Vinh quang sứ mệnh “kỹ sư tâm hồn”

Đăng lúc: 20/11/2024 (GMT+7)
100%

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Vì thế, Người dạy: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

 a10.jpg
Các học sinh lớp 6A6 Trường THCS Lê Lợi (TP Thanh Hóa) chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Ngọc Huấn

Sự khẳng định của Người về vai trò không thể thay thế của người thầy trong sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ, gắn liền với truyền thống “tôn sư, trọng đạo” từ ngàn đời của dân tộc ta. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vị thế của người thầy luôn được xã hội tôn vinh, bởi lẽ “Người thầy là một hình mẫu về đạo lý, về trí tuệ, về nhân cách mà cả xã hội gửi gắm niềm tin”. Vì thế trong xã hội ngày nay, các thầy, cô giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Thuật ngữ “kỹ sư” vốn là một cụm từ chuyên môn dành cho những người làm công việc trí tuệ trong lĩnh vực kỹ thuật, thiết kế, chế tạo máy móc, vật liệu xây dựng... Còn “tâm hồn” là tình cảm, ý nghĩ, phản ánh đời sống tình cảm nội tâm, thế giới bên trong của con người. Vinh danh thầy, cô giáo như “kỹ sư tâm hồn” là khẳng định vị thế, sứ mệnh của người thầy trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, xây dựng, bồi đắp ý nghĩ, tình cảm tốt đẹp và làm giàu trí tuệ, hiểu biết cho học sinh. Một kỹ sư giỏi về thực hành nghề kỹ thuật nào đó có thể thiết kế, chế tạo ra một máy móc tốt hay góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Còn một “kỹ sư tâm hồn” giỏi có thể giáo dục, bồi đắp, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh tốt.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên số hiện nay, khi mà khoa học - kỹ thuật, công nghệ phát triển vừa mang lại sự biến đổi trong đời sống xã hội, vừa tạo ra sự dịch chuyển các định hướng giá trị, thì sứ mệnh “kỹ sư tâm hồn” của người thầy ngày càng được khẳng định. Bởi, người thầy không chỉ đơn thuần đóng vai trò truyền đạt tri thức, mà còn phải là hình mẫu về đạo đức, nhân cách, có tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các thế hệ học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, có những thầy, cô giáo tự đánh mất mình, “quên” mình là “kỹ sư tâm hồn”, tự biến mình trở thành người “bán kiến thức”; hoặc ngộ nhận mình là người có quyền ra uy với học trò, có quyền xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí xâm phạm đến thân thể học trò..., khiến cộng đồng mạng dậy sóng, dư luận xã hội phẫn nộ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế, uy tín của những nhà giáo chân chính.

Kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, với truyền thống “tôn sư, trọng đạo” từ ngàn đời của dân tộc, hình ảnh người “kỹ sư tâm hồn” vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Và, sự vinh danh 133 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 5 vạn cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh tại Lễ vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” lần thứ II, năm 2024, như một lời tri ân của ngành giáo dục và toàn xã hội đến các thế hệ nhà giáo đã, đang nỗ lực hết mình, dành trọn tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”.

(Baothanhhoa.vn) 

Truy cập
Hôm nay:
4243
Hôm qua:
5348
Tuần này:
17044
Tháng này:
127109
Tất cả:
1841871