Chủ động phòng tránh đuối nước cho trẻ em trong mùa nắng nóng

Đăng lúc: 26/04/2024 (GMT+7)
100%

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024, công chức, viên chức, người lao động, Học sinh - sinh viên được nghỉ 5 ngày liên tục (từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5); Thời gian nghỉ lễ dài, thêm vào đó, dự báo những ngày nghỉ lễ, thời tiết nắng nóng gay gắt, đây chính là nguyên nhân để các em bắt đầu tìm đến niềm vui trong việc bơi lội ở các khu vực như ao, hồ, sông, kênh mương… Tuy nhiên, không có sự giám sát của cha mẹ hay người lớn nên các em phải đối mặt với nguy cơ đuối nước rất cao.

0777b6e0e91947471e08.jpg
(Khu vực xảy ra vụ đuối nước thương tâm chiều 26/4/2024)

Theo nguồn tin ban đầu, chiều 26/4/2024, tại khu vực sông Nông Giang, đoạn gần thuỷ điện Bàn Thạch (thuộc địa phận xã Xuân Sinh), đã có một trường hợp đi tắm bị đuối nước. Sự việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.
Được biết, thời gian qua,để phòng tránh tai nạn đuối nước, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, nhất là tai nạn đuối nước cho trẻ. Đoàn thanh niên các xã, thị trấn trong huyện đã phối hợp với Công an các địa phương và các trường học tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, hướng dẫn phương pháp sơ cấp cứu nạn nhân khi bị đuối nước cho học sinh các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Tiểu học và THCS trên địa bàn. Mở các lớp dạy bơi,...  Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân vẫn rất lơ là với việc để con em mình hàng  ngày ra tắm ở những dòng kênh hay ao hồ.
1212121.jpg
(Thời tiết nắng nóng, nhiều trẻ em chọn niềm vui bơi lội tại ao, hồ, sông, kênh mương,... nguy cơ cao xảy ra đuối nước)
Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực hơn để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng đuối nước trẻ em. Trong đó, việc trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối, kênh mương; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…Đây được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên đuối nước./.
Lê Hải - Năng Tiến, Trung tâm VHTT, TT và Dl huyện Thọ Xuân