Đạo thầy - trò và truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Vào mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) trên khắp mọi miền đất nước, các thế hệ học trò lại gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những bông hoa tươi thắm đến các thầy giáo, cô giáo với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo” - một bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc Việt Nam.
Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. Mang ơn thầy là bổn phận của người học, bởi “không thầy đố mày làm nên”. Thế nên, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Đạo lý thầy - trò, “tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của Nhân dân ta. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh. Vì lẽ đó, trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục - đào tạo lại được coi là quốc sách hàng đầu và ngày 20/11 hằng năm trở thành ngày hội lớn để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.
Cô, trò Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc) trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Phong Sắc
Trong xã hội phong kiến, với nền giáo dục “cửa Khổng, sân Trình”, người thầy có một vị trí rất quan trọng, chỉ ở dưới vua, thậm chí được đặt lên trên cả cha mẹ: Quân - sư - phụ (vua - thầy - cha). Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ “hiếu” và chữ “đạo” của cha ông ta ngày xưa là rất rõ. Đã có không ít câu ca dao, tục ngữ mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy như: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều; muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Lịch sử cũng đã ghi lại, đạo trò xưa không chỉ tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ lớn đối với thầy. Khi ra đường, gặp thầy, học trò phải ngả nón mũ vòng tay chào lễ phép. Lúc thầy già yếu, các đồng môn thường lo sắm cỗ thọ đường (áo quan). Thầy qua đời, trò chung nhau lo việc ma chay và có trách nhiệm với gia đình thầy, với ngày giỗ thầy... Tất cả những việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ lẽ tự nhiên mà không hề vụ lợi, ép buộc.
Cô, trò Trường THCS Quảng Tâm (TP Thanh Hóa).
Ngày nay, truyền thống “tôn sư trọng đạo” không khác xưa về mặt bản chất. Sự kính trọng, lễ phép với người thầy còn nguyên giá trị. Hoạt động giáo dục và đào tạo được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với quan điểm đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hướng tới mục tiêu xây dựng “trường học hạnh phúc”. Trong môi trường giáo dục đó, mối quan hệ thầy - trò không còn gò bó bởi các giáo lý phong kiến mà được dân chủ hơn, gần gũi, cởi mở và thân thiện hơn. Thầy là người truyền lửa đam mê cho học trò, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão. Thầy là người định hướng để học trò khám phá, chinh phục tri thức. Mỗi học sinh không ngừng nỗ lực học tập và luyện rèn như một sự biết ơn sâu sắc đến những người “lái đò” thầm lặng. Điều đó một lần nữa khẳng định, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã ăn sâu trong tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam và được giữ gìn, phát huy qua muôn thế hệ.
Ngành giáo dục Thanh Hóa đã có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua gian khổ “cõng” chữ lên non. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Biết bao thế hệ học sinh luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, bất hạnh và cả những định kiến trong cuộc sống để vươn lên trong học tập và rèn luyện, chiếm lĩnh tri thức hướng tới một tương lai tươi sáng. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh, tự hào về một miền đất “địa linh, nhân kiệt” đã được hun đúc bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Cô, trò Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) trong Ngày nhà giáo Việt Nam.
Thế nhưng, dưới sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những tiêu cực của đời sống xã hội đã và đang làm phương hại đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đâu đó vẫn còn một bộ phận nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề; thậm chí có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong ứng xử học đường... Đâu đó vẫn còn những học sinh vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, xúc phạm thầy, cô giáo... Những biểu hiện tiêu cực này cần phải được loại bỏ để những giá trị tốt đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo” được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lịch sử như một hành trình, để giữ gìn một giá trị văn hóa quý báu, điều đó không phụ thuộc vào thời điểm lịch sử. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Đội ngũ nhà giáo xứ Thanh cần xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Từ trong sâu thẳm, bất kỳ người thầy, cô nào cũng luôn mong học sinh thành đạt, trở thành những người công dân có ích. Vì lẽ đó, các thế hệ học sinh hãy trân trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để truyền thống cao quý ấy luôn là dòng chảy xuyên suốt qua mọi thế hệ, mọi thời đại.
(Baothanhhoa.vn)
- Ấm áp trong ngày đặc biệt
- Vinh quang sứ mệnh “kỹ sư tâm hồn”
- Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý
- Đã cao quý, càng thêm cao quý
- Đạo thầy - trò và truyền thống “tôn sư trọng đạo”
- Quy định mới về điều kiện và thủ tục thành lập trường mầm non
- Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Phát triển mạnh mẽ, sâu rộng phong trào khuyến học, khuyến tài
- Khó đảm bảo quy định sĩ số học sinh tiểu học
- Hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập, năm học 2024-2025
- Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng
- 1.
Quỹ Tín dụng nhân dân Thọ Hải: Hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid 19
- 2.
Huyện Thọ Xuân đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 3.
Huyện Thọ Xuân: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.
- 4.
Bánh gai tứ trụ
- 5.
Huyện Thọ Xuân: Khơi nguồn tài nguyên văn hóa cho du lịch phát triển