Huyện Thọ Xuân: Tổng doanh thu các Hợp tác xã nông nghiệp đạt trên 36 tỷ đồng

Đăng lúc: 15/05/2023 (GMT+7)
100%

Toàn huyện Thọ Xuân có 31 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với 521 thành viên. Từ năm 2022 đến tháng 4/2023, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã chủ động liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm.

ht.png
Hiện nay, 100% số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã kết nối với doanh nghiệp và nông dân để thực hiện các hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mở cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, với các sản phẩm chủ yếu như: lúa thương phẩm, nấm, mộc nhĩ, rau, quả an toàn… Tổng doanh thu của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 đạt 36 tỷ đồng, trong đó, bình quân mỗi Hợp tác xã đạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, huyện Thọ Xuân tập trung một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX như: Rà soát, đánh giá đúng về tình hình đăng ký kinh doanh, tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn; trên cơ sở lợi thế của địa phương, định hướng ngành nghề hoạt động của các hợp tác xã và các tổ hợp tác. Mạnh dạn giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, lựa chọn, nhân cấy các tổ hợp tác sản xuất, chế biến tiêu thụ cùng sản phẩm có hiệu quả cao, tiếp tục thành lập các HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012; Tập trung công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, năng lực thị trường cho cán bộ HTX. Định hướng cho các HTX mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực địa phương có thế mạnh để vừa nâng cao thu nhập, vừa giảm rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, chú trọng; Quy hoạch đất đai để các HTX xây dựng trụ sở làm việc và đầu tư sản xuất; Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước triển khai trên địa bàn toàn huyện; Tổ chức tham quan, học tập nghiên cứu mô hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và nâng cao chất lượng xây dựng NTM tại các địa phương khác cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người sản xuất; Đồng thời rà soát đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp từ huyện đến xã, các HTX nông nghiệp trên địa bàn, lập kế hoạch đào tạo, tập huấn, học tập các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhận chuyển giao, chuyển giao lại ứng dụng công nghệ cao đến tận nông dân cho từng dự án.
 
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL Thọ Xuân