Huyện Thọ Xuân xây dựng NTM nâng cao, NTM Kiểu mẫu gắn với phát triển làng nghề truyền thống

Đăng lúc: 09/12/2024 (GMT+7)
100%

Những năm qua, huyện Thọ Xuân, luôn quan tâm hỗ trợ, khuyến khích để các địa phương duy trì và phát triển các làng nghề. Đến nay, hầu hết các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đang phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM Kiểu mẫu.

ln1.png
Bánh gai làng nghề Tứ Trụ từ lâu đã nổi tiếng là món quà quê dân dã, quen thuộc. Sự hòa quyện từ vị dẻo mềm của gạo nếp, vị bùi thơm của nhân đậu xanh trộn lẫn những sợi dừa tươi và sự ngọt ngào đặc trưng của mật mía… đã khiến bánh gai Tứ Trụ trở thành món ngon dễ ăn cho thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức. Bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, thuộc địa phận xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Ngôi làng này được hình thành cách đây khoảng gần 600 năm, có vị trí thuận lợi, liền kề dòng sông Chu màu mỡ trù phú. Tới nay, nghề làm bánh gai ở làng Mía vẫn còn tồn tại, có hơn một nửa số hộ dân vẫn còn theo nghề. Trước đây, loại bánh gai này được dâng lên tiến vua và chỉ được làm vào những ngày Lễ, Tết, dịp quan trọng. Nhưng về sau này, nhu cầu của người mua ngày càng cao, vì vậy làng nghề sản xuất quanh năm để đáp ứng cho những cơ sở bán đặc sản hoặc phục vụ khách du lịch mua về làm quà.
Huyện Thọ Xuân có hàng chục nghề, làng nghề truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trên địa bàn huyện hiện có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề bánh gai, xã Thọ Diên; làng nghề bánh lá, xã Xuân Lập; Làng nghề truyền thống làm nón lá xã Thọ Lộc; Làng nghề truyền thống làm miến gạo, thôn Phú Cường, xã Phú Xuân. Các nghề, làng nghề còn lại trên địa bàn huyện hầu hết đều đảm bảo được tiêu chí như: có lịch sử phát triển lâu đời; có tối thiểu 20% tổng số hộ tham gia sản xuất; giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng…
Với mục tiêu duy trì và bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Thọ Xuân đã ưu tiên một phần kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của các làng nghề. Huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp giai đoạn 2021- 2025, trong đó, có cơ chế hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng/năm để phát triển nghề truyền thống và 2 tỷ đồng cho 1 làng nghề nếu được công nhận.
ln.png
Thời gian tới, trên cơ sở Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được ban hành, huyện cùng với các địa phương hỗ trợ các làng nghề hoàn thiện cơ sở làng nghề; tích cực tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng, phát triển thị trường đối với các sản phẩm truyền thống đặc trưng của huyện.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, các làng nghề truyền thống của huyện Thọ Xuân vẫn đang phát huy được giá trị, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo quy định Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải có làng nghề truyền thống được công nhận. Do vậy, huyện Thọ Xuân đang tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các xã bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân
  
Truy cập
Hôm nay:
2104
Hôm qua:
3479
Tuần này:
23401
Tháng này:
57246
Tất cả:
1935362