Nhân kiệt địa linh thiên cổ

Đăng lúc: 11/02/2024 (GMT+7)
100%

- Được sinh ra và dưỡng nuôi trên mảnh đất “Nhân kiệt địa linh thiên cổ tại” - đất của đế vương, nơi địa linh nhân kiệt và phong tục thuần hậu. Để rồi, tất cả những yếu tố ấy đã góp phần tạo dựng “diện mạo” hay hun đúc nên bản lĩnh, cốt cách, phẩm giá con người xứ Thanh.

 177d2152642t91428l0.jpg

Lễ hội Lam Kinh để tri ân và ngợi ca công đức tiền nhân, đặc biệt là vua Lê Thái tổ - người khai sinh ra vương triều Hậu Lê.

Bàn về khí tiết con người và nhân tài xứ Thanh, sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc”. Điều này là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn sâu vào quá khứ, từ mảnh đất của “khí tinh hoa tụ họp” này đã sinh ra nhiều bậc vương tướng, văn nho mà tài năng và công lao của họ đã tạc vào sử sách.

Đất nước trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc bị đặt dưới đô hộ, nô dịch, đồng hóa hà khắc. Song, với truyền thống yêu nước, quyết không chịu làm nô lệ, Nhân dân cả nước, trong đó có Nhân dân Cửu Chân (Thanh Hóa) đã liên tục nổi dậy chống lại ách đô hộ, giành lại độc lập cho dân tộc. Ở nhiều thời điểm, mảnh đất này đã trở thành trung tâm tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, để làm nên nhiều thắng lợi vang dội. Trong đó có cuộc khởi nghĩa của bậc nữ trung hào kiệt Triệu Thị Trinh (năm 248) với khát vọng “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ”; hay cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ (năm 931); hay Lê Hoàn – người “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự”... Và đặc biệt là Bình Định vương Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để bình Ngô và sáng lập ra triều đại Hậu Lê mãi còn lưu danh.

Là mảnh đất của sự giao thoa và hội tụ của lịch sử và văn hóa, nên “diện mạo” của người xứ Thanh còn là “diện mạo” của kẻ sĩ “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” – vừa anh dũng, can trường đầy nghị lực và khí phách hiên ngang; vừa tài hoa, tinh tế, yêu sự học, yêu cái đẹp. Trong gần 4 thế kỷ, dưới hai triều đại thịnh trị Lý (1009-1225) và Trần (1225-1400), xuất hiện nhiều danh thần, lương tướng người xứ Thanh như Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu (thời Lý); Lê Văn Hưu, Lê Quát, Trần Khát Chân (thời Trần)... Chưa hết, từ vùng đất “dấy nghiệp đế vương” này, người Thanh Hóa không chỉ “tiến ra Bắc” với nhiều thế hệ nho sĩ, quan lại; mà còn làm nên một cuộc “Nam tiến” gắn với sự nghiệp lẫy lừng “mang gươm đi mở cõi” của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và lớp người đi tiên phong từ giữa thế kỷ XVI.

Có thể nói, dấu ấn Thanh Hóa mà cụ thể là con người Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận. Như nhận xét của một nhà nghiên cứu lịch sử, thì phần lớn giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX, bản lĩnh, trí tuệ, công lao đóng góp của người xứ Thanh được tỏ rõ qua sự hiện diện của các triều đại gắn với ba dòng họ lớn: họ Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn - có nguồn gốc đích thực xứ Thanh. Điều ấy khẳng định tầm vóc, vị trí trọng yếu của mảnh đất Thanh Hóa trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vị thế ấy, tầm vóc ấy được thể hiện cụ thể qua phẩm chất riêng có của những nhân vật kiệt xuất, của những vọng tộc, cự tộc ở xứ Thanh từng hiện diện trong lịch sử Việt Nam thời trung đại.
177d2152708t27206l0.jpg

Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa.

Từ mạch nguồn lịch sử và văn hóa rất đỗi tự hào ấy, bước vào thời đại Hồ Chí Minh, dấu ấn của đất và người xứ Thanh lại tiếp tục được đánh dấu bằng những Ba Đình, Ngọc Trạo, những Hàm Rồng – Nam Ngạn...; đã đóng góp để làm nên những chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu”, hay đại thắng mùa xuân 1975 để non sông ca khúc khải hoàn... Có thể nói, tinh thần yêu nước, sự bất khuất, can trường, xả thân vì nghĩa lớn; tinh thần hiếu học, sáng tạo, cần cù, trọng tình nghĩa và đạo lý... vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Song, những nét đặc trưng này – có lẽ xuất phát từ nhiều lý do sâu xa đã được đề cập ở trên - đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên mảnh đất và trong cốt cách, phẩm giá con người xứ Thanh.

Những bậc kỳ tài đã làm rạng danh lịch sử và trở thành niềm tự hào muôn đời của xứ Thanh. Song không thể quên một điều rằng, để định hình nên vị thế và dáng vóc của xứ sở này trên bản đồ lịch sử dân tộc, còn có công lao, trí tuệ của hàng triệu con người đã, đang hàng ngày sống, hằng ngày lao động và hàng ngày cống hiến cho sự phát triển quê hương, đất nước. Có ý kiến cho rằng, với truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất vốn sinh ra nhiều bậc anh hùng mở đất và giữ nước, đã hun đúc nên một môi trường tư tưởng, một không gian văn hóa xứ Thanh luôn lưu truyền và thôi thúc khát vọng vươn tới vị trí có “tầm ảnh hưởng” của những thế hệ người Thanh Hóa. Còn theo nhận định của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, thì “người Thanh Hóa hay nhân tố Thanh Hóa là hết sức đặc biệt, đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong quá trình lịch sử, văn hóa dân tộc. Nhân tố này đã góp phần đặc biệt tạo thành Việt Nam như đã và đang có”...

Khẳng định và tôn vinh cái đẹp, cái cao thượng trong phẩm giá, cốt cách, tinh thần con người xứ Thanh từ trong trường kỳ lịch sử, để tiếp tục vun đắp cho tâm hồn, tính cách con người ngày nay những phẩm chất đẹp, cũng là để lan tỏa các giá trị cao đẹp, nhân văn trong cuộc sống. Nhưng đồng thời, cũng cần khách quan nhìn nhận những mặt còn hạn chế, hay phải biết “xét tật mình” để tránh đi những điều dở, để tự hoàn thiện bản thân sao cho xứng đáng với tiền nhân tiên tổ. Thiết nghĩ đó là điều rất cần được đặt ra lúc này, nhằm khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Nhân dân Thanh Hóa, vì sự phát triển giàu đẹp của quê hương, đất nước.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

Truy cập
Hôm nay:
2039
Hôm qua:
4019
Tuần này:
9286
Tháng này:
60848
Tất cả:
2059717