Lời Bác năm xưa: Sức dân như nước!

Đăng lúc: 08/03/2023 (GMT+7)
100%

Đúng ngày này, cách đây tròn 63 năm, ngày 7-3-1960, tại Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “… phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”!

 Việt Nam dẫu là đất nước nhỏ bé, song lịch sử của dân tộc này đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Dấu ấn ấy được xem là thành quả từ sự kết tinh và thăng hoa của tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc. Dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại bang nào, cũng bởi hai giá trị truyền thống chủ đạo ấy, đã được hình thành, vun đắp và trao truyền từ suốt dặm dài lịch sử. Và suy cho cùng, tinh thần yêu nước hay tinh thần dân tộc, thì cũng đều xuất phát từ trong sâu thẳm mỗi con người Việt Nam “yêu nước, thương nòi”!
a3.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ngày 12/01/1958 (TTLTQG III, ML ảnh giai đoạn 1954-1985, số 1449).

“Sức dân như nước” – một nhận định đã được kiểm chứng qua vô vàn cuộc tranh đấu sống còn, để khẳng định quyền tự quyết cho dân tộc này. Đồng thời, tư tưởng “lấy dân làm gốc” cũng được cha ông ta đúc kết từ hành trình dựng nước và giữ nước không ngơi nghỉ, để gây dựng nền tảng độc lập, tự chủ. Để rồi, khi tiếp bước cha ông trên con đường tranh đấu vì “Độc lập” cho dân tộc, “Tự do” và “Hạnh phúc” cho Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người mang trái tim yêu nước, thương dân nồng nàn nhất – đã kế thừa và phát huy cao độ tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

“Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Cõ lẽ, chính từ sự đúc kết ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà PGS. TS. Bùi Đình Phong đã đưa ra một nhận định rất hay rằng, Người đã “nhận thức và đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí và sức mạnh của Nhân dân với một chất lượng khoa học và cách mạng cao”. Bởi lẽ, không chỉ là dựa vào sức dân để làm cách mạng, hay biết “khoan thư sức dân”; mà hơn hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao, coi trọng trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận. Cho nên “công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”. Đồng thời, “gốc” là tài dân, lực lượng dân, là lòng dân, quyền dân và trên hết là lòng tin của dân đối với Đảng, với cách mạng.

Nhắc lại để nhớ, cũng đúng ngày này, cách đây tròn 63 năm, ngày 7-3-1960, tại Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “… phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”. Xuất phát từ câu chuyện làm thủy lợi – một nhiệm vụ được Người đánh giá là công cuộc lâu dài, quan trọng và “là phong trào của toàn dân - Bác nhấn mạnh: “Ta có lực lượng rất lớn, nông dân ta đã có tổ chức chặt chẽ hơn trước, có tổ đổi công, có hợp tác xã. Vì thế phải dựa vào tổ chức ấy, lực lượng ấy mà làm thuỷ lợi theo đường lối, phương châm của Đảng”!

a4.jpg 

Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhân dân tỉnh Hà Nam đang đắp đập ngăn nước, ngày 13/01/1958 (TTLTQG III, ML ảnh phông Bộ Thủy lợi, số 24).

Từ câu chuyện làm thủy lợi, có thể “chiêm nghiệm” nhiều bài học vô giá.

Chủ tịch Hồ Chủ tịch là biểu tượng sáng ngời của tinh thần học tập, am hiểu thực tiễn và đặc biệt là “học đi đôi với hành”. Bởi như Bác từng nhấn mạnh: “Nếu đưa một lý luận rất đúng ra nói, rồi xếp nó lại một xó, không đưa ra thực hành, thì lý luận ấy thành lý luận suông”. Và hơn ai hết, chính Người đã làm gương về “nói đi đôi với” để cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo. Thế nên mới có hình ảnh, Người lãnh đạo đất nước đến thăm, chúc tết người dân nghèo trong đêm giao thừa 30 Tết; hay hình ảnh Người xắn quần tát nước cùng với dân, đạp guồng nước chống hạn cùng với dân…

Đặc biệt, từ việc làm thủy lợi, Bác một lần nữa khẳng định vai trò của Nhân dân đối với công cuộc cách mạng xây dựng XHCN lúc bấy giờ. Người nhấn mạnh: “Ai làm cách mạng? Nhân dân! Ai kháng chiến thắng lợi? Toàn dân. Vậy thì bây giờ muốn có đủ nước, muốn điều hoà nước thì cũng phải toàn dân làm thuỷ lợi. Muốn thế, cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào Nhân dân; trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của Nhân dân là vô cùng vô tận. Tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết, tổ chức được trí tuệ và lực lượng đó thì việc gì khó mấy cũng làm được”.

a5.jpg

Hồ Chủ tịch thăm công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, năm 1958(TTLTQG III, ML ảnh phông Bộ Thủy lợi, số 15).

