Đọc sách cũ trong thời đại số

Đăng lúc: 19/12/2024 (GMT+7)
100%

- Khi mà sách, báo điện tử ngày càng lên ngôi, nhiều người vẫn giữ thói quen đọc và sưu tầm sách, báo cũ. Với họ, đây vừa là niềm vui, cũng là một nét đẹp văn hóa rất riêng giữa “nhịp sống số”.

 177d4140344t77867l0.jpg

Nhiều cuốn sách và tài liệu quý đã nhuốm màu thời gian được gìn giữ cẩn thận tại Thư viện Hà Duyên Đạt.

Thư viện Hà Duyên Đạt của gia đình ông Hà Duyên Sơn ở xã Xuân Lai (Thọ Xuân) ra đời năm 2015, đến nay lượng bạn đọc đến với thư viện không chỉ có người hưu trí mà còn có rất nhiều học sinh và người dân trong xã. Theo chia sẻ của ông Sơn, thư viện được lấy tên ông nội của ông- một chiến sĩ cách mạng ham đọc sách và thích sưu tập những cuốn sách quý. Thư viện ra đời với mong muốn lan tỏa các giá trị từ những trang sách, tài liệu quý và phát triển văn hóa đọc ở vùng nông thôn. Ban đầu kho sách của gia đình có hơn 400 đầu sách, đến nay nhờ sự đóng góp của con, cháu trong gia đình và những người con xa quê, thư viện đã có tới 8.000 cuốn, với 2.400 đầu sách. Bước vào không gian thư viện, những người có niềm đam mê đọc sách sẽ vô cùng bất ngờ bởi một thư viện tư nhân nhỏ bé lại chứa đựng cả một “kho tàng” sách và nhiều tài liệu quý giá. Có những cuốn sách đã nhuốm màu thời gian, hay những tờ sắc phong đến nay đã hơn 100 năm được ông Sơn gìn giữ cẩn thận.

Ông Sơn cho biết: “Không chỉ tôi mà phần lớn con cháu trong gia đình đều rất thích đọc và sưu tầm sách, đặc biệt là những trang sách, báo cũ về lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Với tôi, niềm đam mê đặc biệt vẫn là những cuốn sách về lịch sử, trong đó cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và những cuốn sách viết về ông nội Hà Duyên Đạt cùng những chiến sĩ cách mạng trung kiên trong quá trình hoạt động cách mạng được tôi thường xuyên đọc đi đọc lại rất nhiều lần”.

Còn với nhà sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian Cao Sơn Hải (TP Thanh Hóa), giờ đây khi đã gần 90 tuổi, mắt đã kém, nhưng với ông đọc sách vẫn là niềm đam mê đặc biệt. Dẫn chúng tôi đến bên kệ sách với hàng nghìn cuốn, chỉ tay vào cuốn “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Huygo, ông chậm rãi chia sẻ: “Những cuốn sách này tuy cũ nhưng giá trị rất lớn, bởi bản dịch có lối văn phong cuốn hút, câu chữ không bị bó hẹp trong tư duy lối mòn và giàu cảm xúc. Với tôi, những cuốn sách cũ còn như “người bạn già”. Ông không quên dặn chúng tôi: “Có thời gian, các cháu nên tìm đọc những cuốn sách như “Thép đã tôi thế đấy”, “Một ngày cho một đời”... có rất nhiều điều thú vị và bổ ích cho thế hệ trẻ”.

Còn với chị Nguyễn Thị Thùy Lê, Thư viện viên, thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn, đọc sách hằng ngày vừa là công việc, vừa là niềm đam mê. Đối với chị, tìm về những cuốn sách cũ chính là tìm về những kỷ niệm đẹp.

“Là người trẻ, song tôi thích tìm đọc và sưu tầm những cuốn sách cũ. Có những cuốn trước đây mình đã từng đọc, giờ đọc lại cảm giác như gặp lại một người bạn cũ từ thuở nhỏ mà mình từng rất thân thiết. Cũng có những cuốn sách, bộ truyện mà trước đây mình rất thích nhưng không có điều kiện để mua, nên việc đọc và sưu tầm sách cũ với tôi luôn có sự cuốn hút đặc biệt. Ở những cuốn sách ấy, không chỉ giúp tôi mở mang kiến thức mà còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn trong cuộc sống đầy bộn bề, lo toan. Trong đó, bộ truyện “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đầy dí dỏm, hài hước cùng với những bài học cuộc sống sâu sắc cho đến nay vẫn là bộ truyện mà tôi vô cùng yêu thích”, chị Lê cho biết.

Cũng theo quan sát của chị Lê, với những cuốn sách mới người ta có thể “đọc lướt” để tìm kiếm thông tin, song với những người tìm đến những cuốn sách cũ, họ sẽ luôn dành rất nhiều thời gian để lật giở từng trang, nghiền ngẫm từng câu chữ. Chính vì vậy, những thông tin từ sách cũ luôn có sức hút khiến người đọc ghi nhớ lâu hơn, dành nhiều thời gian hơn.

Trong dòng chảy không ngừng của cuộc sống hiện đại, tìm về sách cũ không chỉ thỏa niềm đam mê của những người yêu sách, mà dần trở thành một nét đẹp trong văn hóa đọc. Trải qua thăng trầm của thời gian, những cuốn sách cũ có thể không còn lành lặn, đẹp đẽ, song đây chính là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì vậy, những năm gần đây tại TP Thanh Hóa và một số địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên diễn ra các sự kiện như: Ngày hội sách cũ, không gian sách cũ, hội sách cũ... và dần trở thành điểm hẹn thân thuộc, trở thành không gian văn hóa đặc sắc đối với những người đam mê đọc sách.
Nguồn;Baothanhhoa.vn

Truy cập
Hôm nay:
899
Hôm qua:
8199
Tuần này:
29810
Tháng này:
87730
Tất cả:
1965846