Nét đẹp văn hóa trong ngày Rằm tháng Giêng

Đăng lúc: 12/02/2025 (GMT+7)
100%

Với quan niệm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” nên trong tâm thức người Việt, ngày Rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán, mọi người xem đây là ngày lễ trọng đại, không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo với ước nguyện mong cầu bình an mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Ngày Rằm tháng Giêng, cũng như nhiều địa phương khác, người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân thường đi chùa lễ Phật hoặc đến các đền, miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, tốt lành cho bản thân và gia đình. Trải qua nhiều thế hệ, nét đẹp văn hóa đi lễ dịp Rằm tháng Giêng vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.
z6309646711979_dd4ef74de75265c926803856b74b7afa.jpg
(Rằm tháng Giêng 2025, đông đảo Nhân dân đến Đền thờ Lê Hoàn để dâng hương, chiêm bái)

Tại di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, cứ vào ngày 14, 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, đông đảo người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều đến để dâng hương, chiêm bái, cầu nguyện mùa màng bội thu, người người bình an, sung túc và hạnh phúc.

z6309646713340_7ae618d1e8ed75b61a87e022da63cce9.jpg

Để chuẩn bị cho Rằm Tháng Giêng 2025, từ ngày 13,14 âm lịch, (tức ngày 11,12 tháng 2/2025), UBND xã Xuân Lập đã bố trí lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để phục vụ Nhân dân và du khách đến dâng hương. Ngày Rằm tháng Giêng năm nay không trùng vào ngày nghỉ nhưng Nhân dân vẫn tranh thủ từ sáng sớm hoặc giờ nghỉ trưa để đến dâng hương tại đền.

z6309646681467_1d87352cc6b01bcd05333021108cf07e.jpg
(Nghi thức Tế giỗ của dòng họ Lê Năng, xã Xuân Hồng trong dịp Rằm tháng Giêng)

Rằm tháng Giêng cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị mâm cơm cúng, đứng trước bàn thờ tổ tiên nhớ về công đức của các bậc sinh thành, nhớ về nguồn cội. Đặc biệt ở nhiều địa phương như xã Trường Xuân, Xuân Hồng, các dòng họ còn tổ chức tế Tổ, giỗ Tổ, tập trung đông đủ con cháu về dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên. Để chuẩn bị cho lễ tế, giỗ, ngay từ sáng sớm, mọi người đã tất bật sắm sửa hoa, quả, trầu cau, thực phẩm tươi ngon cho mâm cúng. Xong nghi lễ, mâm cỗ được đưa xuống để con cháu vui sum vầy, đoàn tụ. Trong bữa cơm thân tình, mọi người đều thể hiện niềm vui hội ngộ, cùng nhau chia sẻ những tâm tình, đoàn kết, xây dựng dòng họ, quê hương thêm đẹp giàu. Đây không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là hình thức giáo dục truyền thống của các dòng họ, của quê hương để con cháu trong gia đình tụ họp, hướng về cội nguồn, thể hiện nét đẹp trong truyền thống văn hoá, không gian thiêng liêng trong mỗi gia đình.

Dù mỗi gia đình, dòng họ, địa phương có cách thức tổ chức khác nhau nhưng việc hướng về nguồn cội, hướng về những giá trị nhân văn cao đẹp trong ngày Rằm tháng Giêng đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hoá trong đời sống tâm linh từ bao đời nay của người dân Thọ Xuân, được các thế hệ gìn giữ và trân trọng.

Trần Thành, Trung tâm VHTT, TT&DL huyện.

Truy cập
Hôm nay:
1920
Hôm qua:
7223
Tuần này:
39899
Tháng này:
127886
Tất cả:
2269374