Về thăm những di tích quốc gia đặc biệt

Đăng lúc: 04/10/2024 (GMT+7)
100%

- Những ngày thu tháng 8, tôi nhẹ bước cùng dòng người về thăm Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Những vạt nắng sớm mai dịu dàng tỏa sáng nghinh môn, chính điện, những tòa thái miếu,... và phảng phất khói hương của dòng người về dâng hương nhân kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

177d4084225t40644l0.jpg 

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Dạo bước mùa thu Lam Kinh

Lam Kinh những ngày vào thu, đẹp, bình yên và linh thiêng. Lam Kinh - một vùng đất thiêng “Địa linh nhân kiệt”, quê hương của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược (1418-1428), cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, hoàng thái hậu triều Lê sơ. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, lập nên vương triều Hậu Lê, đặt tên nước là Đại Việt, đóng ở Thăng Long, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ, phát triển thịnh trị cho quốc gia Đại Việt kéo dài gần 360 năm. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh) và được coi là “Kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long (Đông Kinh). Trải qua hơn 600 năm tồn tại, Lam Kinh có vẻ đẹp văn hóa, lịch sử đặc sắc - quần thể kiến trúc độc đáo với những công trình tiêu biểu như nghinh môn, chính điện, các tòa thái miếu, nơi đây còn có 5 tấm văn bia đã được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng nhiều di vật biểu trưng cho một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử nhà Hậu Lê. Cố đô Lam Kinh cũng là nơi chứa đựng cơ tầng văn hóa dày sâu với những nghi lễ, trò diễn, nhằm thể hiện lòng biết ơn của hậu thế đối với công lao của các bậc tiền nhân... Năm 1962, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Năm 2024, nhằm ưu tiên nguồn lực tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau bão, lũ, tỉnh Thanh Hóa dừng tổ chức một số nội dung của Lễ hội Lam Kinh và chỉ tổ chức hoạt động dâng hương, tuy nhiên khu di tích vẫn thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương về chiêm bái, tham quan di tích, tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, tướng sĩ và Nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trên quê hương Thọ Xuân, còn có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, trong đó Di tích đền thờ Lê Hoàn nằm trên địa bàn xã Xuân Lập được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2018. Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn là một công trình kiến trúc cổ, nằm trong một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự, tưởng nhớ liên quan đến người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn - người sáng lập ra vương triều Tiền Lê và những bậc sinh thành, nuôi dưỡng ông, gồm: Đền thờ Lê Hoàn, nền Sinh Thánh, lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng mộ Lê Đột, đền thờ Thái sư Tống Văn Mẫn. Từ ngoài vào, di tích gồm các hạng mục: Nhà tiếp khách, sân tổ chức lễ hội, hồ sen, nghi môn ngoại, đường vào nghi môn nội (hai bên có miếu văn và miếu võ), nhà bia, nghi môn nội, sân đền, đền chính... Đền thờ Lê Hoàn được kết cấu theo hình chữ công, gồm 3 cung (tiền đường, trung đường, hậu cung) mang đặc trưng cho văn hóa thời Tiền Lê. Đền không chỉ nổi bật với lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mà tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý thể hiện phần nào thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn. Nổi bật là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII ghi lại thân thế, sự nghiệp nhà vua và ruộng thờ cúng; các đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn... Khu di tích đền thờ Lê Hoàn gắn với Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn được tổ chức hằng năm vào ngày 8/3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của hoàng đế Lê Đại Hành cùng các bậc tiền nhân đã đóng góp trí tuệ, công sức, máu xương để giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách về dự. Lễ hội với nhiều nội dung, trong đó, đặc sắc nhất là các lễ tục tái hiện đời sống văn hóa của quân dân dưới thời Tiền Lê.

Linh thiêng di tích Bà Triệu

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vùng đất xứ Thanh đã sinh ra và nuôi dưỡng nên nhiều anh hùng dân tộc, mà tên tuổi và công lao đối với đất nước đã trở thành bất tử. Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) và cuộc khởi nghĩa do bà lãnh đạo chống giặc Ngô hung bạo vào năm 248 với mong muốn giành độc lập, tự chủ cho Nhân dân đã trở thành mốc son sáng chói trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta.

Trong số 1.535 di tích của tỉnh Thanh Hóa có 856 di tích được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa thế giới và 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Trên quê hương xứ Thanh, những di tích quốc gia đặc biệt: Khu Di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, hang Con Moong, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, không chỉ mang ý nghĩa, tầm vóc vô cùng quan trọng về giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch xứ Thanh phát triển.

Nằm trầm mặc bên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, đền Bà Triệu thuộc Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu được Nhân dân, du khách thập phương luôn ngưỡng vọng, đến thăm bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn về người nữ Anh hùng dân tộc này. Theo chân thuyết minh viên Đỗ Thị Hải Yến, Ban Quản lý di tích đền Bà Triệu (Trung tâm nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa), tôi dạo bước qua cổng tam quan, thắp một nén hương thơm, bày tỏ tấm lòng biết ơn của thế hệ đến sự hy sinh của những bậc tiền nhân cho quê hương, đất nước. Hải Yến cho biết, cô đã có hơn 9 năm gắn bó, làm việc ở khu di tích, vì vậy cô xem nơi này như ngôi nhà thứ 2 của mình. Mỗi lần giới thiệu, thuyết minh về khu di tích đến với du khách, Hải Yến như được sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng của thời kỳ lịch sử, thổi hồn vào từng câu chuyện để mỗi người dân, du khách hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Bà Triệu và các anh hùng, nghĩa sĩ...

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu bao gồm 6 di tích là đình làng Phú Điền, lăng mộ Bà Triệu, mộ 3 vị quan họ Lý, đền thờ Bà Triệu, miếu Bàn Thề và nghè Đệ Tứ (nghè Eo). Trong đó, đền Bà Triệu tọa lạc dưới chân núi Gai, thôn Phú Điền, được quy hoạch trên tổng diện tích là 3,83ha, bao gồm: Nghi môn ngoại, hồ sen, bức bình phong, nghi môn trung, nghi môn nội, tiền đường, trung đường và hậu cung. Tại khu trung đường, du khách được chiêm ngưỡng bức tranh mô phỏng hình ảnh Bà Triệu khi xuất quân ra trận, mặc áo giáp vàng, cưỡi voi trắng 1 ngà, đi guốc ngà và phất ngọn cờ ra trận. Còn ở Hậu cung là công trình có địa thế cao nhất, dựa lưng vững chãi vào núi Gai. Các công trình của đền được quy hoạch hài hòa trong vùng cảnh quan tuyệt đẹp của vùng đất cổ Phú Điền. Đền Bà Triệu được đánh giá là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất xứ Thanh. Trải qua rất nhiều triều đại phong kiến, đền Bà Triệu cùng các di tích liên quan được ban tặng 65 đạo sắc phong mà hiện nay vẫn còn được lưu giữ. Hàng năm, hàng vạn du khách khắp nơi đã về với đền Bà Triệu tham quan và thực hành tín ngưỡng tâm linh, để tưởng nhớ đến bà và các anh hùng nghĩa sĩ năm xưa, đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho quê hương, đất nước... Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Đền Bà Triệu là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguồn;Baothanhhoa.vn

 
Truy cập
Hôm nay:
7765
Hôm qua:
4499
Tuần này:
28477
Tháng này:
86397
Tất cả:
1964513