Cần chủ động các biện pháp phòng và xử trí kịp thời khi mắc Bệnh đau mắt đỏ

Đăng lúc: 20/09/2023 (GMT+7)
100%

Hiện nay trên địa bàn huyện Thọ Xuân, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người dân cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

123.jpg

125.jpg
 
Trường Mầm non Xuân Trường hiện có 240 học sinh, với 9 nhóm, lớp; Trong đó, 6 nhóm Mầm non và 3 nhóm trẻ; Để chủ động phòng, tránh bệnh đau mắt đỏ, nhà trường đã tích cực triển khai sớm các biện pháp theo đúng các khuyến cáo của ngành Y tế; Học sinh nhà trường đã được giáo viên thường xuyên hướng dẫn cách phòng bệnh đau mắt.
3.jpg
(Nhà giáo Lê Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Trường)

Nhà giáo Lê Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Trường cho biết: "Thực hiện Công văn của Phòng GD&ĐT Thọ Xuân về tuyên truyền phòng, tránh bệnh đau mắt đỏ và bệnh Tay chân miệng; Căn cứ vào tình tình thực tế của nhà trường, qua nắm bắt tại các nhóm lớp, hiện trường có một vài trẻ bị đau mắt. Để phòng, tránh bệnh đau mắt đỏ, giảm thiểu việc lây, lan trong trường, Ban giám hiệu trường MN Xuân Trường đã khẩn trương triển khai công văn chỉ đạo của phòng đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên; Chỉ đạo giáo viên thường xuyên nhắc nhở trẻ thực hiện các thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay sau các hoạt động và trước khi ăn, không dùng đồ dùng chung và không dụi tay vào mắt,... Tích cực tuyên truyền đến phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức như qua zalo của nhóm, lớp, qua các giờ phụ huynh đưa, đón trẻ về bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp phòng, tránh như: rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên sát khuẩn tay, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày cho trẻ, không dùng đồ dùng chung, hạn chế tiếp xúc với người bệnh nhằm làm tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khoẻ cho con em mình trong tình hình hiện nay".
1.jpg
 
2.jpg
Cùng với đó, trường Mầm non Xuân Trường cũng yêu cầu giáo viên có trách nhiệm quan sát học sinh trước khi vào lớp; hướng dẫn phụ huynh khi con có biểu hiện đau mắt đỏ phải báo với giáo viên và nhà trường kịp thời.
4.jpg
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, chỉ tính từ 01/9/2023 đến nay, bệnh viện đã khám cho 160 bệnh nhân bị đau mắt đỏ; Riêng trong 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có từ 15-20 bệnh nhân bị đau mắt đỏ, tăng đột biến so với thời điểm trước đó.
6.jpg
(Bác sỹ Lê Bá Nhạn, Trưởng khoa Liên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm mặt, BVĐK Thọ Xuân)

Bác sỹ Lê Bá Nhạn, Trưởng khoa Liên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm mặt, BVĐK Thọ Xuân cho biết: "Mọi năm thường vào mùa hè nắng nóng, những nơi đông dân cư như đô thị, thị trấn thường xuất hiện bệnh Viêm kết mạc cấp, còn gọi là đau mắt đỏ. Đặc thù năm nay, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện trùng với đầu năm học nên tỷ lệ lây lan rất nhanh, tần suất so với những năm trước có tăng hơn. Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, trung bình một ngày, tại khoa Mắt, BVĐK huyện chúng tôi khám cho từ 15 - 20 bệnh nhân đau mắt đỏ. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh, công nhân làm việc trong các nhà máy; một số trường hợp đến khám đã có biểu hiện của biến chứng. Do đó, chúng tôi khuyến cáo, mọi người dân cần giữ vệ sinh chung, hạn chế đến nơi đông người, không dùng chung đồ vật, .... nếu bị bệnh nên đến cơ sở Y tế để được các Bác sỹ chuyên khoa thăm khám, điều trị kịp thời".
5.jpg
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ không ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân, nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Một số trường hợp nếu chủ quan có thể bị bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực. Do vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh là rất quan trọng và cần thiết.
7.jpg
(Bác sỹ chuyên khoa I Trần Thị Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân)

Bác sỹ chuyên khoa I Trần Thị Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân, nói: "Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, ngăn chặn dịch bùng phát tại cộng đồng, Trung tâm Y tế đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, trường học; Tại đơn vị, chúng tôi xây dựng kế hoạch; Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo, đội phòng chống dịch cơ động; Phân công nhiệm vụ cho các khoa, phòng, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trạm Y tế; Chỉ đạo TYT giám sát, phát hiện sớm, hướng dẫn điều trị, thực hiện các biện pháp dự phòng, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc phát hiện, điều tra ca bệnh, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các lớp học bằng hóa chất CloraminB hoặc chất tẩy rửa thông thường; thực hiện điều trị, chuyển tuyến các trường hợp đau mắt đỏ theo quy định của Bộ Y tế; Phối hợp với Trung tâm VHTT, TT và DL huyện viết bài tăng thời lượng phát sóng và đưa tin về bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp phòng và điều trị. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị phương tiện, hóa chất, máy phun hóa chất để phục vụ kịp thời việc xử lý môi trường khi có dịch xảy ra; Báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh và hoạt động phòng chống dịch bệnh về Trung tâm Kiếm soát bệnh tật để tổng hợp báo cáo Sở Y tế"
128.jpg
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do vi rút nhóm Adeno với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ, cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều dịch dử mắt và chảy nước mắt. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người. Hiện đau mắt đỏ chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...
Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; H
ạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng./.
Lê Hải - Xuân Chất, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân