Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Tạo “cú hích” thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế - xã hội

Đăng lúc: 05/06/2023 (GMT+7)
100%

- Đầu tư công được hiểu là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư xã hội. Từ đó, tạo “cú hích” cho đoàn tàu kinh tế - xã hội tăng trưởng để tiến nhanh về đích...

177d1084155t27758l0.jpg 

Dự án Khu Văn hóa - TDTT huyện Triệu Sơn từ nguồn vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Lê Dung

Tín hiệu tích cực

Nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khách quan lẫn chủ quan như hiện nay, thì đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm nhất, cũng đồng thời là một giải pháp hữu hiệu nhất. Với tỉnh Thanh Hóa, để có thể giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023), đòi hỏi tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các chủ đầu tư.

Với tinh thần ấy, ngày 9-2-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, với quan điểm nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra; giải quyết kịp thời và dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án; kiên quyết, kiên trì và linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các chủ đầu tư, các dự án; nâng cao vai trò, năng lực và tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư, các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện...; tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu các dự án phải hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30-11-2023.

Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chỉ thị số 04/CT-UBND; đồng thời với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, các chủ đầu tư tập trung thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công; cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, trong tháng 5-2023, tỉnh đã tổ chức 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng, tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh... Nhờ những giải pháp quyết liệt đó mà giá trị giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 29-5-2023 đạt 3.706 tỷ đồng (bằng 28,4% kế hoạch giao chi tiết). Với kết quả này, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh Thanh Hóa cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước. Trong đó, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch, như đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 70,4%; chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 41,6%...

Trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư hay các cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, những chủ đầu tư có tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt vào cuộc thì sẽ đạt kết quả khả quan. Minh chứng là có 52 chủ đầu tư đã giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (trong đó có 23 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch). Đồng thời, có 43 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, với số vốn là 284,695 tỷ đồng...

Thọ Xuân là một trong những địa phương nằm trong “top” những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá. Năm 2023, huyện Thọ Xuân được tỉnh giao 11 dự án, với tổng vốn 111 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, địa phương đã giải ngân được 70 tỷ đồng, đạt 59%. Phát biểu thảo luận tại hội nghị trực tuyến giao ban toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước năm 2023 (diễn ra ngày 1-6 vừa qua), ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, thủ tục, giá vật liệu, vật liệu san lấp nền, xác định nguồn gốc đất... là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, cũng đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Song, lãnh đạo địa phương cũng khẳng định quyết tâm, nếu những khó khăn, vướng mắc được tỉnh đồng hành tháo gỡ, thì sẽ tạo cơ sở để huyện Thọ Xuân hoàn thành giải ngân 100% vốn đúng tiến độ.

Gỡ cho được các “điểm nghẽn”

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 13.530,59 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 13.045,441 tỷ đồng (bằng 96,4% kế hoạch); số vốn chưa đủ điều kiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết (thuộc các chương trình, dự án chưa có đủ hồ sơ, thủ tục đầu tư) là 485,149 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 3,6% kế hoạch). Tính đến thời điểm hiện tại, dù giá trị giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 3.706 tỷ đồng; song khách quan nhìn nhận, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được khơi thông, nếu muốn dòng vốn quan trọng này nhanh chóng đổ vào nền kinh tế, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng.

Điển hình phải kể đến như, tỷ lệ giải ngân vốn các dự án chuyển tiếp đạt thấp (25,3%), trong khi đây là nhóm các dự án có số vốn năm 2023 được giao rất lớn (chiếm 37,6% tổng số vốn của cả tỉnh), lại có khả năng và dư địa để giải ngân nhanh. Cùng với đó, tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA tiếp tục là “điểm nghẽn”, khi mới chỉ giải ngân được 11,7%. Đặc biệt, hiện toàn tỉnh có 23 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; trong đó có những cái tên rất có “sức nặng” như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Giao thông - Vận tải; Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa... Ngoài ra, có 16 chủ đầu tư chưa giải ngân, như: Ban Dân tộc; Sở Xây dựng...; còn 77 dự án giải ngân vốn chưa đáp ứng theo yêu cầu của Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 9-2-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa...

Theo lý giải của các chủ đầu tư thì vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất; giá vật liệu tăng cao, hay công tác phối hợp giữa các đơn vị... là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự trì trệ trong giải ngân vốn đối với 29 dự án. Trong khi đó, hiện vẫn còn 57 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp, dẫn đến chủ đầu tư mới chỉ giải ngân số vốn bố trí cho các chi phí chuẩn bị đầu tư (34 dự án bố trí vốn vào quý III, quý IV năm 2022; 23 dự án bố trí vốn đầu năm 2023). Thậm chí, do công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, nên đến nay vẫn còn tới 61 dự án chưa được quyết định đầu tư. Chưa hết, một số dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khi tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án lại phát sinh một số nội dung không phù hợp, phải tiếp tục trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Rồi thì do tiến độ chậm, nhiều dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, gia hạn thời gian bố trí vốn, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành...

Xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023, vì vậy, trong 5 tháng đầu năm, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản và tổ chức 2 hội nghị giao ban toàn tỉnh có liên quan. Mà gần đây nhất, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến giao ban toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước năm 2023 (diễn ra ngày 1-6 vừa qua), đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã giao “đề bài” cho các ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn, đó là dứt khoát đến 30-11-2023 phải giải ngân trên 90% vốn được giao và đến 30-12-2023 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch. “Đề bài” này tuy không mới, nhưng không hề dễ giải nếu các ngành, địa phương, đơn vị không xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đặc biệt, cùng với việc đề cao vai trò, sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu; cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tránh sự đùn đẩy, e ngại, sợ sai trong công việc. Qua đó, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, mà cụ thể là theo Điều 12 Luật Đầu tư công về nguyên tắc quản lý đầu tư công, trong đó nêu rõ: việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công phải tuân thủ quy định của pháp luật; đồng thời, quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Có thể nói, trái ngược với tình trạng “khát vốn”, việc ứ đọng vốn đầu tư công cũng đang khiến cho nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, mà còn gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước, của Nhân dân. Chính vì lẽ đó, tìm lời giải cho bài toán giải ngân vốn đầu tư công, cũng sẽ tạo “cú hích” thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế - xã hội, theo đúng các mục tiêu và định hướng mà Thanh Hóa đã đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

Truy cập
Hôm nay:
44
Hôm qua:
5818
Tuần này:
8744
Tháng này:
8744
Tất cả:
2007613