Cuộc đời thăng trầm của danh tướng Lê Ngân

Đăng lúc: 20/09/2024 (GMT+7)
100%

- Dù không có mặt trong Hội thề Lũng Nhai, cũng không có mặt trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) tại Lam Sơn, nhưng Lê Ngân lại có mặt đúng lúc nghĩa quân cần một tướng tài và cần một trận thắng lớn để gây thanh thế.

 177d5100442t58859l0.jpg

Danh tướng Lê Ngân được thờ trong đình Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cùng với tướng Đỗ Bí. Ảnh: CHI ANH

Sách “Lam Sơn thực lục” có ghi rõ Lê Ngân người Đàm Di (nay thuộc xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân). Đất Đàm Di xưa là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều bậc anh hùng, hào kiệt nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như: Lê Đình, Lê Sao, Lê Đức...

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Ngân là người có thực tài về quân sự, trở thành võ tướng quan trọng của Lam Sơn và lập công xuất sắc trong nhiều trận đánh lớn. Khi khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra được vài ba tháng, đang chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, quân Minh liên tiếp tổ chức những cuộc tấn công hòng đàn áp tiêu diệt nghĩa quân, Lê Lợi phải rút quân lên đóng ở Lạc Thủy (thuộc huyện Cẩm Thủy ngày nay) rồi cho đặt phục binh đợi địch.

Khi địch kéo quân tới, Lê Lợi sai 4 tướng là Lê Ngân, Lê Thạch, Đinh Bồ và Lê Lý xông lên hãm trận. Do khéo tận dụng địa thế lại đánh một cách rất bất ngờ và hiểm hóc, nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lớn, chém được 3.000 đầu địch, thu được mấy ngàn khí giới. Trận thắng này đã khẳng định Lê Ngân là viên tướng dũng lược, tài năng.

Từ đây, Lê Ngân luôn được Lê Lợi và bộ chỉ huy tin cậy, giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Đáp lại, Lê Ngân cũng không ngừng cố gắng lập công, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của nghĩa quân Lam Sơn.

Năm 1425, Trần Nguyên Hãn và Doãn Mỗ mang quân đánh Tân Bình và Thuận Hóa. Lê Lợi sai Lê Ngân cùng Lê Văn An mang 70 thuyền vượt biển vào tiếp ứng cho Trần Nguyên Hãn. Quân địch bị đánh bại, phải rút vào thành cố thủ. Làm chủ đất Tân Bình và Thuận Hóa, quân Lam Sơn huy động thêm được quân và voi trận ra Bắc.

Tháng 9 năm 1426, sau khi giải phóng một vùng đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào phía Nam, Lê Lợi đã điều động hơn 1 vạn quân, chia làm ba đạo khác nhau, cùng tiến ra hoạt động ở vùng còn bị quân Minh chiếm đóng và tìm cách uy hiếp thành Đông Quan. Tháng 11 năm 1426, quân Lam Sơn đã chiến thắng lẫy lừng ở trận quyết chiến chiến lược Tốt Động - Chúc Động, đập tan mưu đồ phản công của Vương Thông. Tin đại thắng báo về, Lê Lợi rất lấy làm phấn khởi, lập tức đưa toàn bộ Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn ra đóng ở ngay vùng ngoại thành Đông Quan.

Trước khi đi, Lê Lợi trao quyền tổ chức vây hãm thành Nghệ An cho Lê Ngân. Tướng Lê Ngân vừa ráo riết siết chặt vòng vây, vừa không ngừng lên tiếng dụ hàng. Tháng 2 năm 1427, tướng giặc đang giữ thành Nghệ An là Thái Phúc phải mở cửa xin hàng, Lê Ngân hiên ngang vào tiếp quản thành. Sự kiện này khiến cho quân Minh thực sự lo sợ. Trong khi lực lượng của chúng ngày một rệu rã thì quân ta như thế chẻ tre. Cuối năm đó, quân Lam Sơn đánh tan hai đạo viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh, khiến Vương Thông ở Đông Quan phải xin giảng hòa rút về nước. Trong trận đánh này, Lê Ngân và Lê Sát là hai tướng tiên phong, được coi là những người lập công lớn nhất.

Khi Lê Lợi lên ngôi, trong buổi luận công ban thưởng, Lê Ngân được phong là Suy trung tán trị Hiệp mưu công thần, hàm Nhập nội tư mã, quyền tham dự triều chính. Tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), nhà vua ban biển ngạch công thần phong tước hầu cho 93 công thần với nhiều cấp bậc. Lê Ngân đứng hàng thứ 4, là người duy nhất được phong tước Thượng hầu, sau Phạm Vấn, Đỗ Sát (Lê Sát), Phạm Văn Xảo (Lê Xảo) là 3 người được phong Huyện thượng hầu (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm 1433 Lê Thái Tổ băng hà, hoàng Tử Nguyên Long khi ấy mới 11 tuổi lên kế vị, lấy hiệu là Lê Thái Tông. Kể từ đây cuộc đời của Thượng hầu Lê Ngân nhiều biến động.

