Chuyển đổi số - khơi dậy tiềm năng, đưa Thanh Hóa phát triển đột phá (Bài cuối): Nhận diện thách thức, khơi dậy tiềm năng

Đăng lúc: 19/09/2023 (GMT+7)
100%

- Chuyển đổi số (CĐS) là một quá trình diễn ra liên tục, xuyên suốt trong tiến trình phát triển của xã hội theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong mỗi giai đoạn lại đặt ra những mục tiêu, yêu cầu mới để thực hiện. Để quá trình CĐS diễn ra nhanh, bền vững, hiệu quả đòi hỏi các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cấp, các ngành nhận diện được thách thức, từ đó khơi dậy tiềm năng đưa Thanh Hóa phát triển đột phá.

 177d2093949t96381l0.jpg

Cán bộ Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin. Ảnh: Linh Hương

Thanh Hóa lọt tốp 20 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh CĐS và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng để triển khai CĐS ở những giai đoạn tiếp theo. Với quyết tâm thực hiện xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, vì vậy tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) hiện đang cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 10 dịch vụ kết nối với Trung ương; trục kết nối nội tỉnh đang được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định.

Thực hiện trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp trên nền tảng LGSP. Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Hạ tầng số được quan tâm đầu tư phát triển hiện đại, đồng bộ, thông suốt giữa các cấp ủy, chính quyền các cấp và trong nội bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo các điều kiện để triển khai các nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên toàn tỉnh. Hạ tầng viễn thông, Internet được phủ sóng đến 4.354/4.357 thôn, bản; mạng băng thông rộng cố định được triển khai đến 4.337/4357 thôn, bản; có 9.444 trạm BTS được lắp đặt phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,7%.

Các trung tâm tích hợp dữ liệu tiếp tục được đầu tư đảm bảo cho việc duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan đảng và cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thành các mô hình CĐS trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành mô hình CĐS cấp huyện, cấp xã và ban hành quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; mô hình “3 không” trong CĐS ở Thanh Hóa cũng đã được triển khai thực hiện và từng bước thu được những kết quả khả quan. Với những kết quả nổi bật đã đạt được, Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về mức độ CĐS DTI năm 2022.

Thách thức là đòn bẩy để CĐS

Nhìn vào kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 vừa được UBND tỉnh công bố ngày 20-6-2023 cho thấy: Với điểm số 962,73 điểm, Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị dẫn đầu khối các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đứng vị trí thứ 2 là Sở Thông tin và Truyền thông và thứ 3 là Sở Giáo dục và Đào tạo. TP Thanh Hóa xếp thứ nhất khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, với 848,67 điểm. Tiếp đến là UBND huyện Như Thanh và UBND thị xã Nghi Sơn. Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng là Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa với 573,48 điểm và huyện Lang Chánh với 420,8 điểm...
177d2093925t84397l0.jpg

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết: Quá trình CĐS tỉnh ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, như: Cơ sở dữ liệu của các ngành hiện nay còn rời rạc, chưa đồng bộ; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với các cơ sở dữ liệu tỉnh còn vướng mắc, chưa tích hợp được các loại giấy tờ của các cá nhân và chưa thực sự giảm được thời gian trong việc thực hiện thủ tục hành chính; việc hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; một số nền tảng số do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn khó khăn và chưa đem lại hiệu quả trong thực tế như nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng...

Thanh Hóa xác định CĐS không chỉ có sự dẫn dắt của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, trong định hướng xây dựng CĐS toàn diện của tỉnh, các chỉ tiêu, chính sách, giải pháp đều lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tuy nhiên, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong khi đó, chức danh chuyên trách về CĐS chưa được các bộ, ngành quy định cụ thể, nên tỉnh chưa thể tuyển dụng cán bộ cho vị trí này. Đối với chức danh chuyên trách về an toàn thông tin mạng, đòi hỏi cán bộ phải được đào tạo chuyên sâu, do vậy, việc phân công thực hiện nhiệm vụ này tại tuyến xã đang gặp khó khăn.

Ông Lê Quang Thạnh, công chức văn hóa xã Định Hưng (Yên Định) chia sẻ: "Tôi học ngành văn hóa, được phân công kiêm nhiệm thêm phụ trách CĐS. Mặc dù cũng được tập huấn về CĐS nhưng nhiều cái cũng chưa thạo. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, mong muốn lớn nhất của những cán bộ kiêm nhiệm như chúng tôi là sẽ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu hơn trong thời gian tới để phục vụ công việc tốt hơn".

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Định Hưng cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang phân công các cán bộ kiêm nhiệm CĐS theo lĩnh vực mà các đồng chí đảm nhiệm. Với yêu cầu ngày càng cao của công tác CĐS, thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách này. Đồng thời cũng đề xuất có chỉ tiêu cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách để đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ CĐS được triển khai đúng hướng và đạt hiệu quả cao".

Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CĐS, Thanh Hóa xác định: Phát triển hạ tầng số, xây dựng kế hoạch và từng bước hoàn thiện hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, đô thị... Xây dựng kế hoạch triển khai và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên các đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu CĐS. Duy trì hoạt động của Cổng dữ liệu mở của tỉnh; tạo lập, kết nối, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu; phối hợp triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phát triển chính quyền số thông qua việc triển khai trợ lý ảo để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai trợ lý ảo trong cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Triển khai chương trình phối hợp với đoàn thanh niên, sử dụng lực lượng đoàn thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu trong quá trình thực hiện CĐS để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; thực hiện thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ thiết yếu như thanh toán tiền điện, tiền nước sinh hoạt; tiền Internet...; hỗ trợ cho người dân thực hiện khai báo định danh điện tử qua ứng dụng VNeID; phối hợp xây dựng mô hình CĐS trong một số ngành, lĩnh vực du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế...

Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, đến năm 2030 sẽ trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Thanh Hóa cần thêm sự nhập cuộc chủ động, tích cực hơn nữa của đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp... trên địa bàn toàn tỉnh để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Thanh Hóa phát triển đột phá.
Theo;(Baothanhhoa.vn)