Nhức nhối các “điểm đen” và “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông

Đăng lúc: 13/03/2024 (GMT+7)
100%

- Mặc dù các sở, ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thị xã đã rà soát, đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.

 177d3155708t49173l0.jpg

Vị trí “điểm đen” tai nạn giao thông từ Km 571+700 - Km 572+200 đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Xuân Phú (Thọ Xuân) cần sớm được khắc phục.

Hiện nay, khu vực cầu vượt Phú Sơn, thuộc phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất đông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Trong khi cầu vượt Phú Sơn có bề mặt rộng 17m, độ dốc lớn, chiều dài tương đối và không có dải phân cách cố định ở giữa. Vì vậy, các phương tiện khi lưu thông lên cầu khó quan sát dẫn đến xảy ra tai nạn. Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gần đây nhất vào khoảng 14 giờ 20 ngày 12-2 (tức mùng 3 Tết Giáp Thìn) làm 2 người chết tại chỗ là một ví dụ.

Lâu nay, vị trí từ Km 571+700 - Km 572+200 đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Xuân Phú (Thọ Xuân) được người dân trong vùng xem đây là điểm đen TNGT. Theo các hộ dân sinh sống bên đường Hồ Chí Minh đoạn Km 571+700 - Km 572+200, khu vực này thường xuyên xảy ra va chạm, TNGT do đoạn đường cong và dốc nguy hiểm, khuất tầm nhìn người điều khiển phương tiện. Vào khoảng 21 giờ 30 ngày 26/1 tại vị trí này đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa 2 xe máy làm 3 người chết và 2 người bị thương.

Tại Km14+00 – Km19+750 Quốc lộ 217B, đoạn qua thị trấn Vân Du (Thạch Thành) có nhiều đường cong, bán kính hẹp, tầm nhìn hạn chế. Đây là khu vực tập trung đông dân cư, nhiều cơ quan, trường học, khu thương mại, chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy may nên lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông cao. Các ngành chức năng xác định đây là điểm đen TNGT cần được khắc phục.

Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 123 “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh chưa được xử lý, khắc phục. Trong đó, các quốc lộ do Khu Quản lý đường bộ II - Cục Đường bộ Việt Nam quản lý còn 13 vị trí chưa khắc phục; các quốc lộ do Sở Giao thông – Vận tải quản lý còn 44 vị trí (gồm 7 “điểm đen”, 37 “điểm tiềm ẩn”) và 66 vị trí trên các tuyến đường tỉnh (gồm 1 “điểm đen”, 65 “điểm tiềm ẩn”). Theo ông Lý Văn Thích, Trưởng Phòng Quản lý giao thông, hiện nay việc xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng trên nhiều tuyến đường chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của phương tiện vận tải. Với việc lưu lượng tham gia giao thông tăng, dẫn đến các vị trí nút giao trên một số tuyến đường cùng mức không còn phù hợp, dễ ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, hệ thống báo hiệu giao thông tại một số vị trí, đoạn tuyến còn chưa phù hợp với thực tế.

Tại một số nút giao, do yếu tố lịch sử có tầm nhìn hạn chế, đường cong bán kính nhỏ hạn chế tầm nhìn... cũng là yếu tố gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên việc cải thiện cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ cần rất nhiều chi phí (chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng...), gây khó khăn cho công tác xử lý các điểm đen, điểm bất cập trong tổ chức giao thông...

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh thì việc đầu tư xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT là cần thiết, cấp bách, nhằm nâng cao an toàn giao thông, góp phần hạn chế TNGT trên các tuyến đường. Theo bà Lại Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, ngay sau khi các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, ban đã có văn bản đề nghị Khu Quản lý đường bộ II sớm kiểm tra xem xét lắp đặt biển hạn chế tốc độ trên đoạn tuyến từ Km 570+500 và đến Km572+200 đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Xuân Phú (Thọ Xuân). Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông. Hiện ban đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Để khắc phục “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ TNGT, mới đây Sở Giao thông – Vận tải đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam về danh sách, hiện trạng và phương án xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ xảy ra TNGT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất 6 vị trí “điểm đen” TNGT trên các tuyến Quốc lộ 47, 47B, 217B và 15 cần được xử lý, khắc phục sớm nhằm ngăn ngừa TNGT xảy ra. Sở Giao thông – Vận tải cũng đề xuất phương án xử lý các “điểm đen”, như: bố trí đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm; bổ sung hệ thống báo hiệu, vạch sơn, gờ giảm tốc, đèn vàng cảnh báo... Tổng số kinh phí dự kiến hơn 16 tỷ đồng. Hiện Sở Giao thông - Vận tải đang phối hợp với các đơn vị, địa phương có tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua kiểm tra, rà soát các đường ngang tại các khu vực, vị trí nút giao thông trọng điểm để có giải pháp xử lý ngay nếu phát hiện các bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, Khu Quản lý đường bộ II tiếp tục rà soát các vị trí “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông mới phát sinh trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh qua địa bàn; bố trí kinh phí, thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các công trình xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” qua địa bàn đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Nguồn(Baothanhhoa.vn)