Nếu từ năm 1434, Lê Ngân được phong hàm Tư khấu, chức Đô Tổng quản Hành quân Bắc Đạo và được cùng với Đại Tư đồ Lê Sát nắm quyền phụ chính; thì đến năm 1437 ông được vua Lê Thái Tông tin cậy trao quyền Tể tướng, phong là Nhập nội đại đô đốc, Phiêu kỵ Thượng tướng quân ở trấn Quy Hóa, đặc tiến Thượng trụ quốc Huyện thượng hầu... là đỉnh cao của danh vọng, hơn vạn người mà chỉ dưới 1 người.

Đánh giá cao công lao của Lê Ngân, vua Lê Thái Tông đã có bài chế: “Khi bị vây ở Ai Lao thì đùi vế khinh thường giáo mác; khi hết lương ở Lương Sơn như cây tùng dạn với tuyết sương. Rồi thì quét sạch đàn ong ở Bồ Đằng, Khả Lưu, sau lại phá tan lũ kiến ở Nghệ An, Thuận Hóa. Trận đánh bên Tây Việt mấy chục năm, cây cỏ còn ghi; công khôi phục Đông Đô nghìn muôn thuở sử xanh còn chép”.

Dư âm của những lời khen ấy chưa xong thì tháng 11 năm 1437, có người cáo giác ông thờ Phật quan âm trong nhà để cầu mong cho con gái mình là Huệ phi được vua yêu. Vua sai Thái giám Đỗ Đại dẫn 50 võ sĩ lục soát nhà Lê Ngân, bắt được tượng Phật và nhiều vàng bạc, tơ lụa... Ngày hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra để tạ tội: “Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn ưu ái bao dung. Nay gân sức của thần đã mỏi mệt lắm rồi, xin cho được về quê để sống hết tuổi tàn còn lại”. Nhưng, vua Lê Thái Tông không nghe. Lê Ngân bị buộc tự vẫn tại nhà như Lê Sát trước đây. Tài sản của ông bị tịch thu, con gái ông là Huệ phi Lê Thị Lệ bị giáng xuống hàng Tu dung; con trai là Lê Tông Nho phải đi làm lính, nhiều năm không được cất nhắc.

Cuộc đời của một khai quốc công thần như Lê Ngân và con cháu dòng họ rơi xuống vực thẳm. Cái chết của một khai quốc công thần như Lê Ngân khiến các đại thần khác vô cùng thương tiếc. Mãi đến năm 1453, tức là hơn 15 năm sau, nhân kỳ đại xá, vua Lê Nhân Tông xem xét lại các án cũ, thấy Lê Ngân bị oan nên truy tặng chức Thái phó, Hoằng quốc công, sai cấp cho con ông 100 mẫu ruộng để lo hương hỏa cho cha mình. Đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông truy tặng ông hàm Thái Bảo, tước Hoằng Quốc Công và cháu là Lê Thế An được ấm phong gia hành đại phu.

Chúng tôi về xã Xuân Thiên để tìm hiểu dấu tích của tướng tài Lê Ngân, song Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Doãn Luyến cho biết: Con cháu của cụ cũng đã vài lần tìm về đây, nhưng tiếc là trên chính mảnh đất quê hương ông, theo thời gian cùng binh biến của lịch sử, mọi dấu vết đều không còn. Tướng Lê Ngân được bà con Nhân dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) trang trọng thờ trong đình Tốt Động. Ngoài ra ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đều có những con đường mang tên Lê Ngân.

Sinh sống nhiều năm ở Khu chung cư Đông Phát, ông Nguyễn Văn Đức cho biết: Từ khi HĐND tỉnh quyết nghị về việc đặt tên phố Lê Ngân, bên cạnh các công thần nhà Lê như Hoàng Đình Ái, Lê Cảo... tôi mới có dịp tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp, đặc biệt là cái chết oan nghiệt của danh tướng Lê Ngân.

CHI ANH

(Bài viết có sử dụng tài liệu trong sách: Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Địa chí huyện Thọ Xuân).
Nguồn;Baothanhhoa.vn

Truy cập
Hôm nay:
3118
Hôm qua:
4019
Tuần này:
10365
Tháng này:
61927
Tất cả:
2060796