Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 4): Trung tâm may mặc, da giày của Khu vực Bắc Trung bộ

Đăng lúc: 26/03/2023 (GMT+7)
100%

- Tỉnh Thanh Hóa xếp thứ ba toàn quốc về dân số với khoảng 3,7 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới 66,8%. Với cơ cấu dân số “vàng”, Thanh Hóa được xem là mảnh đất “màu mỡ” để phát triển các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt may, da giày.

 177d0141901t75483l0.jpg

Lao động làm việc tại Công ty TNHH HUASHENG Việt Nam, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Ảnh: HƯƠNG THƠM

Với lợi thế nổi trội về lao động, từ năm 2017 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3721/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển dệt may, da giày tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành may mặc được quy hoạch phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất các sản phẩm may mặc phục vụ thị trường trong nước, gắn với hoạt động du lịch. Tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp may chuyển hướng đầu tư dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu riêng để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời, ưu tiên bố trí các doanh nghiệp may tại các khu, cụm công nghiệp, chuyển dịch dần về các khu vực thị trấn, thị tứ, vùng sâu, vùng xa để thu hút lao động tại chỗ và cung cấp sản phẩm ngay trên địa bàn. Khu vực 11 huyện huyện miền núi được định hướng phát triển các cơ sở may mặc quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất sản phẩm dệt may phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và có thể tham gia xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thủ công, tiểu thủ công nghiệp với quy mô hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ.

Đối với da giày, được định hướng giữ vững sản phẩm chủ lực là giày thể thao, giày vải được ưu tiên hàng đầu trong sản xuất hàng xuất khẩu với thị trường truyền thống là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Khuyến khích đầu tư mới mở rộng các cơ sở đế giày, vải bồi, các chi tiết bán thành phẩm đưa về nông thôn, miền núi. Hình thành các doanh nghiệp hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và hàm lượng chế biến cao để từng bước làm chủ thị trường tiêu thụ. Ngành được ưu tiên bố trí sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực còn nhiều nguồn lao động; chuyển dịch bố trí ngành về khu vực thị trấn, thị tứ miền núi, làm hạt nhân xây dựng các cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi. Khu vực thành phố, tập trung phát triển cung ứng dịch vụ, cung cấp nguyên phụ liệu, công nghệ mẫu mốt và hướng tới hình thành trung tâm xúc tiến thương mại và phát triển thời trang giày dép, sản phẩm đồ da. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày cũng được tỉnh quy hoạch, định hướng phát triển.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành dệt may, da giày theo định hướng của tỉnh, những năm qua các sở, ngành cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đã cập nhật, bổ sung kịp thời vào các quy hoạch có liên quan. Đồng thời, tập trung tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chú trọng các vấn đề như kết nối giao thông, điện nước, hệ thống thông tin liên lạc; quy hoạch xây dựng các khu nhà ở công nhân tại những vị trí phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư ngành dệt may, da giày. Các sở, ngành và địa phương cũng đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển dệt may, da giày. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn vay nhà nước với lãi suất ưu đãi và vốn ngân sách địa phương để đầu tư phát triển. Cùng với đó, tỉnh tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các tập đoàn đa quốc gia để kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để phát huy hiệu quả.

Ngoài các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, các đơn vị còn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về đào tạo thu hút nguồn nhân lực, phát triển, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường... Nhờ đó, ngành may mặc, da giày của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc và dần trở thành trung tâm may mặc, da giày của Khu vực Bắc Trung bộ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 177 dự án đầu tư sản xuất gia công may mặc, da giày đã và đang đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 8.700 ha, tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 365.555 tỷ đồng, công suất thiết kế trên 700 triệu sản phẩm/năm. Năm 2022, toàn tỉnh sản xuất và xuất khẩu được gần 367 triệu sản phẩm may mặc và gần 203 triệu đôi giày. Năm 2023 toàn tỉnh phấn đấu sản xuất 450 triệu sản phẩm may mặc và 250 triệu đôi giày. Hiện các dự án ngành may mặc, da giày đang tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động, chiếm hơn 60% số lao động toàn ngành công nghiệp.

Hàng trăm dự án, nhà máy may mặc, da giày “về làng” đã giữ chân hàng chục nghìn lao động đã từng ly hương ở lại quê nhà, giúp hàng trăm nghìn lao động có việc làm, thu nhập ổn định, kinh tế, diện mạo các địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển. Tại huyện Hậu Lộc, trước đây, mỗi năm trên địa bàn huyện từng có hàng chục nghìn người phải ly hương để mưu sinh ở khu vực các tỉnh phía Nam, phía Bắc với đủ nghề. Đã từng có những thế hệ thanh niên cứ tốt nghiệp phổ thông nếu không tiếp tục theo con đường học tập thì ngay lập tức theo chân thế hệ đi trước “Nam tiến” để mưu sinh. Thời điểm tháng 4-2011, Nhà máy May IVORY Thanh Hóa đóng trên địa bàn huyện Hậu Lộc đi vào hoạt động đã giữ chân và kéo hàng nghìn lao động đang đi làm ăn xa về quê nhà. Tiếp đó, thông qua việc thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó trọng tâm là thu hút dự án may mặc, da giày, huyện Hậu Lộc đã thu hút nhiều “ông lớn” của ngành may mặc đến đầu tư thực hiện dự án. Hiện trên địa bàn huyện đã có 11 doanh nghiệp kinh doanh ngành may mặc, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Các dự án may mặc đi vào hoạt động đã giúp nhiều lao động, nhất là lao động nữ của huyện Hậu Lộc ly nông bất ly hương. Chị Hoàng Thị Hiền ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Vợ chồng tôi từng 5 năm phải để lại hai con thơ cho mẹ già chăm sóc để vào một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương tìm kế mưu sinh. Xa quê, bao thứ phải chi tiêu, cộng thêm cuộc sống đô thị đắt đỏ nên 2 vợ chồng dù chi tiêu tằn tiện nhưng vẫn không dư dả. Năm 2016, Công ty TNHH Ny Hoa Việt chuyên sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) đi vào hoạt động, vợ chồng tôi về quê xin vào làm công nhân. Được làm việc ngay trên chính quê hương, các con thơ có bố mẹ kèm cặp, dạy dỗ, mẹ già được chăm sóc. Đáng nói, sau 6 năm làm việc tại công ty với mức thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng, vợ chồng tôi đã tiết kiệm xây dựng được ngôi nhà khang trang”.

Ngành may mặc, da giày thực sự đã tạo nên cuộc cách mạng về “việc làm” cho lao động khu vực nông thôn của tỉnh. Để giữ vững vị trí là trung tâm may mặc, da giày của Khu vực Bắc Trung bộ, tỉnh Thanh Hóa hướng đến sự phát triển theo chiều sâu, bền vững. Đường hướng mà tỉnh đã và đang thực hiện cũng là lộ trình để Thanh Hóa thực hiện phương hướng trong phát triển ngành may mặc, da giày của tỉnh theo phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, các dự án may mặc, da giày cần được thu hút đầu tư có chọn lọc tại huyện đồng bằng và ven biển. Đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ hạn chế và dừng thu hút đầu tư mới các dự án may mặc, da giày, khuyến khích các doanh nghiệp may mặc, da giày đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, quy trình quản lý để nâng cao công suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Nguồn;(Baothanhhoa.v.n)