Ở đây, ta có thể học Bác điều gì nếu không phải là việc biết biến những câu từ hàn lâm, sách vở thành những con chữ “thấm” mùi bùn đất, để đến được gần hơn với quần chúng? Thực tiễn hiện nay cho thấy, trong mọi việc từ lớn đến nhỏ, chúng ta đều chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, tuyên truyền mới là bước đầu cần thiết, còn các bước tiếp theo là “giáo dục, đoàn kết và tổ chức”. Phải “giáo dục” để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước “thấm sâu” vào nhận thức; phải “đoàn kết” để quy tụ được sức mạnh toàn dân; phải “tổ chức” để công việc đi đúng hướng và đạt được mục tiêu. Và chỉ khi làm tốt mỗi bước, thì mới có thể quy tụ và phát huy cao độ “trí tuệ và lực lượng” của Nhân dân. Có như vậy thì “việc gì khó mấy cũng làm được” như Bác đã căn dặn.

Không dừng lại ở việc làm thủy lợi, hay nói đúng hơn, từ câu chuyện làm thủy lợi, Bác còn liên hệ và mở rộng ra nhiều vấn đề vừa có tính thời sự, vừa có tính lâu dài. Đó là công tác cán bộ, hay là việc rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, trí tuệ và kinh nghiệm của cán bộ qua “trường cuộc sống”, hay qua thực tiễn chứ không phải học lý thuyết suông. Người khẳng định: “Cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, tất cả mọi việc đều lấy chính trị làm đầu. Cần thực hiện đúng phương châm của Đảng và Chính phủ: giữ nước là chính, thủy lợi hạng nhỏ là chính và Nhân dân tự làm là chính”. Đồng thời, “Cán bộ phải đi sát thực tế, thường xuyên đấu tranh chống tư tưởng lạc hậu và bảo thủ, phát huy tư tưởng tiên tiến”; hay “Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật phải biết chính trị. Chính trị và kỹ thuật phải kết hợp với nhau, không thể tách rời nhau được”. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Phải nhớ rằng: khi mà dân đã hiểu rõ thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Muốn như thế, trước hết các cán bộ phải quyết tâm, nếu cán bộ không có quyết tâm, thấy khó khăn mà chùn bước thì không làm được”.

a6.jpg

Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc năm 1960 (TTLTQG III, ML ảnh phông Bộ Thủy lợi, số 20).

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, gương mẫu; xây dựng văn hóa công vụ, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân... Đặc biệt là gắn học tập và làm theo Bác với việc khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nói, việc học tập và làm theo Bác đã không còn đơn thuần là một phong trào, mà đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của mọi cấp ủy Đảng, chính quyền, mọi cấp, ngành và dần thấm sâu vào đời sống. Song, thực tế vẫn còn không ít “trăn trở có cơ sở”, ví như “vấn nạn” tham nhũng, tiêu cực đang trở thành một nguy cơ ảnh hưởng đến vai trò, úy tín của Đảng và niềm tin của Nhân dân. Đáng nói hơn là, nhiều cán bộ, đảng viên vướng vòng lao lý, hàng năm vẫn luôn có một “bản tự kiểm” rất “chân thật” và một bản đăng ký “Học tập và làm theo Bác” đầy tính trách nhiệm. Cho nên, phải chăng, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, có lúc, có nơi vẫn còn hình thức?

Có lẽ, từ câu chuyện làm thủy lợi và lời căn dặn của Bác Hồ cách đây tròn 63 năm, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học lớn. Đó trước hết là việc rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên – nhân tố quan trọng vận hành bộ máy chính quyền; cũng đồng thời là người gần dân, sát dân để biết “sức dân như nước”; để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của dân mà đồng cảm, thấu hiểu và hơn hết là để có phản ứng chính sách kịp thời, sát thực tiễn và hợp lòng dân.

                                                                                                        (Baothanhhoa.vn)