Bánh răng bừa Xuân Lập - Đậm đà hương vị xứ Thanh.
Là quê hương của một bậc minh quân, người sáng lập nên triều đại Tiền Lê - Lê Đại Hành hoàng đế, ngày nay, làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân vẫn còn lưu giữ nhiều lễ tục có lịch sử ngàn năm, một trong số đó là tục làm bánh răng bừa.
Làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là vùng đất cổ ngàn năm của xứ Thanh. Thuở sơ khai, làng được định danh là Kẻ Sập. Sang thời Đinh, làng đổi tên thành Trung Lập. Tên gọi này gắn với làng từ thuở ấy cho tới hôm nay. Trung Lập nằm giữa hai dòng thủy lưu, phía bắc là sông Cầu Chày, phía nam là dòng sông Chu. Đất trời chung đúc khí thiêng, khiến nơi này trở thành vùng địa linh, sản sinh ra bậc nhân kiệt vĩ đại cho quê hương đất nước đó chính là Lê Hoàn - Lê Đại Hành hoàng đế.
(Gạo làm bánh răng bừa Xuân Lập là loại gạo 13/2)
Là quê hương của một bậc minh quân, ngày nay, làng Trung Lập vẫn còn lưu giữ nhiều lễ tục có lịch sử ngàn năm, một trong số đó là tục làm bánh răng bừa. Theo câu chuyện truyền miệng của người dân địa phương, bánh răng bừa là sản vật liên quan đến Lễ Tịch điền của vua Lê Đại Hành. Năm ấy, nhà vua về quê cày ruộng, để thể hiện lòng thành kính, người dân bèn chọn gạo ngon và thịt lợn, làm thành chiếc bánh có hình dạng giống chiếc răng bừa, một công cụ lao động của người nông dân, để đem dâng ngài. Từ đó, nghề làm bánh răng bừa ra đời và được người dân làng Trung Lập giữ gìn cho đến hôm nay.
(Công đoạn xay bột)
Ngày nay, để làm nên chiếc bánh lá răng bừa dẻo thơm, người dân nơi đây đã chắt chiu từ những hạt gạo tẻ, loại gạo 13/2, dẻo và thơm ngon nhất. Gạo được ngâm trong nước lạnh khoảng 4 – 6 tiếng rồi đem xay thành bột nước. Tiếp đến, khâu ráo bột là khâu rất quan trọng trong làm bánh lá răng bừa, quyết định chất lượng của bánh, bởi nó đòi hỏi người làm phải biết pha lượng nước trong bột và lượng muối vừa phải. Không những thế, cần giữ lửa nhỏ và phải luôn quấy đều, ráo bột liên tục để bột không bị vón cục, đến khi bột đủ độ dẻo.
(Bột sau khi ráo)
Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối hột tươi ở vườn nhà, để giữ màu sắc bánh đẹp mắt, lá chọn không quá non cũng không quá già, không rách nát, được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá, rồi lau sạch.
Khâu chọn nhân cũng cầu kỳ để đảm bảo chất lượng bánh và mùi vị đặc trưng của bánh răng bừa Xuân Lập. Về cơ bản, nhân bánh gồm có thịt lợn vai băm nhỏ, hành khô, mộc nhĩ, tiêu bắc và nêm gia vị sao cho nhân vừa miệng, đủ độ đậm đà, thơm ngon.
Khi gói bánh, đòi hỏi bàn tay khéo léo của người làm, sao cho bánh được xoay nhẹ tay để tròn đều, nhân được cuộn vào trong, sau đó gấp hai đầu bánh lại. Luộc bánh sau khoảng 30 phút, khi mùi thơm của lá chuối hòa cùng bột gạo và nhân bánh tỏa ra, chiếc bánh được lăn trên lá không còn bị dính, lúc ấy là bánh đã chín và có thể thưởng thức ngay. Bánh răng bừa ngon nhất là ăn khi còn nóng, thêm chút mắm tiêu, hương vị sẽ thật khó cưỡng.
Hiện nay, sản phẩm bánh răng bừa Xuân Lập đã được công nhận sản phẩm OCOP, tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển và mở rộng thị trường. Toàn xã hiện có hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 13-15 triệu chiếc bánh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.
Bà Mai Thị Tú, chủ cơ sở sản xuất Bánh lá răng bừa Tú Chữ cho biết: "Trung bình mỗi ngày cơ sở tiêu thụ từ 500 - 1000 bánh. Vào dịp Lễ hội Lê Hoàn năm 2024 tới đây, theo ước tính từ lượng khách quen cũ và lượng du khách về tham quan lễ hội, bình quân mỗi ngày cơ sở sẽ tiêu thụ khoảng 3000 - 4000 bánh, nên ở thời điểm hiện tại, cơ sở đang tập trung chuẩn bị nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của thực khách trong lễ hội".
Đặc biệt, trong lễ hội Lê Hoàn năm 2024 diễn ra từ ngày 13 - 17/4/2024, tức từ ngày 05 - 09/3 Âm lịch, như thường lệ hàng năm, bên cạnh việc tái hiện nhiều lễ tục độc đáo gắn với đời sống sinh hoạt dưới triều Tiền Lê như tục nung bánh chưng, thú chơi bài điếm độc đáo, tục tiến cốm, xôi nén… tục gói bánh răng bừa cũng sẽ được tái hiện sống động trong các gian hàng tại Tuần lễ văn hoá - Du lịch Ẩm thực huyện Thọ Xuân và tại các hộ gia đình trong xã. Đây được coi là món ẩm thực không thể thiếu trong Lễ hội với hương vị không thể nào quên.
Trần Thành - Năng Tiến, Trung tâm VHTT, TT&DL huyện.
- Xã Thọ Hải chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh
- Huyện Thọ Xuân: Nhiều kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế Quý I năm 2025
- UBND huyện Thọ Xuân: Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2025 và triển khai một số nhiệm vụ sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp
- Công an thị trấn Thọ Xuân: Tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025
- Đại thắng mùa xuân năm 1975 mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại
- Nông dân thôn Thọ Long xã Xuân Lập tiếp tục thu hoạch các cây rau màu
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
- Trường THPT Lam Kinh: Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học
- Đồng chí Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Thọ Xuân thăm, tặng quà gia đình người có công nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Thọ Xuân thăm, tặng quà các gia đình người có công nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- 1.
Quỹ Tín dụng nhân dân Thọ Hải: Hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid 19
- 2.
Huyện Thọ Xuân đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 3.
Huyện Thọ Xuân: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.
- 4.
Bánh gai tứ trụ
- 5.
Huyện Thọ Xuân: Khơi nguồn tài nguyên văn hóa cho du lịch phát triển


