Độc đáo lễ hội Xuân Phả

Đăng lúc: 05/03/2025 (GMT+7)
100%

Những ngày này, toàn xã Xuân Trường đã và đang sôi động, rộn ràng các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội truyền thống Xuân Phả năm 2025. Băng rôn, khẩu hiệu, cờ Đảng, cờ Tổ quốc chào mừng Lễ hội đã được treo ở vị trí trang trọng dọc các tuyến đường chính, các nhà văn hóa làng và tại các hộ Nhân dân trên địa bàn toàn xã. Đội tế của xã và đội múa trò Xuân Phả tích cực tập luyện mỗi làng một nước trò để biểu diễn trong Lễ tế Thần Hoàng làng sáng 9/3/2025 tức mùng 10/2 năm Ất Tỵ.

Xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân nằm yên bình bên dòng sông Chu hiền hoà. Những ngày đầu tháng 2 âm lịch, có dịp về đây, mọi người đều được hòa mình vào không khí tươi vui, rộn rã của bà con khắp làng trên, xóm dưới nô nức trẩy hội truyền thống Xuân Phả,với những nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa của riêng vùng quê này.
Rước kiệu.jpg
Lễ hội làng Xuân Phả đã có từ lâu đời. Đây là sinh hoạt văn hóa thường niên  lớn nhất của dân làng. Theo truyền thống, lễ hội Xuân Phả được bắt đầu từ mùng 9/2 âm lịch. Với các hoạt động chính như: rước thánh thẻ, rước văn, rước sắc và tổ chức lễ cáo tại nghè thờ thành hoàng làng vào buổi chiều.
Tế lễ trueyenf thống.jpg
Tiếp đó, từ sáng sớm 10/2 âm lịch- ngày chính thức của lễ hội, từ mọi nẻo đường, du khách gần xa và nhân dân ở 6 làng văn hóa trong xã, nhà nhà, người người, già trẻ, gái trai, tất cả đều tạm gác lại công việc hàng ngày, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cùng nô nức đổ về sân nghè thờ Thành hoàng làng để tham gia lễ hội. “ Dù ai đi đâu, ở đâu; Lễ hội Xuân Phả, rủ nhau cùng về”; Trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã, các làng đi thành từng đoàn lộng lẫy cờ- lọng, rước kiệu, rước cỗ về sân tế. Làng nào cũng cố gắng chuẩn bị kiệu, cỗ và đội hình rước đẹp nhất
4.jpg
Lễ hội làng Xuân Phả nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Trong các hoạt động chính của Lễ hội, đáng chú ý có Lễ tế Thành Hoàng làng theo nghi thức tế cổ truyền, do các cụ trong đội tế của xã hành lễ. Từ xa xưa cho đến ngày nay, chỉ những người cao tuổi là nam giới thực sự tiêu biểu mới được chọn vào đội tế. Đặc trưng của lễ hội và cũng là phần luôn cuốn hút người xem nhất, đó là thi múa trò Xuân Phả của 6 làng với 5 điệu múa dân gian đặc sắc, còn gọi là “ Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần). Đây là những điệu múa đặc sắc của các bộ tộc và các nước lân bang đem tiến cống mừng vua Đinh Tiên Hoàng đăng quang và được nhà Vua ban tặng lại cho dân làng Xuân Phả cách đây hơn 1 nghìn năm. Đạo cụ diễn trò hầu như được làm bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si, được các nghệ nhân của làng tạo thành những lốt voi, lốt hổ, ngựa hồng, ngựa bạch, kỳ lân, mặt nạ, mũ nan, siêu đao, mái chèo thuyền…
5.jpg
Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu trắng, tùy theo từng trò diễn. Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả chủ đạo là trống. Ngoài ra còn thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn. “ Hoa Lang nhịp bước chèo đò; Chiêm Thành rực đỏ sắc cờ tung hô; Ai Lao, Ngô Quốc xi lô; Tú Huần có mẹ, con thơ đi cùng; Trống trò vang vọng thì thùng; Sân Nghè tụ hội, vui chung trẻ, già”. Trò Xuân Phả, chỉ có người Xuân Phả nhập cuộc thì mới ra “ hồn cốt” của trò. Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, Lễ hội truyền thống Xuân Phả là niềm tự hào của nhân dân xã Xuân Trường nói riêng và của xứ Thanh nói chung, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào tự tôn, tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội và trò diễn Xuân Phả đã ăn sâu vào đời sống tinh thần, là một nghi lễ thiêng liêng của người dân làng Xuân Phả, có ảnh hưởng sâu rộng tới các vùng lân cận. Cùng với đó, mới đây Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Nghè, chùa Tạu, xã Xuân Trường đã được UBND tình Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch tại huyện Thọ Xuân. Đây là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để Lễ hội truyền thống Xuân Phả thực sự là dịp sinh hoạt văn hóa tâm linh, là ngày hội lớn của nhân dân Xuân Trường cũng như đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
 7.jpg
Lễ hội truyền thống Xuân Phả năm 2025 sẽ chính thức khai mạc vào sáng 9/3/2025 (tức 10/2 năm Ất Tỵ), tại khu di tích lịch sử Quốc gia chùa Tạu thôn 1, xã Xuân Trường. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tin tưởng rằng Lễ hội năm nay sẽ thành công tốt đẹp và thực sự là Ngày hội lớn của Nhân dân trên địa bàn, góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di tích lịch sử Quốc gia chùa Tạu; bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Trò Xuân Phả; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân trong gìn giữ phát huy giá trị Lễ hội truyền thống Xuân Phả, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng quê hương Xuân Trường ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL Thọ Xuân 
Truy cập
Hôm nay:
3279
Hôm qua:
5526
Tuần này:
19241
Tháng này:
142351
Tất cả:
2816911