Huyện Thọ Xuân: Giữ vững chất lượng những vùng sản xuất rau màu tập trung

Đăng lúc: 21/11/2023 (GMT+7)
100%

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã hình thành được các vùng sản xuất rau màu tập trung. Tuy nhiên, cùng với việc tạo nguồn cung lớn cho thị trường về các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thì bài toán đặt ra đối với lĩnh vực sản xuất rau, màu chính là việc giữ vững chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất được quy định.

rau1.png
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Thọ Xuân đã vận dụng linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung. Tính đến tháng 11/2023, toàn huyện đã phát triển được 6 vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung phát triển để hình thành vùng chuyên canh sử dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn cao (VietGAP), tổng diện tích hơn 40 ha, tại các xã: Thọ Hải, Xuân Lai, Trường Xuân.... Hiện các sản phẩm rau an toàn đã có thị trường tiêu thụ ổn định tại các bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Theo tính toán của các hộ, 1 ha rau cho doanh thu bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Tại vùng sản xuất rau màu VietGAP của xã Thọ Hải, những ngày này, người dân không chỉ đầu tư, sản xuất những loại rau màu vụ đông truyền thống, như: súp lơ, su hào, rau cải... mà còn chú trọng sản xuất một số loại rau màu trái vụ. Với kinh nghiệm sản xuất lâu đời kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật mới thuần thục nên vùng rau của địa phương luôn xanh mướt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
Tại những vùng sản xuất rau màu, bên cạnh sản xuất theo phương pháp truyền thống, người dân còn đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp sản xuất hiện đại, như: sản xuất nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo hướng hữu cơ... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung rau màu của nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo sản lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm...
rau.png
Để tiếp tục phát triển các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, các cấp, ngành, địa phương trong huyện cần tổ chức nhiều đợt tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh để kích cầu cho người dân đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất hướng đến dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đồng thời, hàng năm tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản an toàn để tạo thêm cơ hội cho hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân