Huyện Thọ Xuân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp

Đăng lúc: 14/05/2025 (GMT+7)
100%

Cơ giới hóa đồng bộ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương trên địa bàn huyện Thọ Xuân tích cực triển khai trong những năm gần đây. Giải pháp này đã, đang thay đổi cơ cấu sản xuất, góp phần nâng cao năng suất trên cùng một diện tích, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

thuhoach.png
Thực hiện chủ trương cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp của huyện, đến nay trên địa bàn xã Xuân Minh đã có hàng chục máy cày, bừa lớn, máy cấy, máy gặt đập liên hợp và 1 thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây là điều kiện, nền tảng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hướng tới những cánh đồng “không dấu chân”. Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất sản xuất lúa của xã Xuân Minh đạt 100%; thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp 100%; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV đạt 30% diện tích. Đánh giá từ HTX nông nghiệp Xuân Minh cho thấy, việc sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều tiện ích, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất... Ví như một máy cấy bốn hàng có thể cấy được 3ha/ngày, tương đương với 45 người cấy tay. Máy cấy giúp lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh, đồng thời làm lúa đẻ nhánh sớm và khỏe hơn, năng suất cao hơn so với cấy tay. Hay như việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV giúp tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc phun thuốc BVTV bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững...
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng KHCN, cơ giới hóa vào sản xuất, huyện Thọ Xuân đã tập trung đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai sản xuất theo quy mô lớn. Bước đầu trên địa bàn huyện đã phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là điều kiện để áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với chế biến. Đến nay, huyện đã phát triển được các trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, như: sản xuất hoa, rau, quả trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Israel. Toàn huyện đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; trong đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của châu Âu, Israel và các nước phát triển... Một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã và đang hình thành, phát triển bền vững, như: cây mía nguyên liệu, giống lúa thuần chất lượng cao, ngô dày, cỏ làm thức ăn chăn nuôi... và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: ớt, ngô ngọt, khoai tây, bí,... với diện tích 500 - 700 ha/năm.  xp.png
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nếu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, lợi nhuận trung bình đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Ứng dụng công nghệ cao cũng là điều kiện để sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nông nghiệp, sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao, thúc đẩy phát triển tế nông nghiệp.
Đối với việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, qua thống kê của phòng chuyên môn, hiện nay, toàn huyện Thọ Xuân có hàng chục hợp tác xã phát triển cơ sở mạ khay, máy cấy, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu gieo cấy từ 2.500 ha trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đạt 95% diện tích... Việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã khắc phục tình trạng thiếu lao động vào thời điểm chính vụ. Từ đó, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công chuyển sang hình thức sản xuất tập trung.
Có thể nói, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng và khẳng định ưu thế vượt trội trong việc nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của sản phẩm; góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân 
Truy cập
Hôm nay:
5115
Hôm qua:
4401
Tuần này:
23635
Tháng này:
78769
Tất cả:
2753329