Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục

Đăng lúc: 27/03/2023 (GMT+7)
100%

Là khâu then chốt, đóng vai trò quyết định chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức và kỹ năng mà còn là người góp phần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì lẽ đó, việc chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) suốt quá trình xây dựng và phát triển của các nhà trường nói riêng, của ngành giáo dục nói chung.

 a6.jpg
Cô, trò Trường Tiểu học Xuân Phú (Thọ Xuân).

Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiệm vụ đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên (CBGV) không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục, hơn thế nữa phải có khả năng truyền động lực về việc học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh và cộng đồng xã hội. Nhiều năm qua, cùng với sự chủ động của mỗi CBGV, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục tỉnh nhà đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, xắp xếp lại CBGV; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBGV; tăng cường thăm lớp, dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp, đánh giá xếp loại cán bộ quản lý... Kết quả thực hiện các giải pháp cũng cho thấy, mỗi năm có hàng trăm lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tập trung vào chương trình dạy học, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá và sử dụng thiết bị dạy học được ngành giáo dục tổ chức; 100% cán bộ quản lý (CBQL) được tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, nâng cao nghiệp vụ quản lý giáo dục...

Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, Sở GD&ĐT đã cử 537 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuẩn, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng viên chức.

Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức 7 lớp bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý với tổng số 421 học viên. Trong đó, bồi dưỡng cấp chứng chỉ CBQL trường mầm non, tiểu học, THCS trước khi bổ nhiệm cho 210 giáo viên thuộc nguồn kế cận; bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý giáo dục cho 200 CBQL trường mầm non, tiểu học, THCS đương chức có chứng chỉ CBQL quá 5 năm và 6 cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng CBQL cấp phòng theo kế hoạch của UBND tỉnh. Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, Sở GD&ĐT đã cử 537 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuẩn, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng viên chức. Trong đó đào tạo thạc sĩ 4 người, cao cấp lý luận chính trị 2 người, nâng trình độ chuẩn 460 người... Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã cử giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, tổ chức bồi dưỡng đại trà cho hàng nghìn CBQL, giáo viên về các nội dung, chương trình đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh. Thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo được nâng lên, tỷ lệ CBQL và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. Qua thống kê, hiện, toàn ngành có hơn 53.000 CBGV, trong đó công lập 50.733 người, tư thục 2.860 người. Trong tổng số 50.482 CBQL và giáo viên có 47.898 người có trình độ đạt chuẩn trở lên (chiếm 94,88%), trình độ trên chuẩn 16.282 người (chiếm 32,25%).

Qua thống kê, hiện, toàn ngành có hơn 53.000 CBGV, trong đó công lập 50.733 người, tư thục 2.860 người. Trong tổng số 50.482 CBQL và giáo viên có 47.898 người có trình độ đạt chuẩn trở lên (chiếm 94,88%), trình độ trên chuẩn 16.282 người (chiếm 32,25%).

Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, toàn ngành đã tạo được bước chuyển quan trọng về chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng mũi nhọn. 5 năm gần đây, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước về kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa. Bên cạnh đó, toàn ngành duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS. Ngoài ra, chất lượng giáo dục khu vực miền núi cũng có bước chuyển rõ rệt, với nhiều học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh các môn văn hóa, qua đó, từng bước giảm sự chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi về chất lượng giáo dục. Đây cũng là kết quả của sự tâm huyết, yêu nghề, cũng như sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhà giáo trong việc hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sự quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo của ngành.

5 năm gần đây, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước về kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa.

Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng đội ngũ nhà giáo, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo vẫn còn những bất cập, hạn chế, khó khăn, trở ngại. Đơn cử như tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một bộ phận giáo viên vẫn còn làm việc dựa trên kinh nghiệm, chưa thật sự đổi mới phương pháp; chưa gắn kết hoạt động giảng dạy với thực tiễn đời sống. Thậm chí có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Đặc biệt, toàn ngành vẫn còn 2.584 CBGV có trình độ chưa đạt chuẩn, chiếm 5,12%...

...Đơn cử như tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một bộ phận giáo viên vẫn còn làm việc dựa trên kinh nghiệm, chưa thật sự đổi mới phương pháp; chưa gắn kết hoạt động giảng dạy với thực tiễn đời sống...

Những hạn chế, bất cập trên đòi hỏi ngành giáo dục phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các giải pháp như xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh. Tích cực chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm CBQL giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đặc biệt, để thực hiện tốt hơn vai trò, vị trí của mình, mỗi CBGV cần nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với nghề nghiệp, có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức, lối sống mẫu mực, trong sáng, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân.

                                                                        (Baothanhhoa.vn)