Hiệu quả trang trại hữu cơ tuần hoàn không rác thải tại xã Nam Giang

Đăng lúc: 09/05/2023 (GMT+7)
100%

Với 1,5ha đất, một trang trại chăn nuôi kết hợp ao thả cá giống và trồng cây ăn quả ở xứ Đồng Ngâu, xã Nam Giang đã cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Đáng nói, gia chủ đã sớm xác định được phương pháp chăn nuôi theo hướng hữu cơ với các sản phẩm an toàn, có hệ thống xử lý và tận dụng chất thải hiệu quả để bảo đảm vấn đề môi trường.

ng.png
Với xuất phát điểm là hộ kinh doanh lương thực tại thôn Phố Neo, xã Nam Giang, kinh tế của gia đình chị Lê Thị Oanh tương đối ổn định. Tuy nhiên, với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm việc sản xuất theo mô hình trang trại, bản thân chị Oanh luôn nung nấu trong mình ý tưởng làm sao để xây dựng được một trang trại thực sự có quy mô và tạo ra các sản phẩm đảm bảo ATTP. Chính vì lẽ đó, khi xã Nam Giang có chủ trương tích tụ ruộng đất, quy hoạch khu vực Đồng Ngâu để phát triển kinh tế trang trại, cuối năm 2017, gia đình chị Oanh đã tích tụ, thu gom được 1,5ha và đầu tư công sức, tiền của bắt đầu san lấp mặt bàng, đào ao, đắp bờ, xây dựng hệ thống chuồng trại.
ng2.png
Cũng theo chị Oanh, ngay từ đầu, gia đình đã xác định phương thức sản xuất khác với truyền thống trong vùng là hướng đến sản xuất sạch và bảo đảm môi trường theo hướng hiện đại. Với sự năng động, ngoài học tập kinh nghiệm chăn nuôi trên sách báo, truyền hình, vợ chồng chị còn đi tham quan thực tế và học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình chăn nuôi hiện đại ở các tỉnh. Vợ chồng chị Oanh còn thuê cả chuyên gia về khảo sát, thiết kế và quy hoạch khu trang trại cho phù hợp nhất. Ngoài đất làm nhà ở, nhà để dụng cụ thiết bị máy móc, các nguyên liệu  phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng trọt là 500 m²; trung tâm khu đất được xây dựng các khu chuồng trại hiện đại để nuôi lợn và gà. Quanh các khu chuồng được đào 2 ao lớn chạy dài để nuôi cá, đồng thời tạo sự thông thoáng và cách ly với mầm bệnh cho đàn vật nuôi. Khu vực bờ ao, dọc các đường bê tông trong trang trại và toàn bộ diện tích còn lại được gia đình trồng cây ăn quả như bưởi, na, dừa, vú sữa và chanh. Theo chị Lê Thị Oanh, toàn bộ lợn con sinh ra được luân chuyển nuôi thịt chứ không nhập từ bên ngoài, vừa chủ động nguồn giống, vừa bảo đảm nguồn gốc để phòng dịch bệnh. Hệ thống các ao nuôi được luân canh cá giống. Các loại cá tạp như rô phi, cá mè đều được tận dụng sản xuất thức ăn cho đàn lợn và gà.
ng1.png
Một sự khác biệt so với hầu khắp các trang trại chăn nuôi trong tỉnh là nơi đây có hệ thống máy móc sản xuất thức ăn chăn nuôi riêng biệt được đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nguồn cá rô phi dưới ao, cộng với đậu tương, ngô hạt, cá khô... được nghiền nhỏ rồi phối trộn thành thức ăn dạng viên. Một số phụ phẩm sau chế biến hải sản của các nhà máy tại thị xã Nghi Sơn cũng được thu mua về để ủ với men vi sinh làm thức ăn bổ sung cho lợn.
Tạo được sự khác biệt trong chất lượng thịt lợn và trứng gà nuôi tại trang trại, cộng với quy trình chăn nuôi khá hiện đại và hợp vệ sinh nên năm 2021, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAPH cho 2 sản phẩm. Ngoài xuất bán lợn thịt với số lượng lớn cho các thương lái quen thuộc, hiện trang trại còn tổ chức sản xuất giò chả từ thịt lợn theo hướng hữu cơ.
ng3.png
Với số lượng đàn vật nuôi lớn là vậy, nhưng công tác xử lý môi trường ở đây khá hiệu quả. Dạo quanh trang trại giữa không gian thoáng đãng và hệ thống cây xanh điều hòa, vẫn cảm giác được sự trong lành hiếm thấy so với nhiều trang trại khác. Bởi lẽ, toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom liên tục, đẩy xuống các bể biogas theo hệ thống bán tự động. Khí ga sinh ra được sử dụng tuần hoàn vào khâu đun nấu, sản xuất thức ăn cũng như phát điện phục vụ trang trại. Những rác thải khác đều được ủ, cộng với nguồn mùn cuối cùng của hệ thống biogas lại trở thành phân bón cho cây ăn quả. Việc xử lý, rồi biến chất thải thành chất đốt, thành nhiên liệu cho các máy móc và đun nấu nên một trang trại cỡ lớn giữa xứ Đồng Ngâu hầu như không còn tồn đọng rác thải phát tán ra ngoài.
Có thể nói, từ khu đồng lầy lội trước kia, gia đình chị Lê Thị Oanh, xã Nam Giang đã xây dựng bước đầu thành công khu trang trại tổng hợp, sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã NTM nâng cao trong năm 2023./.
Lê Hải, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân