Bất cập trong việc dạy tích hợp môn học bậc THCS (Bài 1): “Thay thang không đổi thuốc”

Đăng lúc: 11/09/2023 (GMT+7)
100%

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sau 3 năm học đã nhận được nhiều đánh giá tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, ở một số môn học mới thuộc cấp THCS như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập.

 a2.jpg
Một giờ học của cô, trò Trường THCS Thành Thọ (Thạch Thành). Ảnh: Phong Sắc

Cộng cơ học những môn độc lập...

Chương trình GDPT 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng công phu, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo... Thế nhưng, sau 3 năm thực hiện, dư luận lại quan tâm và chú ý nhiều đến hai môn thường được gọi là “tích hợp” ở cấp THCS gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Hai môn này thực chất là được gộp từ 5 môn học độc lập trong chương trình 2006, trong đó các môn Lịch sử, Địa lý gộp thành môn Lịch sử và Địa lý; các môn Hóa học, Sinh học và Vật lý gộp thành môn Khoa học tự nhiên.

Ngoài ra, ở cấp THCS còn có một số môn cũng mang tính “tích hợp” như môn Giáo dục địa phương, Nghệ thuật. Tuy nhiên, môn mà cả cán bộ quản lý, giáo viên cũng như học sinh quan tâm nhiều hơn vẫn là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên. Thực tế cho thấy, theo Chương trình GDPT 2018, Lịch sử và Địa lý hoàn toàn tách biệt nhau làm hai phần và chỉ được tích hợp lại trong một quyển sách. Nhiều thầy cô nói vui rằng “làm như vậy góp phần tiết kiệm được một bìa sách”.

Theo chia sẻ của thầy giáo Lại Sĩ Hưng, Trường THCS Thành Vinh (Thạch Thành): Môn Khoa học tự nhiên chủ yếu ghép cơ học, là phép tính cộng giữa các môn Hóa học, Sinh học và Vật lý, chưa thể hiện rõ tính tích hợp, liên môn. Chương trình các môn học này chưa có sự tích hợp tương ứng với tên gọi môn. Giáo viên dạy đơn môn dù được tập huấn, bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng được giảng dạy có chất lượng các bộ môn tích hợp này.

Cô giáo Đỗ Thị Thùy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quảng Trạch (Quảng Xương), cho biết: So với môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý còn rõ hai phần riêng biệt hơn. Hình như môn học này chưa bận tâm đến chuyện “tích hợp”. Điều khác trước là Lịch sử và Địa lý không phải hai cuốn sách giáo khoa, mà gộp vào một cuốn. Đúng ra, tích hợp phải là một bộ môn, là các yếu tố cùng cộng hưởng với nhau, tạo ra những giá trị mới chứ không phải phép cộng cơ học của hai hoặc ba môn lại với nhau.

Bàn sâu về sự “tích hợp” ở môn học Lịch sử và Địa lý, một giáo viên THCS trên địa bàn huyện Thạch Thành đánh giá, đây có lẽ là sự “chắp vá” chủ đề lịch sử và địa lý lại với nhau. Sự kết nối, liên môn đối với Lịch sử và Địa lý là rất hiếm hoi trong cùng một cuốn sách. Có chăng, sách Lịch sử và Địa lý lớp 7 có chuyên đề chung gồm: Chủ đề 1: Các cuộc đại phát kiến địa lý; Chủ đề 2: Đô thị lịch sử và hiện đại. Thế nhưng, 2 chủ đề này vẫn do 2 giáo viên sử và địa giảng dạy riêng biệt.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, mặc dù sách giáo khoa trình bày theo các chủ đề, nhưng cơ bản vẫn riêng rẽ. So với khi thực hiện đơn môn, kiểu thiết kế này còn bộc lộ những hạn chế. Ví dụ học sinh học xong chương 1, 2 (Hóa học) ở lớp 7 thì bỏ bẵng đến đầu năm lớp 8 mới trở lại, khi đó chắc các em học sinh đã “rơi rụng” hết kiến thức được học.

... và câu chuyện “hồn ai nấy giữ”

Ghi nhận từ thực tế tại các trường THCS ở các vùng miền trong tỉnh cho thấy, hiện nay các trường đều phân công 2 giáo viên cùng dạy một môn Lịch sử và Địa lý; 2 đến 3 giáo viên cùng giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. Thời khóa biểu vẫn được chia riêng biệt từng phân môn Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học và Vật lý. Đến tiết phân môn nào, thầy, cô phụ trách phân môn đó sẽ trực tiếp giảng dạy. Cách dạy như vậy không đúng với tinh thần Chương trình GDPT 2018 là chỉ có một giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý hoặc Khoa học tự nhiên.

a3.jpg

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Quảng Nham (Quảng Xương) kiểm tra, nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa giảng dạy phân môn tích hợp.

Thế nhưng, tại thời điểm này việc một giáo viên có thể đảm nhiệm dạy cho 1 môn với nhiều môn thành phần như vậy là rất khó. Cô Tạ Thị Thơ, giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, Trường THCS Quảng Nham (Quảng Xương) phân trần: "Thay vì nội dung sách giáo khoa phải trình bày theo đúng tinh thần tích hợp thì trên thực tế sách lại được trình bày một cách riêng rẽ đối với Lịch sử và Địa lý. Giáo viên chúng tôi chỉ được đào tạo đơn môn. Sách giáo khoa cũng trình bày theo kiểu đơn môn. Vậy làm sao người thầy giáo có thể liên kết các môn lại để dạy đúng như tinh thần của môn tích hợp? Hiện tại tôi vẫn đảm nhiệm dạy phần lịch sử, một giáo viên khác đảm nhiệm dạy phần địa lý. Điều này dẫn đến không ít khó khăn, bất cập trong quá trình giảng dạy".

Cũng theo cô Thơ, việc kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) lại càng rắc rối hơn. Giáo viên dạy Lịch sử cùng giáo viên dạy Địa lý phối hợp lại làm chung một đề theo kiểu tổ hợp môn sử địa. Việc chấm điểm cũng theo từng phân môn riêng với tỷ lệ 50 - 50, sau đó giáo viên tổng hợp lại thành một cột điểm chung thống nhất. Như vậy, một bài kiểm tra có hai giáo viên... cùng chấm điểm (!?).

Ở môn Khoa học tự nhiên cũng vậy, thầy giáo Lại Sĩ Hưng, Trường THCS Thành Vinh, khẳng định: “Mặc dù được đào tạo chuyên ngành hóa - sinh ở bậc cao đẳng và chuyên ngành hóa ở bậc đại học, nhưng để giảng dạy cả 2 phân môn, nhất là đối với chương trình lớp 8 thực sự là gánh nặng cả về thời gian và chất lượng đối với tôi tại thời điểm này”.

Có thể thấy, từ thực tiễn triển khai và những bất cập đã được nhận diện, môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên trong Chương trình GDPT năm 2018 đã và đang làm khó cho thầy, cô trong việc giảng dạy, cho cơ sở giáo dục trong việc phân công chuyên môn. Dù Bộ GD&ĐT đã tiến hành tập huấn dạy tích hợp cho giáo viên nhưng trên thực tế không thể đảm bảo yêu cầu chất lượng. Do đó, dù mang tiếng “dạy tích hợp” nhưng thực chất vẫn là dạy đơn môn theo kiểu “hồn ai nấy giữ”.

                                                                                   (Baothanhhoa.vn)