Để sổ liên lạc điện tử phát huy tác dụng

Đăng lúc: 06/03/2023 (GMT+7)
100%

Giáo dục là một trong 9 lĩnh vực được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) trước tiên. Vấn đề đặt ra trong CĐS lĩnh vực giáo dục không chỉ là CĐS trong công tác giảng dạy mà còn là CĐS trong quản trị nhà trường. Trong đó, sổ liên lạc điện tử được xem là công cụ kết nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để sổ liên lạc điện tử phát huy hết tính năng hiện hữu, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà cung cấp dịch vụ và các nhà trường.

 
a2.jpgCô Ngô Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi duyệt giáo án điện tử của giáo viên.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện nay có rất nhiều ứng dụng trao đổi thông tin miễn phí như zalo, messenger... Trong trường học, mỗi lớp học sẽ có một hoặc nhiều nhóm zalo được lập nên để kịp thời trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Thông qua các nhóm chat này, việc nắm bắt, trao đổi thông tin trở nên rất thuận lợi. Thậm chí với nhiều lớp học, zalo chính là kênh tương tác chính giữa giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, để nắm bắt thông tin sâu hơn về kết quả học tập, các khoản phí, điểm danh điện tử, quản lý giáo án điện tử, tuyển sinh đầu cấp, thời khóa biểu... sổ liên lạc điện tử với những tính năng vượt trội là một kênh thông tin kết nối hữu ích giữa gia đình và nhà trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa được khai thác hết các tính năng hiện có, nên đối với nhiều nhà trường, phụ huynh học sinh, sổ liên lạc điện tử chưa phát huy hiệu quả vốn có. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi có 2 con đều đang học THCS. Được nhà trường hướng dẫn tôi cũng đã tải app vnEdu Connect về điện thoại di động để tiện theo dõi việc học tập của các con ở trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi cũng chưa tìm hiểu và khai thác hết các tính năng của app, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở việc nhận thông báo các khoản phí và một số thông tin khác của nhà trường”.

Để các nhà trường cũng như các giáo viên, phụ huynh khai thác hết tính năng hiện hữu của ứng dụng, thúc đẩy quá trình sử dụng thiết thực, hữu ích hơn như: cập nhật bài giảng, cập nhật nhiệm vụ học tập, kết quả học tập... các trường học cần thêm sự đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ từ phía các nhà cung cấp dịch vụ. Cô Ngô Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa), cho biết: "Chúng tôi sử dụng đồng thời cả nhóm zalo và sổ liên lạc điện tử để thông tin tới phụ huynh học sinh. Đối với những tin nhắn mang tính chất riêng của từng lớp thì các cô giáo sẽ sử dụng nhóm zalo. Còn đối với những tin nhắn có tính chất chung của toàn trường, thông báo điểm, xếp loại học sinh, thông báo các khoản thu... thì nhà trường sử dụng tin nhắn vnEdu. Ngoài ra, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cũng là một trong những trường học đầu tiên sử dụng giáo án điện tử.

Thực tế, để những giải pháp công nghệ được triển khai trong nhà trường, bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường thì cũng đòi hỏi sự tham gia của các giáo viên trong việc sử dụng hết các tính năng hiện có, như việc tải những tài liệu học tập, bài giảng hay nhiệm vụ học tập lên phần mềm... Tuy nhiên, những việc này lại không có trong mô tả công việc của vị trí giáo viên nên việc cập nhật các tiện ích mỗi nơi mỗi khác. Có trường thì khá đa dạng, tận dụng hết tính năng sẵn có nhưng có trường mới chỉ sử dụng tính năng nhắn tin thông báo tới phụ huynh.

Là đơn vị triển khai nền tảng quản lý nhà trường vnEdu tới khoảng 1.500 trường (khoảng 70%) trường học trên địa bàn toàn tỉnh, VNPT Thanh Hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS giai đoạn 2021-2025 với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý giáo dục, triển khai tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh theo định hướng của Bộ GD&ĐT và của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó phải kể đến như: triển khai ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu tại các nhà trường; đổi mới phương pháp dạy, học tại các trường, phát triển trường học thông minh, lớp học thông minh; xây dựng mô hình chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trong ngành GD&ĐT; hợp tác trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến về CĐS; phối hợp trong triển khai các cơ chế, chính sách về CĐS trong ngành GD&ĐT...

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Thanh Hóa, cho biết: Sổ liên lạc điện tử chỉ là một trong số những tính năng của hệ sinh thái CĐS mà VNPT Thanh Hóa triển khai trong các nhà trường. VNPT đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ Big Data, AI, Blockchain... với các ứng dụng như: Hệ thống quản lý thông tin nhà trường; Phần mềm quản lý dinh dưỡng; Hệ thống quản lý thu phí tích hợp hóa đơn điện tử; Cổng thông tin học liệu và thi trực tuyến tùy biến; Phần mềm kiểm định giáo dục; Trung tâm điều hành giáo dục; Hệ thống điểm danh điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo... Tuy nhiên, để khai thác hết các tính năng, rất cần sự chung sức phối hợp, quyết tâm của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh để thường xuyên cập nhật “cơ sở dữ liệu” của mỗi học sinh, mỗi nhà trường..., VNPT Thanh Hóa cũng sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các đơn vị.

                                                                           (Baothanhhoa.vn)