệ mẫn tiệp, ý chí bền bỉ kết hợp với sức khỏe dẻo dai của vị lãnh tụ kính yêu – một tấm gương về thực hành rèn luyện thể chất.

 
a2.jpg
Bác Hồ tập thái cực quyền trong thời gian làm việc tại Việt Bắc.

Những ngày này, trong không khí cả nước đang sôi nổi tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 77 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2023), chúng ta lại nhớ về lời Bác dạy năm xưa: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”.

Đây là câu trích trong bài viết “Sức khỏe và thể dục” đăng trên Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27-3-1946, khi chính quyền non trẻ của Nhân dân mới được thành lập. Đọc lại những dòng này, chúng ta thêm nhớ hình ảnh của người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm thày giáo dạy thể dục, chữ Quốc ngữ, chữ Hán ở trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), đã lồng ghép các bài học vào trò chơi ném bóng trên bãi biển. Nhớ lời bài thơ “Mới ra tù, tập leo núi” của Người trong những ngày bị Quốc dân Đảng giam lỏng ở Liễu Châu (Trung Quốc) những ngày tháng 9-1943, nói lên ý chí rèn luyện sức khỏe và nỗi khắc khoải mong ngóng ngày được trở về phục vụ cách mạng, phụng sự Nhân dân. Hay hình ảnh rất dỗi thân thương về vị lãnh tụ cởi trần luyện tập võ nghệ, mặc áo ba lỗ chơi bóng chuyền cùng cán bộ, chiến sĩ những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Để thỏa ước mong được đi thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam, Bác đã tích cực rèn luyện sức khỏe, như lời đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Người, cho biết: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10 km, có hôm tăng lên 20 km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25 kg”.

a3.jpg

Bởi phong cách nói đi đôi với làm “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập” mà “Những tháng cuối nǎm 1944 đầu nǎm 1945, do yêu cầu của công việc, bằng đôi chân đi bộ là chính, Bác đã thực hiện cuộc hành trình hàng nghìn cây số qua các chặng đường Liễu Châu - Cao Bằng - Côn Minh (Trung Quốc)”. Năm 1958, trong dịp sang thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cutapmina cao 73 mét và vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ, khiến Nhân dân thủ đô New Delhi thán phục…

Rồi hình ảnh bước chân Người nhanh nhẹn, thoăn thoắt đi thăm trận địa, kéo lưới cùng ngư dân, tát nước cùng nông dân, tăng gia sản xuất cùng chiến sĩ… tất cả điều đó để lại cho chúng ta ý niệm đẹp đẽ, sống động và sâu sắc về một trí tuệ mẫn tiệp, ý chí bền bỉ kết hợp với sức khỏe dẻo dai của vị lãnh tụ kính yêu – một tấm gương về thực hành rèn luyện thể chất.

a4.jpg

Trở lại với bài viết của Người, “Ngày ngày tập luyện thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới...” – ngày nay đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trở thành các phong trào toàn dân. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thể dục, thể thao đã đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển hệ thống quan điểm, tư tưởng, xây dựng tổ chức và kế hoạch, lộ trình cho nền thể thao cách mạng. Là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành thể dục-thể thao nước nhà, để từng bước phát huy tố chất, tiềm năng, thế mạnh của con người Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế, góp phần làm rạng danh vị thế quốc gia, dân tộc. Đồng thời, là nguồn cảm hứng để mỗi người, mỗi nhà hăng hái tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, như chính nghĩa đen trong lời Người: “Dân cường thì quốc thịnh”.

                                                                                (Baothanhhoa.vn)