Làng Trung Lập- nơi phát tích nhà Tiền Lê

Đăng lúc: 03/04/2025 (GMT+7)
100%

Trung Lập quê hương của hoàng đế Lê Đại Hành, là một làng Việt cổ Là một làng sinh ra vua, gọi là đất “quý hương” nên tín ngưỡng, tập quán của làng Trung Lập cũng khác với nhiều vùng quê trong khu vực. Với những phong tục, tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa quý giá đã được người dân lưu giữ ngàn đời nay, làng Trung Lập xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt.

tl2.png
Trung Lập lúc đầu có tên là Kẻ Xốp, sau là sách Khả Lập, thời Đinh Tiên Hoàng có tên là Trung Lập. Trong bài vè Trung Lập thắng chí ca được lưu truyền tại địa phương từ bao đời nay đã phần nào vẽ nên được bức tranh của một vùng quê ở buổi sơ khai:
Độ chừng mười mẫu thông khu,
Họ Lê, họ Đỗ, họ Chu, ba nhà
Sách là Khả Lập đặt ra
Nhân dân còn ít độ vài mươi đinh.
Làng Trung Lập xưa, thôn Trung Lập nay ở vào vùng khí thiêng sông núi hợp về, vùng đất mà lịch sử đặt tên là “tiền tam Yên, hậu ngũ Phúc” (tam yên gồm 3 làng: Yên Lãng, Yên Trường, Yên Lạc; ngũ phúc gồm 5 làng: Phúc Tình, Phúc Địa, Phúc Bồi, Phúc Cương, Phúc Sơn) để chỉ hàm ý làng được cả an và phúc.
Do nằm giữa một vùng đất có dòng sông Chu chảy ở phía Nam làng, sông Cầu Chày ở phía Đông Bắc cùng với một hệ thống đường giao thông đường bộ nối liền vùng đất Trung Lập với nhiều vùng miền trong tỉnh. Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu lịch sử- văn hoá có ý nghĩa quan trọng để Trung lập trở thành mảnh đất thiêng.
Cuối Lê đầu Nguyễn, Trung Lập là một xã thuộc tổng Thử Cốc, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa với 4 làng cổ. Là vùng đất “quý hương” của nhà Tiền Lê nên từ thời Hậu Lê, làng Trung Lập được miễn phu phen tạp dịch, lại được chính quyền phong kiến cấp cho 67 mẫu công điền, dùng vào việc lễ nghi thờ phụng vua Lê, tu sửa đền thờ. Số ruộng công được chia về cho các giáp, số ruộng của các giáp lại phân ra gọi là dọc nếp thơm dùng vào dịp cúng tiến nhà vua trong các kỳ lệ ở đền thờ và lăng mộ. Làng cũng được nhà nước phong kiến giao cho việc trông coi đền thờ,lăng mộ, xuân thu nhị kỳ tế lễ nên ở Trung Lập có một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng khác với các làng lân cận.
234.jpg
Trung Lập ngày nay là một trong 4 làng thuộc xã Xuân Lập gồm: Trung Lập, Vũ Thượng, Vũ Hạ, Phú Xá. Riêng làng Trung Lập là một làng cổ được hình thành từ lâu đời. Có dịp đến thăm vùng quê Trung Lập ai cũng tràn ngập niềm vui, tự hào khi được chứng kiến và trực tiếp tham gia những ngày hội mùa, hội làng náo nức. Người dân ở đây đã nối tiếp và phát huy được những truyền thống văn hoá từ nhiều thế hệ. Những bàn tay khéo léo của người dân quê đã thể hiện được tình cảm sâu sắc của mình bằng việc làm bánh chưng nung tiến trong đền thờ vua Lê, tế lễ trong các hội kỳ phúc ở nghè làng, hội lễ tế lăng mẫu hậu, hoàng khảo… làm cốm tiến vua Lê với đủ sắc màu lung linh huyền thoại. Ngoài ra cònnhững tục lệ độc đáo khác như: cày ruộng tịch điền, lễ cầu yên, lễ đốt áo chầu, tục chạp lăng, chạp làng, tục đi săn, tục xôi nén, bánh lá răng bừa, tục kiêng khem, tục kết chạ...
Những bàn tay khéo léo và tâm khảm sâu sắc của người dân Trung Lập còn được thể hiện bằng việc kiến tạo các Đình, chùa, đền miếu, nhà thờ họ ở khắp nơi trên đất Trung Lập như: Đền thờ Lê Hoàn thuộc kiến trúc thời Hậu Lê, hài hoà, tao nhã bởi những hoa văn sống động, đường nét trạm trổ tinh xảo qua những dáng hình con long mã đang phi nước kiệu, chim phượng hoàng xoè rộng cánh…
Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên cho Trung Lập một sức sống dạt dào, một thế giao lưu lịch sử, văn hoá rộng mở với bốn phương tạo thành một vùng đất địa linh nhân kiệt- nơi phát tích của vương triều Tiền Lê.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân 
Truy cập
Hôm nay:
2842
Hôm qua:
6858
Tuần này:
26087
Tháng này:
20374
Tất cả:
2500949